IPO 2018: Việt Nam bất ngờ vượt Singapore
Quá trình thúc đẩy cổ phần hóa đã giúp thị trường IPO của Việt Nam đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về giá trị.
Với quy mô lên đến 6,2 tỉ đô la Singapore tính đến tháng 11, thị trường phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) Việt Nam đã bất ngờ vượt qua cả Singapore (715 triệu đô la Singapore) để đứng đầu khu vực Đông Nam Á, theo thống kê của Công ty Kiểm toán Deloitte. Thậm chí, tính trên bình diện toàn khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã chiếm hơn một nửa và gần như chắc chắn giữ được vị trí đầu bảng khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm.
Các thương vụ IPO tỉ USD đóng góp lớn nhất vào thành tích này là thương vụ chào bán cổ phần của nhà phát triển bất động sản Vinhomes, hay phát hành cổ phiếu của Ngân hàng Techcombank. “Sự nổi lên của thị trường vốn Việt Nam một phần nhờ vào quá trình các chính sách thúc đẩy cổ phần hóa và tái cấu trúc thị trường của Chính phủ, đi kèm với sự gia tăng quan tâm của các nhà đầu tư ngoại và các quỹ nội địa. GDP tăng khá trong năm 2018 cũng là yếu tố thúc đẩy”, báo cáo của Deloitte nhận định.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Singapore huy động được con số khá thất vọng, nhất là khi so với mức 4,6 tỉ đô la Singapore giá trị các thương vụ IPO của năm 2017. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, các yếu tố như xung đột chính trị, chiến tranh thương mại và điều kiện vĩ mô kém thuận lợi đã ảnh hưởng đến kế hoạch IPO trong năm nay của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn và làm ảnh hưởng tiêu cực đến thống kê toàn thị trường.
Từ kết quả đáng khích lệ của năm nay đi cùng sự chuyển dịch ngày càng nhiều của dòng vốn ngoại đến Việt Nam, năm 2019 có thể tiếp tục là năm chói sáng nữa của thị trường IPO. Các doanh nghiệp nội nhờ đó có thể thay đổi kế hoạch niêm yết trên thị trường nước ngoài khi thực tế cho thấy, lượng tiền có sẵn trong nước vẫn rất dồi dào cho các doanh nghiệp tận dụng.
Mới đây, Công ty xếp hạng thị trường chứng khoán FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường được theo dõi để có thể nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi loại 2. Còn khảo sát của Công ty Tư vấn Quản lý Bain & Company cho thấy 90% nhà đầu tư tư nhân xem Việt Nam và Indonesia là các thị trường nóng bỏng nhất ASEAN trong vòng 12 tháng tới. Theo Bain & Company, giá trị các thương vụ đầu tư vào 2 quốc gia này chiếm 20% toàn khu vực trong 5 năm gần đây, dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.
Bên cạnh môi trường vĩ mô thuận lợi, cuộc chiến thương mại được khởi xướng bởi Mỹ và Trung Quốc cũng có thể là chất xúc tác mới để dòng vốn đổ mạnh vào Việt Nam. Tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 11 tháng đầu năm lên tới 30,8 tỉ USD. “Tôi cho rằng chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến dòng vốn FDI gia tăng vào Việt Nam khi các công ty tìm cách di chuyển hoạt động sản xuất đến đây, đi cùng với đó là cơ hội gia tăng xuất khẩu. Trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ hưởng lợi”, ông Don Lam, CEO của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital nhận định. Có điều đáng tiếc trong kết quả IPO năm nay, không xuất hiện nhiều dấu ấn từ khối các doanh nghiệp nhà nước tương tự như thương vụ bom tấn Sabeco năm 2017.
Theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2018, đã cổ phần hóa 12 doanh nghiệp với tổng giá trị 29.747 tỉ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2017 và 2018 phải cổ phần hóa 108 doanh nghiệp. Tuy vậy đến nay mới cổ phần hóa được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch. Như vậy, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn từ đầu năm đến nay có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đẩy mạnh các thương vụ cổ phần hóa hơn nữa trong những năm tới, Chính phủ đang cân nhắc một số bước đi mới hấp dẫn hơn như cân nhắc xóa bỏ mức giới hạn 49% tỉ lệ sở hữu của người nước ngoài trên thị trường chứng khoán niêm yết. Các doanh nghiệp nhà nước vừa hoàn thành xong IPO cũng buộc phải niêm yết ngay để cải thiện tính thanh khoản và tính minh bạch. Đây cũng là bước đi nằm trong kế hoạch giúp Việt Nam nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi và gia tăng hơn nữa dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam.
Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư