Siêu ứng dụng và hệ sinh thái số toàn diện
Cuộc chiến của những công ty startup kỳ lân trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện không chỉ diễn ra trên đường phố mà cũng đang rất sôi động trong mảng dịch vụ tài chính số.
Grab vừa công bố họ đã thành lập một liên minh chiến lược với Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) để đẩy mạnh các dịch vụ số trong khu vực Đông Nam Á. Thương vụ hợp tác này giúp UOB đưa các dịch vụ tài chính đến lượng người dùng đang tăng nhanh của Grab ở Đông Nam Á; còn Grab có thể đề xuất trực tiếp các giải pháp thanh toán của ngân hàng này từ ứng dụng của họ. UOB sẽ là đối tác thẻ tín dụng của Grab ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Hai công ty cũng đang xem xét khả năng hợp tác để ra mắt một thẻ tín dụng chung trong khu vực Đông Nam Á.
Cả Grab và Go-Jek đều đang chuyển từ nhiệm vụ duy nhất là giúp mọi người đến được nơi cần đến để trở thành những ứng dụng theo những yêu cầu mà người dân Đông Nam Á không thể sống thiếu được. Mục tiêu của các startup này là trở thành “một ứng dụng cung cấp tất cả dịch vụ” có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của người tiêu dùng – từ dịch vụ logistics cho đến giao thực phẩm, thanh toán số. Và những khả năng mà các “siêu ứng dụng” này có thể vươn tới dường như là vô hạn.
Đối với các ngân hàng, câu chuyện không chỉ dừng lại ở dịch vụ chia sẻ phương tiện hay trở thành siêu ứng dụng mà việc hợp tác với các công ty công nghệ mang tính biểu tượng của khu vực là cách để xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho khách hàng của họ. Chỉ riêng ở thị trường Indonesia, Go-Jek đã có khoảng 20-25 triệu người dùng với 100 triệu giao dịch mỗi tháng (theo thông tin của Reuters vào tháng 9-2018). Cuối tháng 7-2018, Grab công bố họ đã chạm mốc “2 tỉ chuyến xe”, dù phải mất hơn năm năm để đạt 1 tỉ chuyến xe đầu tiên nhưng chỉ cần chưa tới chín tháng sau Go-Jek đã có được 1 tỉ chuyến tiếp theo. Với những số liệu này, rốt cuộc thì ngành tài chính buộc phải chú ý đến họ.
Còn tại thị trường Việt Nam, Zalo, Grab, Now và Go-Viet là những cái tên sở hữu số lượng người dùng lớn. Grab hợp tác với Moca và hai công ty đã cùng ra mắt phương pháp thanh toán không tiền mặt được gọi là “Grab Pay by Moca”. Ngoài Zalo Pay, ứng dụng Zalo còn có tính năng khác như Zalo Shop cho phép người dùng mua hàng trực tuyến. Người dùng Zalo cũng có thể tra cứu thông tin các tuyến xe buýt, tình trạng thời tiết và giao thông, thông tin về các địa điểm ăn uống, mua vé máy bay và đặt lịch khám bệnh hay thanh toán hóa đơn tiền điện, nước.
Cuộc cạnh tranh đang nóng lên trên thị trường thanh toán di động của Việt Nam với sự xuất hiện của những nhân vật mới như TrueMoney. Một thế lực khổng lồ là Facebook cũng đang tìm cách tham gia thị trường Việt Nam. Họ bắt đầu thử nghiệm các phương pháp thanh toán thương mại xã hội cho người dùng Thái Lan từ năm 2016 và đã có một thương vụ hợp tác với ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) của Việt Nam vào cuối năm 2017.
Lối sống hiện đại của người tiêu dùng ngày nay dường như không thể thiếu vắng các dịch vụ số. Sau mạng xã hội, họ bắt đầu đưa các dịch vụ điện tử vào đời sống hằng ngày, từ chia sẻ phương tiện cho đến giao đồ ăn thức uống. Theo số liệu của đơn vị thống kê trực tuyến Statista trong quý III-2017, tỷ lệ người dùng internet đã thực hiện mua sắm qua điện thoại di động ở thị trường Việt Nam đạt 33% (Thái Lan: 52%, Singapore: 39%, Indonesia: 31% và Philippines: 25%).
Long Hồ / INC / FintechNewsSG
Nguồn Doanh Nhân+