Thị trường sữa tươi: Nguyên liệu quyết định thị phần
Việc làm chủ nguồn nguyên liệu sữa tươi đã trở thành yếu tố chủ yếu để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường, bởi hiện nay sữa tươi nguyên liệu tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu, số còn lại được bù đắp bằng nhập khẩu, chính xác là dạng sữa hoàn nguyên.
Theo tính toán của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, tại Việt Nam, chi phí trung bình sản xuất 100kg sữa tươi khoảng 42 - 52 USD, trong khi ở Úc và New Zealand là 35 USD, Mỹ là 41,4 USD, châu Âu 40 - 55 USD. Nguyên nhân chi phí sản xuất nguyên liệu sữa tươi của Việt Nam cao hơn so với các nước là do điều kiện thời tiết, giống bò, thức ăn, đất đai. Tuy nhiên, với phân khúc sữa tươi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có lợi thế so với các công ty nước ngoài muốn đưa sữa tươi vào thị trường Việt Nam để bán do rào cản về bảo quản, hệ thống phân phối.
TH Milk từng đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ có tổng đàn bò 137.000 con, chiếm 50% sản lượng sữa tươi của cả nước, và là bàn đạp trong cuộc chạy đua với công ty dẫn đầu là Vinamilk. Chỉ trong một thời gian ngắn, TH Milk đã lọt vào nhóm 3 công ty sữa hàng đầu Việt Nam. TH Milk đã tập trung sức mạnh để phát triển phân khúc "sữa hoàn toàn sạch" bằng cách xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Trên nền tảng sữa tươi, TH Milk liên tục đưa ra các sản phẩm mới như sữa tươi hạt óc chó, hạt macca, organic...
Mặc dù còn hạn chế nguồn nguyên liệu sữa tươi, nhưng các doanh nghiệp vẫn dồn mọi nỗ lực tạo ra những ưu thế cạnh tranh trên thị trường. IDP, Nutifood, Nestle, Milo,... tung ra hàng loạt sản phẩm mới bằng cách thêm các chất dinh dưỡng, hương vị mới để đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng.
Việc liên tục đón đầu thị trường bằng các sản phẩm mới sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho kinh doanh, thương hiệu, đồng thời sẽ ít bị thiệt hại vì né tránh được các đối thủ lớn trong ngành.
Theo ông Trần Bảo Minh - Tổng giám đốc IDP, thị trường sữa tươi hiện nay còn cạnh tranh về tiếp thị và giá. 2 yếu tố này đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính mạnh. Đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp phải đối diện. Không đủ ngân sách tăng độ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, ngay lập tức sẽ rớt lại đằng sau đối thủ.
"Với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, chỉ cần bỏ 10% doanh thu để chạy các chương trình tiếp thị là đã bằng doanh thu cả năm của các doanh nghiệp nhỏ. Điều đó cho thấy, cuộc đua đường dài với đối thủ lớn rất khó khăn. Cạnh tranh về giá cũng không phải là phương cách tốt, có thể giành lấy thị trường trong thời gian ngắn, nhưng một khi đã giảm giá thì quay lại tăng giá rất khó để người tiêu dùng chấp nhận", ông Minh nói.
Hiện nay, tổng đàn bò của Vinamilk khoảng 120 ngàn con với sản lượng sữa tươi nguyên liệu 800 tấn/ngày, do đó Vinamilk vẫn là công ty sản xuất sữa tươi lớn nhất, đạt 58% thị phần, tăng 2% so với năm 2017.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, không dễ đối đầu với "ông lớn" Vinamilk khi doanh nghiệp này đang có nhiều lợi thế và đi rất nhanh trong chiến lược kinh doanh. Về tài chính, Vinamilk có dòng tiền rất tốt, được tạo ra từ kinh doanh ổn định với mức tăng lợi nhuận cao. Đây là bệ đỡ cho việc thực thi các chiến lược kinh doanh, gây sức ép cho mọi đối thủ.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ, mặc dù thị trường sữa tươi ngày càng cạnh tranh khốc liệt và nhiều đối thủ mới gia nhập ngành nhưng Vinamilk sẽ không để mất thị phần. Vinamilk đặt chỉ tiêu mỗi năm tăng 1% thị phần để 5 năm kế tiếp có thị phần trên 60%.
Bà Liên cho biết: "Theo đánh giá của một số hãng nghiên cứu thị trường thì tốc độ tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam là từ 5 - 7%/năm, nên Vinamilk muốn giữ và tăng thị phần phải giữ tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm".
Để vượt qua các đối thủ, Vinamilk đặt nền móng cạnh tranh trên 3 trụ chính, đó là chiến lược sản phẩm, chiến lược giá và hệ thống phân phối. Với sản phẩm, chiến lược kinh doanh của Vinamilk là xét theo từng thời điểm, có thể tập trung nguồn lực cho những ngành hàng có quy mô thị trường lớn nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận nhưng cũng sẵn sàng phát triển những phân khúc sản phẩm mà thị trường còn nhỏ nhưng đầy tiềm năng.
Trong nỗ lực giữ thị phần, với bối cảnh giá nguyên liệu đang tăng, Vinamilk giữ giá bán ổn định bằng cách cân đối ngân sách cho tiếp thị, quảng cáo. Mới đây Công ty đã mua Nhà máy Đường Khánh Hòa để chủ động một phần nguyên liệu, giúp giá sản phẩm không tăng.
Vinamilk sẽ tiếp tục đi tắt đón đầu về đầu tư công nghệ mới nhất nhằm tăng hiệu suất sản xuất, tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu, mà chương trình mới nhất sẽ là sử dụng robot để tự động hóa việc vắt sữa bò tại các trang trại, tự động sản xuất sữa. Một khi khấu hao 70% các nhà máy này, Vinamilk sẽ mở rộng đầu tư.
Theo một chuyên gia trong ngành, hiện nay Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam (Dutch Lady Việt Nam) mới có thể là đối thủ của Vinamilk. Đây là công ty đa quốc gia sở hữu đầy đủ nguồn lực về vốn, công nghệ và rất kiên nhẫn với các mục tiêu đã hoạch định.
"Rõ ràng, để bắt kịp được Vinamilk xem ra ngày càng khó với những người chơi còn lại", ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Thiên Thảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn