Grab, Go-Viet, Vinasun và một năm biến động của thị trường gọi xe
Uber bán mình cho Grab, Go-Viet chính thức hoạt động và vụ kiện Vinasun - Grab kéo dài hơn 9 tháng là 3 sự kiện quan trọng nhất trong một năm biến động của thị trường gọi xe Việt.
7h sáng, sau khi đưa con đến trường, anh Trung (32 tuổi, quận Bình Tân) bắt đầu mở ứng dụng Go-Viet để đón khách. Đều đặn hơn 2 năm nay, một ngày làm việc của tài xế xe ôm công nghệ này kéo dài từ 10 đến 12 tiếng, không kể thời gian nghỉ trưa.
Nhưng năm 2018 với riêng anh Trung là một năm đầy biến động khi chỉ trong chưa đầy 6 tháng, anh đã 2 lần thay đổi đồng phục của mình, chuyển từ Uber sang Grab rồi sau đó là Go-Viet, xen kẽ rất nhiều lần nhận được thông báo mời tham gia hàng loạt ứng dụng gọi xe khác.
Vụ sáp nhập lịch sử của Grab và Uber
Tin đồn về việc Grab sẽ mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á bắt đầu từ năm 2017 và xuất hiện ngày một nhiều trong 2 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, CEO Uber Dara Khosrowshahi khi đó khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Đông Nam Á.
Đầu tháng 3, đại diện của Uber Việt Nam cũng trấn an các tài xế thông tin Uber bán mình là tin đồn không có cơ sở và hãng cam kết sẽ hoạt động ổn định.
Thế nhưng sáng ngày 26/3, anh Trung và hàng nghìn tài xế khác của Uber tại Việt Nam nhận được thông báo chính thức: Uber sẽ sáp nhập vào Grab tại Đông Nam Á và các tài xế Uber được khuyến khích chuyển sang ứng dụng đối thủ.
“Bàng hoàng, hụt hẫng, buồn bã, tức giận” là những từ được các tài xế của Uber chia sẻ nhiều nhất khi nhận được thông tin. Ngay trong chiều 26/3, văn phòng của Uber tại TP.HCM và Hà Nội đóng cửa khi nhiều tài xế tìm đến hỏi chuyện sáp nhập.
Theo nguồn tin của chúng tôi, chính đội ngũ vận hành của Uber Việt Nam cũng không hề biết trước về thương vụ do ban lãnh đạo Uber toàn cầu quyết định và chỉ nhận được thông báo vào sáng ngày 26/3 như các tài xế. Đặc biệt, hôm đó là ngày khai trương văn phòng mới của Uber ở quận 4 và nhân viên Uber tại TP.HCM đã không bao giờ có cơ hội làm việc tại trụ sở mới.
Gần 12h đêm ngày 8/4, ứng dụng Uber chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam, đánh dấu kết thúc 4 năm cạnh tranh quyết liệt giữa 2 công ty và mở ra thời kỳ gần như “một mình một chợ” của Grab trên thị trường.
Cũng kể từ thời gian này, khách hàng liên tục than phiền Grab về việc giá cước tăng cao so với thời điểm trước khi mua lại Uber cũng như việc hủy cuốc, thái độ, tác phong không tốt của tài xế.
Đầu tháng 5, CEO Grab tại Việt Nam, ông Jerry Lim xác nhận hãng nhận được nhiều phàn nàn của khách hàng nhưng nhấn mạnh cước phí của Grab tăng nhẹ để công bằng hơn với tài xế khi giá xăng tăng lên và việc này đã được thông báo tới khách hàng từ năm 2017 và đồng thời giá Grab chỉ cao hơn trong giờ cao điểm.
Gần 12h đêm ngày 8/4, ứng dụng Uber chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam, đánh dấu kết thúc 4 năm cạnh tranh quyết liệt giữa 2 công ty Uber và grab.
Cùng với đó, thương vụ lịch sử giữa Grab và Uber không kết thúc suôn sẻ khi ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương thông báo kết quả điều tra sơ bộ về vụ sáp nhập giữa Grab và Uber. Theo đó, vụ việc có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh khi thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Hai ngày sau, Bộ Công Thương thông báo tiếp tục điều tra thương vụ nhưng kết quả chính thức vẫn chưa được đưa ra sau hơn 6 tháng.
Những cuốc xe 1.000 đồng của Go-Viet
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, các ứng dụng gọi xe thuần Việt tận dụng cơ hội để chiêu mộ thêm tài xế với mục tiêu mở rộng thị phần. Nhưng tính đến hết năm 2018, dấu ấn của hầu hết nền tảng này đều mờ nhạt.
Số lượng đối tác của Mai Linh, VATO, ABER, FastGo đều ít hơn đáng kể so với Grab và các nền tảng này không có nhiều ưu đãi đặc biệt để lôi kéo khách hàng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên từng chia sẻ các ứng dụng Việt vẫn còn yếu cả về công nghệ và nguồn lực.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Go-Viet, đứa con được khai sinh cho thị trường Việt Nam của startup tỷ USD Go-Jek góp phần quan trọng cân bằng thị trường gọi xe trực tuyến. Sân nhà của Go-Jek, Indonesia, cũng chính là thị trường duy nhất mà Grab thất thế nhiều năm tại Đông Nam Á.
Được thử nghiệm tại Việt Nam từ tháng 7 và mở rộng hoạt động tại 12 quận trung tâm TP.HCM từ ngày 1/8, Go-Viet đã có màn chào sân ấn tượng khi áp dụng chương trình khuyến mãi 5.000 cho các chuyến đi dưới 8 km tại TP.HCM. Đến ngày 12/9, Go-Viet chính thức tiến quân ra thị trường Hà Nội với mức ưu đãi còn “khủng” hơn khi tính phí chỉ 1.000 đồng cho các cuốc xe dưới 6 km. Cùng với đó, tân binh xe ôm công nghệ cũng thiết kế chương trình hỗ trợ thu nhập để thu hút tài xế.
Tại sự kiện ra mắt thị trường Hà Nội, đại diện Go-Viet hùng hồn tuyên bố đã có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM, 1,5 triệu lượt tải ứng dụng cùng 35.000 đối tác ở cả TP.HCM và Hà Nội chỉ sau 6 tuần chính thức hoạt động tại Việt Nam.
Những động thái của Go-Viet khiến Grab không thể ngồi yên và phải đưa ra nhiều ưu đãi để giữ chân cả khách hàng và tài xế. Nhiều khách hàng đánh giá Grab đã khuyến mãi sâu nhất kể từ khi Uber rời cuộc chơi. Bên cạnh đó, Grab ngoài giữ chân tài xế còn tung chiêu thu hút chính các đối tác của Go-Viet.
Hiện tại, cả Go-Viet và Grab đều giảm đáng kể tần suất các chương trình ưu đãi “khủng” cho khách hàng gọi xe. Tuy nhiên, cả hai lại đang “đốt tiền” khuyến mãi cho dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.
Với mảng ôtô, nhiều tài xế tại TP.HCM chia sẻ Go-Viet đang tuyển đối tác nhưng vẫn chưa rõ ngày chính thức ra mắt dịch vụ Go-Car.
Một vấn đề pháp lý quan trọng đối với Go-Viet là bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử phải đợi đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86.
Ngoài chiến lược giá, Go-Viet cũng thể hiện sự bài bản trong hoạt động truyền thông khi công bố đại sứ thương hiệu là Sơn Tùng MTP. Một chuyên gia trong ngành quảng cáo chia sẻ chi phí để một ngôi sao như Sơn Tùng nhận lời làm đại sứ cho nhãn hàng có thể lên tới hơn 14 tỷ đồng một năm.
9 tháng căng thẳng và diễn biến bất ngờ vụ kiện Vinasun - Grab
Nếu như điểm nhấn lớn nhất của thị trường xe ôm công nghệ thuộc về cuộc cạnh tranh giữa tân binh Go-Viet và Grab thì sự chú ý của dư luận đối với loại hình taxi công nghệ lại đổ dồn vào phiên tòa kéo dài hơn 9 tháng của Vinasun và Grab.
Ngày 6/2, TAND TP.HCM bắt đầu xét xử vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng của Vinasun với Grab. Vinasun cáo buộc hoạt động của Grab làm giảm sút lợi nhuận của mình trong 18 tháng tính từ ngày 1/1/2016 và yêu cầu phía Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.
Trải qua nhiều lần hoãn xử, đến ngày 17/10, phiên tòa được mở lại. Trong quá trình tranh luận, Vinasun khẳng định Grab kinh doanh taxi trong khi Grab luôn phủ nhận và cho rằng mình chỉ là công ty công nghệ. Ngày 23/10, VKS đề nghị buộc Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng cho Vinasun.
Theo dự kiến, tòa tuyên án vào ngày 29/10 nhưng nhận thấy cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan kết luận giám định mới có cơ sở phân định chính xác nên HĐXX quyết định ngừng phiên tòa. Sau đó phiên tòa tiếp tục diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/11. Tại đây, phía Grab tiếp tục không đồng ý với kết quả giám định thiệt hại còn Vinasun bảo lưu quan điểm có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab và thiệt hại của Vinasun.
Ngày 30/11, diễn biến bất ngờ của cuộc “đại chiến” giữa Vinasun và Grab xuất hiện khi hai bên đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải.
Theo đó, sẽ có 2 trường hợp có thể xảy ra. Hoặc Vinasun và Grab sẽ thống nhất các khoản hòa giải bên ngoài tòa và nguyên đơn sẽ rút đơn kiện hoặc hai bên sẽ hòa giải ngay tại tòa và biên bản hòa giải sẽ được đưa ra ngay sau đó.
Dù vẫn phải chờ đợi kết quả hòa giải chính thức, nhiều chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu đáng hoan nghênh khi sau 9 tháng đối đầu căng thẳng, hai đại diện của kinh doanh truyền thống và kinh tế chia sẻ đã quyết định ngồi lại đối thoại để dung hòa lợi ích.
Đặc biệt, kết quả cuối cùng của vụ kiện Vinasun - Grab có thể ảnh hưởng phần nào đến nghị định mới thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vẫn còn gây tranh cãi.
Đồ họa: Châu Châu
Việt Đức
Nguồn Zing News