Quảng cáo trực tuyến: Kẻ hưởng lợi, người bực bội

Bên cạnh những tiện lợi mà quảng cáo online, thương mại điện tử đem lại, không ít người tiêu dùng thấy khó chịu với mặt trái của công nghệ.

Kết quả điều tra cho thấy 52% người tiêu dùng tại Việt Nam đang bị quá tải thông tin.

Bùng nổ thương mại điện tử

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) trong năm 2017, thương mại điện tử năm 2017 tăng trưởng so với năm trước ước tính trên 25%. Nhiều doanh nghiệp cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ các website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đạt 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu của dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Những con số trên cho thấy xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều này cũng được thể hiện qua sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Quảng cáo trực tuyến: Kẻ hưởng lợi, người bực bội

Với những lợi ích to lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, thương mại điện tử đang tiếp tục bùng nổ tại Việt Nam.

Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Web Summit 2018 vừa qua, ông Đoàn Duy Khoa, giám đốc phụ trách nghiên cứu tiêu dùng của Nielsen Vietnam cho biết: “Xu hướng mua hàng trực tuyến là thay đổi lớn nhất của người tiêu dùng trong những năm qua. Trung bình người mua hàng Việt Nam mua hàng trực tuyến 1 lần mỗi tháng.”

Sự phát triển của công nghệ và dịch vụ cũng tạo ra sự thay đổi lớn với xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam khi tỷ lệ người tiêu dùng mua hàng qua smart phone là 37%. 41% người dùng sử dụng điện thoại di động để quét mã QR xem thông tin sản phẩm.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp truyền thông, bà Vũ Kim Oanh, CEO của Omega Media Worldwide JSC, cho biết: “Tổng chi cho quảng cáo của tại Việt Nam trong những năm qua tăng 2 -3 lần, đạt 2,98 tỷ USD. Trong đó, quảng cáo qua mạng Internet đạt 872 triệu USD, chiếm đến 29% tổng chi cho quảng cáo, tăng nhiều lần so với tỷ lệ 3-5% cách đây 10 năm.”

Trong đó, các mạng xã hội là kênh quảng cáo được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm do có số lượng người dùng rất lớn. Bà Oanh đưa ra con số thống kê cho thấy ở Việt Nam, có đến 55 triệu người dùng có tài khoản mạng xã hội hoạt động thường xuyên. Nếu như trước kia, người dùng tập trung ở nhóm có độ tuổi từ 18 – 35 thì hiện nay, tỷ lệ này ở các nhóm khác cũng đang tăng mạnh.

Quảng cáo trực tuyến: Kẻ hưởng lợi, người bực bội

Đánh giá hiệu quả của việc bán hàng qua các công cụ trực tuyến (theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018).

Việc quảng cáo, bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội cũng được các doanh nghiệp đánh giá đem lại hiệu quả cao nhất so với các phương thức khác. Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018, có tới 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, cao nhất trong các công cụ trực tuyến. Đứng thứ hai là bán hàng thông qua website của doanh nghiệp (35%).

Quá tải vì quảng cáo

Mặc dù đem lại những lợi ích không thể phủ nhận với người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp nhưng quảng cáo trực tuyến cũng khiến cho không ít người cảm thấy phiền toái.

Là người dùng Facebook nhiều năm, anh Nguyễn Quốc Trung cho biết anh ngày càng thấy khó chịu khi vào mạng xã hội này. “Tôi vào Facebook chủ yếu để xem tin tức từ bạn bè nhưng bây giờ mở ra thấy tràn ngập toàn quảng cáo. Chặn cũng không chặn hết nổi”, anh Trung bực bội nói.

Những trường hợp như anh Quốc Trung hoàn toàn không phải ngoại lệ. Theo ông Đoàn Duy Khoa, đây là vấn đề với người dùng cũng như thách thức với các doanh nghiệp khi thống kê cho thấy 52% người tiêu dùng tại Việt Nam cảm thấy bị quá tải thông tin. Cùng với đó, việc thông tin cá nhân của người dùng bị khai thác ngoài ý muốn cũng đang là vấn đề hết sức nhức nhối.

Quảng cáo trực tuyến: Kẻ hưởng lợi, người bực bội

Theo ông Đoàn Duy Khoa, 52% người tiêu dùng Việt Nam đang cảm thấy quá tải thông tin.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Kim Oanh nói: “Việc này đến từ nhiều nguyên nhân. Những người làm business một cách chuyên nghiệp luôn cố gắng bảo mật cho người dùng tốt nhất nhưng đó không phải chuyện của riêng họ. Ví dụ như Facebook là nền tảng mở cho nên nhiều khi họ chia sẻ dữ liệu của người dùng cho đối tác thứ 3 khác. Khi chia sẻ như vậy, đối tác đó có giữ uy tín hay không hay lại gây rò rỉ dữ liệu?”

“Ngoài ra, bản thân người dùng cũng phải tự bảo mật, chọn các trang web uy tín. Nhiều người dùng thậm chí dễ dãi với dữ liệu của mình. Đây sẽ là cuộc chiến dài hơi cần tất cả các bên cùng phải nỗ lực”, bà Oanh nói thêm.

Phạm Sơn
Nguồn Khám Phá