Cuộc cách mạng thứ hai của Michael Dell
Michael Dell đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chuyển mình mới tại Dell Technologies.
Tầm nhìn mới
Nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ những năm gần đây của các dịch vụ điện toán đám mây từ Amazon và Microsoft, nhiều công ty đã chuyển phần lớn phần mềm, dữ liệu và các ứng dụng mà trước đây được lưu trữ trong các máy chủ nội bộ sang hạ tầng “đám mây công cộng” mới. Các khách hàng giờ có thể tiếp cận vô số phần mềm và phần cứng được cung cấp như các dịch vụ dựa trên đám mây và các dịch vụ này lại có thể “bán lẻ”, thay vì bán theo gói.
Nhưng có quá nhiều phần mềm và phần cứng cũng khiến cho các giám đốc công nghệ cũng bối rối. Giám đốc công nghệ của các doanh nghiệp lớn đang đứng trước áp lực phải tận dụng mọi tiến bộ trong ngành điện toán từ phân tích dữ liệu cho đến trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật kết nối (IoT) để cải thiện hiệu quả doanh nghiệp, nhưng họ lại đối mặt với quá nhiều lựa chọn. Do đó, cơ hội vàng sẽ mở ra cho những ai biết cách đơn giản hóa mớ bòng bong này.
Đây cũng chính là tầm nhìn của Michael Dell cho tương lai của hãng công nghệ thông tin Mỹ Dell Technologies. Vị tỉ phú này đã sáng lập Dell ngay trong phòng ký túc xá của Đại học Texas vào năm 1984 và đến 27 tuổi, ông đã trở thành ông chủ trẻ nhất từ trước đến nay trong danh sách Fortune 500.
Michael Dell đã cách mạng hóa ngành máy tính cá nhân (PC) bằng cách bán trực tiếp cho khách hàng, áp dụng phương thức sản xuất tức thời just-in-time (hiểu một cách đơn giản là sản xuất sản phẩm đúng với số lượng tại đúng nơi vào đúng thời điểm, tránh được tình trạng lãng phí và hàng tồn kho nhiều) và phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, tinh gọn, nhờ đó bán giá thấp hơn các đối thủ.
Giờ Michael Dell đang tiến hành cuộc cách mạng tiếp theo. Ông đang nỗ lực giải cứu nhà sản xuất PC già cỗi khỏi quy luật hàng hóa phổ biến (commoditization) bằng cách đẩy mạnh mảng phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ đám mây. Ông đã đưa Dell trở thành công ty tư nhân vào năm 2013 (với sự hậu thuẫn của Silver Lake Partners) trong một thương vụ lên tới 24,4 tỉ USD. Lúc đó, doanh thu và lợi nhuận của Dell đang chao đảo khi ngành PC bị thu hẹp trước sự trỗi dậy của thiết bị di động và các nhà sản xuất châu Á giá rẻ. Triển vọng của Dell Technologies cũng trở nên cực kỳ u ám.
Sau khi rời xa sự săm soi của công chúng, Michael đã đầu tư rất mạnh (13,6 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển kể từ năm 2013) để củng cố năng lực của Dell trong lĩnh vực tích hợp đám mây và phần mềm có lợi thế cạnh tranh. Ông đã thực hiện thương vụ M&A công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, khi thâu tóm EMC, một nhà cung cấp lớn các thiết bị lưu trữ dữ liệu và phần mềm điện toán đám mây của Mỹ, với giá 67 tỉ USD vào năm 2016.
Hầu như không có doanh nghiệp nào có thể tạo ra một cuộc chuyển mình, theo Michael Cusumano, Giáo sư Trường Quản trị MIT Sloan, nhưng ông cho rằng các nỗ lực của Michael Dell đang bắt đầu cho ra trái ngọt. Dù việc đẩy mạnh đầu tư cùng với các chi phí kế toán liên quan đến vụ mua lại EMC đã khiến Dell tiếp tục thua lỗ, nhưng động cơ tăng trưởng cuối cùng đã khởi động. Cuối tháng 11.2018, báo cáo hằng quý chỉ ra doanh thu của Dell đã tăng mạnh 15%. Dòng tiền hoạt động cũng nhảy vọt từ 2,4 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2.2017 lên tới 7,7 tỉ USD vào ngày 2.11.2018; mức thua lỗ cũng đã giảm xuống.
Với diễn biến hiện tại, Dell có thể đạt doanh thu trên 90 tỉ USD trong năm nay từ mức gần 80 tỉ USD vào năm ngoái. Dell hy vọng các khoản đầu tư vào điện toán đám mây và phần mềm, vốn mang lại biên lợi nhuận cao hơn mảng PC, sẽ sớm giúp Công ty sinh lãi trở lại.
Một ví dụ thấy rõ là viên ngọc quý VMware, công ty đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm ảo hóa, cho phép phần mềm chạy trên nhiều máy một cách trơn tru. VMware là công ty đại chúng đang hoạt động sinh lợi đặt tại Palo Alto, California. Kể từ khi Dell nắm quyền kiểm soát VMware thông qua vụ thâu tóm EMC, các nhà đầu tư đã có thể sở hữu một phần của Dell thông qua DVMT, một loại chứng khoán theo dõi tỉ lệ sở hữu của Dell trong VMware.
Không bao lâu nữa, nhà đầu tư sẽ có thể mua trực tiếp cổ phiếu Dell. Ngày 11.12 vừa qua, tại trụ sở của Dell ở Round Rock, Texas, các cổ đông đã bỏ phiếu chấp thuận cho Dell lên sàn sau 5 năm trở thành công ty tư nhân. Theo đó, các cổ đông đã đồng ý tiến hành sáp nhập ngược (tức một công ty tư nhân sẽ trở thành công ty đại chúng bằng cách thâu tóm một công ty niêm yết mà không phải trải qua quá trình IPO phức tạp). Dell sẽ mua lại lại toàn bộ số cổ phiếu DVMT mà các cổ đông sở hữu với giá 23,9 tỉ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu. Dell sẽ niêm yết trên sàn New York sớm nhất là vào ngày 28.12 với mã DELL.
Phần mềm tương lai
Thách thức thực sự sẽ trỗi dậy sau cuộc bỏ phiếu này. Kế hoạch về “phần mềm tương lai” của Michael Dell đang đứng trước 3 canh bạc. Canh bạc thứ nhất là Dell phải trở thành nhà cung cấp số 1 về gói IT “tất cả trong một” và điều này sẽ không dễ dàng. Theo Norman White, Trường kinh doanh Stern NYU, việc kết hợp một lĩnh vực phần cứng đã trở thành hàng hóa phổ biến với một lĩnh vực phần mềm cải tiến là rất khó thực hiện. Tháng 10 vừa qua, IBM cũng đã thâu tóm Red Hat, nhà cung cấp phần mềm nguồn mở, với giá 34 tỉ USD và dự kiến sẽ bán song song với phần cứng. Điều đó sẽ khiến cho IBM trở thành một đối thủ tiềm năng.
Tuy nhiên, cuộc chuyển mình của Dell được chào đón bởi nhiều nhà quản lý IT. Giám đốc IT tại một ngân hàng lớn của Anh mà chi ra hơn 50 triệu USD mỗi năm vào gói sản phẩm của Dell cho biết ông đánh giá cao khả năng của Dell trong việc cung cấp “cơ sở hạ tầng tích hợp” bao gồm nhiều thành phần IT khác nhau như máy chủ, các hệ thống lưu trữ dữ liệu, các bộ định tuyến và phần mềm giúp cho tất cả các thiết bị này làm việc “ăn rơ” với nhau, thành một gói duy nhất.
Canh bạc đặt cược thứ hai của Michael Dell là vào sự trỗi dậy của “đám mây lai”, cho phép khách hàng kết hợp cả hạ tầng IT của bên thứ 3 với hạ tầng IT trong nội bộ doanh nghiệp. Các công ty ngày càng cảm thấy lo lắng về việc đặt tất cả dữ liệu kinh doanh và dữ liệu khách hàng, vốn rất nhạy cảm, vào trong tay của các đám mây bên thứ ba. Lonne Jaffe, từng làm việc tại IBM và hiện làm việc cho công ty đầu tư mạo hiểm Insight, tin rằng các đám mây lai chính là tương lai của ngành IT.
Đám mây công cộng của Amazon và Microsoft sẽ vẫn là một thế lực đáng gờm và Dell chắc chắn sẽ chịu cạnh tranh gay gắt về giá từ Amazon. Tuy nhiên, Dell vẫn có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp. Năm ngoái, Gartner đã dự đoán về một “cuộc chuyển hướng trên diện rộng sang hạ tầng lai”, với 90% doanh nghiệp sử dụng đám mây lai vào năm 2020.
Canh bạc thứ ba là vào điện toán ranh giới - edge computing (phương pháp tối ưu hóa hệ thống điện toán đám mây bằng cách xử lý tính toán dữ liệu tại vùng rìa (biên) của mạng, gần với nguồn dữ liệu nhất). Khi các quốc gia tung ra công nghệ 5G và các doanh nghiệp đưa cảm biến thông minh vào mọi thứ thì IoT cũng trỗi dậy mạnh mẽ. Michael Dell cho biết IoT đưa ra những yêu cầu mà đám mây công cộng không thể nào thỏa mãn được. Ông đặt tình huống: nếu một chiếc xe không người lái nhận thấy nó sắp sửa va phải một con hươu trên đường làng, liệu nó có chờ phần mềm từ một đám mây công cộng xa xôi đưa ra mệnh lệnh cho phép nó ngừng lại? Chắc chắn là không.
“Các quyết định phải được đưa ra hoàn toàn dựa trên thời gian thực, một chiếc ô tô chính là một trung tâm dữ liệu trên những bánh xe”, Simon Bolton, Giám đốc IT của hãng xe Jaguar Land Rover (JLR), khách hàng lớn của Dell, giải thích. Câu trả lời chính là điện toán ranh giới, cho phép xe hơi sở hữu năng lực điện toán mạnh mẽ. JLR từ lâu sử dụng các máy tính để bàn của Dell, các thiết bị lưu trữ của EMC và phần mềm của VMware. Giờ hãng xe này đang sử dụng các thành phần khác trong gói sản phẩm của Dell (như phần mềm an ninh mạng) để phát triển các hệ thống điện toán ranh giới.
Năm ngoái, Dell đã tạo ra một bộ phận mới chỉ phục vụ riêng cho IoT. Công ty cam kết đầu tư 1 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển trong 3 năm. Chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Dell đã đầu tư vào Graphcore, một startup Anh đang phát triển phần mềm và chip AI. Chip siêu nhanh của nó rất lý tưởng để sử dụng trong xe không người lái. Graphcore đang đưa những con chip AI này ra thị trường bằng cách tích hợp chúng vào phần cứng của Dell, sau đó đội ngũ kinh doanh khổng lồ của Dell sẽ quảng bá chúng đến các khách hàng doanh nghiệp lớn, vốn thường nằm ngoài tầm với của một startup.
Thành công của các chiến lược mới mà Dell đang triển khai phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu Michael Dell. Một số ý kiến cho rằng tăng trưởng gần đây của Dell có thể sẽ không bền vững và đặt dấu hỏi liệu mất bao lâu Michael Dell mới có thể đưa Công ty sinh lời trở lại. Vẫn còn phải chờ xem liệu ông có thể hòa hợp văn hóa kinh doanh “xông xáo” tại Round Rock với một văn hóa mềm mại hơn, tập trung vào cải tiến ở Palo Alto.
Michael Dell tự tin rằng kế hoạch của ông sẽ ra hoa kết trái. Không ít người tin ông có thể làm được, bởi ông đã từng “đả phá” những người hoài nghi ông trong quá khứ. Vào năm 2015, Meg Whitman, khi đó còn là sếp của HP Enterprise, đã dự đoán vụ thâu tóm EMC sẽ là một “sự sao nhãng cực lớn” đối với Dell. Trong một tít bài cùng năm, tạp chí Wired nhận định PC đã chết và thời đại của PC sẽ không bao giờ quay trở lại. Thế nhưng, doanh số bán PC của Dell vẫn đang không ngừng tăng lên. Liệu Michael Dell có thể chứng minh họ sai một lần nữa?
Ngô Ngọc Châu / Economist
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư