Sự hồi sinh và hành trình "lật đổ" Apple của Microsoft
Trước đây, ở một thời điểm, những ngôi sao như Digital Equipment, Sun Mircosystems, Nokia đã toả sáng rực rỡ nhưng rồi lại vội vụt tắt. Vậy nên, màn trở lại đầy ngoạn mục của Microsoft gần đây trở nên rất đặc biệt.
Dưới sự dẫn dắt của Satya Nadella, gã khổng lồ công nghệ "cao tuổi" này đã chuyển mình. Ông đặt "con bò sữa hái ra tiền" này vào tình thế rủi ro và đạt được thành công rực rỡ trong lĩnh vực công nghệ đám mây. Vào tuần trước, thị trường chứng khoán đã chứng kiến cú "bật nhảy" cực kỳ ấn tượng của Microsoft, khi cổ phiếu công ty này vượt mặt và "lật đổ" Apple để trở thành công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới.
Vậy nhà cung cấp dịch vụ công nghệ này làm thế nào để có màn trở lại xuất sắc đến như vậy?
Từ "Windows là trên hết" cho tới "Windows và các sản phẩm khác"
"Phiên bản" cũ Microsoft bị ám ảnh bởi việc luôn đặt Windows là trung tâm của tất cả các trải nghiệm máy tính, và điều đó đôi khi lại không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Dưới sự dẫn dắt của Nadella, Microsoft đã đưa Windows vào vận hành smartphone và mang đến một sản phẩm có hiệu năng tốt hơn điện thoại của Apple hay Google. Các kỹ sư của công ty đã đóng góp một phần không nhỏ cho các dự án phần mềm nguồn mở và công ty đã tạo ra phần mềm riêng theo giấy phép mã nguồn mở. Khi vẫn còn là một công ty Windows, họ đã chấp nhận sử dụng Linux, trong công nghệ đám mây, trong Windows 10 và thậm chí cả lĩnh vực thực thi bằng sáng chế.
Đánh cược với công nghệ đám mây
Sự "chèo lái" của Nadella đã giúp Microsoft không những là nhà cung cấp dịch vụ đám mây thông thường mà còn vươn lên là một đối thủ đáng gờm của Amazon Web Services - nhà cung cấp dịch vụ đám hàng đầu.
Trong khi Microsoft bắt đầu dự án đám mây dưới thời của Ballmer, thì dưới bàn tay của Nadella, ông đã tạo ra một dịch vụ với chất lượng cao hơn và đã thay đổi khoản bồi thường cho người bán để đảm bảo rằng khách hàng cuối cùng sẽ sử dụng dịch vụ đám mây của Microsoft.
Hơn nữa, ông đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vào một "đám mây thương mại", bao gồm cả dịch vụ Azure cũng như gói đăng ký doanh nghiệp cho Office 365, doanh thu thương mại LinkedIn và phần mềm kinh doanh Dynamic 365, bằng cách tiết lộ doanh thu hàng quý cho từng danh mục. Và ông cũng ổn định mức chi tiêu vốn, việc này đã khiến công ty có thể mở rất nhiều trung tâm dữ liệu trên thế giới.
Trong một lưu ý gửi đến khách hàng vào tháng 10, Jay Vleeschhouwer - nhà phân tích tại Griffin Securites, ước tính rằng, Azure sẽ tạo ra 12,8 tỷ USD doanh thu trong năm tài chính 2019 của Microsoft.
Đẩy mạnh hợp tác
Trong khi Amazon Web Services tiếp tục "chiến đấu" với một số đối thủ khác thì Microsoft lại cố gắng trở nên ít cạnh tranh hơn và trở thành một đối tác làm việc hiệu quả hơn.
Tại hội nghị của Credit Suisse vào tuần trước, phó chủ tịch điều hành Microsoft Jason Zander đã được hỏi về những gì đã khiến dịch vụ đám mây Azure trở nên độc đáo. Zander đã nói đến phạm vi rộng của danh mục đầu tư Azure và khả năng làm việc với các trung tâm dữ liệu tại chỗ hiện có của công ty. Ông cũng nói về cách Microsoft nghĩ về khách hàng của mình:
"Một trong những điều quan trọng tôi luôn nói với những khách hàng và đối tác tiềm năng, đó là chúng tôi không phải đối thủ của các bạn. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ bạn trong một thế giới mà tôi nghĩ rằng có rất nhiều người không muốn sử dụng công nghệ của một nhà cung cấp mà nhà cung cấp đó lại quay lưng, cạnh tranh với những bên khác."
Với sự lãnh đạo của Nadella, Microsoft cũng sẵn sàng hợp tác với những đối thủ. Hiện công ty đã có mối quan hệ đối tác với các "cựu" đối thủ như Dropbox, Red Hat, Saleforce và thậm chí là Amazon.
Ít phụ thuộc vào thông tin cá nhân
Khi một số giám đốc điều hành và giới chức nói về việc điều tiết những công ty công nghệ lớn, Microsoft thường tránh được những lời chỉ trích nặng nề nhất.
Khi Microsoft vẫn có một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến qua công cụ tìm kiếm Bing và MSN của các trang web, thì hoạt động kinh doanh cốt lõi lại nằm ở lĩnh vực khác. Điều đó có nghĩa là Microsoft có ít "động cơ" để thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng.
Vào tuần trước, Baird ước tính rằng 3 đến 4 USD cho các loại chi tiêu của công nghệ kế thừa (legacy technology) đã bị thay thế bởi mỗi USD trả cho dịch vụ đám mây. Điều đó có nghĩa là công nghệ đám mây của Microsoft đang hái ra tiền từ số tiền đã từng đi đến những gã khổng lồ như Cisco Systems và IBM. Công ty này vẫn nắm giữ lợi thế của công nghệ đám mây và đây là xu hướng sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới, Baird cho hay.
Một cuộc khảo sát của JPMorgan được thực hiện vào tháng 6 đối với hơn 150 nhân viên cấp cao về thông tin cho thấy chỉ có 23% khối lượng công việc của các công ty công nghệ là dựa trên đám mây. Các giám đốc điều hành dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên 52% vào năm 2023.
Nadella đưa Microsoft trở thành "nhân vật chính" trong một thị trường đang phát triển. Công ty hiện đứng thứ 2, với 13% thị phần điện toán đám mây, chỉ đứng sau Amazon Web Services với 53%. Tuy nhiên, khoảng cách đang dần thu hẹp, doanh thu của dịch vụ đám mây Azure của Microsft đã tăng 76% trong quý gần nhất, còn AWS là 46%.
Hôm thứ Sáu tuần trước, giá trị vốn hóa của Microsoft đạt mức 851 tỷ USD, đánh bật con số 847 tỷ USD của Apple. Trong tháng 11, cổ phiếu của Apple giảm đến 18%, trong khi Microsoft tăng 4%, Microsoft trở thành công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.
Hương Giang / CNBC / Barron's
Nguồn Trí thức trẻ