Âm thanh, hình ảnh trên online sẽ bị 'quản chặt'?
Các nội dung được đưa ra trong dự thảo nghị định của Bộ Thông tin và truyền thông về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình đang được đánh giá là làm khó doanh nghiệp, đi ngược yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ.
Ngày 12-12 Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (Dự thảo Nghị định) do Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì soạn thảo.
Theo VCCI, thay đổi cơ bản đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là mở rộng định nghĩa "dịch vụ phát thanh truyền hình", bao gồm cả dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet, các chương trình trong nước, chương trình nước ngoài, phim và các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh khác.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này theo hình thức thu phí cũng phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và xin giấy phép tại Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi hoạt động. Các nội dung số như video, nhạc trực tuyến phải được biên tập, biên dịch theo quy định của Luật Báo chí, với tỉ lệ số lượng chương trình trên mạng Internet không thấp hơn 30%.
Mở rộng lĩnh vực quản lý
Đối với chương trình nước ngoài cung cấp, dự thảo yêu cầu không bao gồm nội dung quảng cáo. Trường hợp nếu có phải được cài đặt tại Việt Nam, do các cơ quan báo chí được cấp giấy phép biên tập là đầu mối thực hiện và chịu trách nhiệm, với thời lượng không vượt quá 5% so với nội dung.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), dự thảo Nghị định quy định thêm việc cấp phép là không phù hợp, vì sẽ đi ngược lại mục tiêu đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Việc phải xin cấp phép sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn, tạo rào cản chứ không mang tính khuyến khích.
"Phạm vi điều chỉnh của dự thảo cũng được mở rộng đến tất cả nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh, như vậy sẽ bao phủ một khối lượng rất lớn nội dung trên online, đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông", bà Thảo nói. Bà Thảo đặt vấn đề là Thủ tướng yêu cầu nếu thêm điều kiện kinh doanh phải cáo cáo, trong khi ở trường hợp này việc mở rộng phạm vi ngành nghề có thể phải thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Tăng điều kiện kinh doanh, gây khó doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cũng cho rằng dự thảo phức tạp và mở rộng quá nhiều, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Thậm chí dự thảo đề cập đến các lĩnh vực ngoài phạm vi của Bộ Thông tin và Truyền thông, như lĩnh vực phim điện ảnh, hay yêu cầu tỉ lệ tối thiểu 30% các chương trình trong nước... khiến các doanh nghiệp không rõ Bộ Thông tin và Truyền thong hay Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch sẽ quản lý vấn đề này.
"Tôn chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là giảm thủ tục hành chính, nhưng trong Dự thảo Nghị định lại tạo giấy phép con, tăng điều kiện sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy, những điều khoản này cần phải được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng", ông Nghiêm đánh giá.
Luật sư Đặng Thanh Sơn, chuyên gia về luật và chính sách của Công ty Baker McKenzie, cũng bày tỏ lo ngại về một số thay đổi trong Dự thảo Nghị định sẽ tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, là rào cản cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường sẽ cần huy động một nguồn lực lớn để đảm bảo công tác quản lý và triển khai các quy định, đặc biệt là quy định yêu cầu đăng ký thêm giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền và biên tập, biên dịch.
Theo đó, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á (AVIA - trước đây là Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương), đề nghị cơ quan quản lý cần khoanh vùng quản lý tập trung vào các dịch vụ có thu phí vì số lượng các nội dung miễn phí trên Internet rất lớn, khó bao quát.
N. An
Nguồn