Phát triển tính cách thương hiệu như thế nào?
Tính cách thương hiệu là yếu tố tác động đến sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu đó.
Cùng là thức uống được ưa chuộng, nhưng mỗi loại được người tiêu dùng hình dung rất khác nhau: Coca-Cola là "ngầu", phong cách Mỹ và chân thực; Pepsi là trẻ trung, hợp thời; Dr Pepper là đa dạng, vui vẻ...
Giống như con người, những thương hiệu thành công luôn có tính cách rõ ràng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để thương hiệu có thể phát triển tính cách đó? Một nghiên cứu về tính cách thương hiệu của Jennifer L. Aaker đã được thực hiện nhằm tìm ra câu trả lời.
Để xác định được tính cách thương hiệu là yếu tố giúp thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng, ông đã gợi ý với 631 người đánh giá 37 thương hiệu dựa trên 114 đặc điểm tính cách của con người. Kết quả cho thấy, người tiêu dùng nhận thức các thương hiệu có 5 chiều hướng riêng biệt, bao gồm: chân thành (sincerity), thú vị (excitement); thẩm quyền (competence), tinh tế (sophistication), chắc chắn (ruggedness).
Nhưng vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng rất rộng nên các nhà nghiên cứu tập trung vào các khía cạnh đại diện, ví dụ, sự hướng ngoại (extroversion) trong tính cách của con người bao gồm 6 khía cạnh là ấm áp, hiếu khách, quyết đoán, năng động, thú vị và cảm xúc tích cực.
Ba trong số 5 chiều hướng tính cách thương hiệu có liên quan đến tính cách con người là chân thành (gợi lên sự ấm áp), sự thú vị (tràn đầy năng lượng) tính thẩm quyền (trách nhiệm); hai yếu tố còn lại là "tinh tế” và "chắc chắn" lại không liên quan đến những tính cách của con người.
Qua đó các nhà nghiên cứu chứng minh tính cách thương hiệu đã làm tăng sở thích, khả năng tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng cũng như gợi lên cảm xúc ham muốn được sở hữu sản phẩm. Đặc biệt, tính cách thương hiệu làm tăng sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu đó.
Một yếu tố rất quan trọng nữa được các nhà nghiên cứu quan tâm, đó là cơ chế tâm lý của con người. Tưởng chừng cơ chế tâm lý con người và tính cách thương hiệu không liên quan, nhưng thực tế, cơ chế tâm lý đã điều khiển hành vi của người tiêu dùng. Điều đó giải thích vì sao trong thực tế có các nhóm khách hàng là đại diện tiêu dùng của thương hiệu có sự tương đồng về tính cách.
Ví dụ, những người theo chủ nghĩa cá nhân thường có tính độc lập, thích sự tự trị và luôn cho mình là độc nhất thì sẽ lựa chọn những thương hiệu giúp họ khác biệt, ngược lại những người ưa chủ nghĩa tập thể sẽ chọn thương hiệu mà sản phẩm của nó thể hiện họ giống với những người khác vì họ luôn tuân theo các quy tắc và thích những gì giống nhau.
Hồng Thanh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn