Giải mã hiện tượng Juno
Juno trở thành hiện tượng trong thị trường giày dép nội địa. Tốc độ ra mẫu nhanh, quay vòng sản phẩm trong 3 tháng dường như là chưa đủ.
Tốc độ ra mẫu nhanh, quay vòng sản phẩm trong 3 tháng dường như là chưa đủ với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào ngành bán lẻ thời trang như Juno. Khi một khách hàng bước vào cửa hàng Juno, gần như các hành vi phục vụ của nhân viên từ bảo vệ, bán hàng điều được ghi nhận thông qua hệ thống camera giám sát. Có 5 nhân viên phụ trách việc theo dõi toàn bộ cửa hàng Juno, họ có nhiệm vụ đảm bảo khách hàng phải được phục vụ tốt và dịch vụ này phải đồng nhất ở tất cả các điểm bán trên toàn quốc.
Đi lên nhờ công nghệ
Có mặt trong lĩnh vực kinh doanh giày và túi xách hơn 10 năm nhưng cái tên Juno mới bắt đầu được biết đến từ năm 2015, khi Seedcom đầu tư vào thương hiệu này. Ngay lập tức, Juno gia tăng sự hiện diện bằng cách mở rộng hệ thống cửa hàng, với tốc tộ tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước. Tính đến thời điểm hiện tại, Juno có 81 cửa hàng và dự kiến sẽ đạt con số 90 vào cuối năm nay. Công ty đã hiện diện ở 30 tỉnh thành trong đó 2 thị trường chính là TP.HCM và Hà Nội có độ phủ thương hiệu hơn 80%.
Song song với việc gia tăng số lượng cửa hàng, công nghệ là điều tiếp theo được đầu tư nhiều hơn tại Juno. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Điều hành Juno, đối với mô hình truyền thống, các công ty sản xuất phải trải qua các giai đoạn từ thiết kế, vận chuyển nguyên vật liệu cho đến đưa ra thị trường. Chuỗi cửa hàng càng nhiều, việc vận chuyển sẽ tăng quy mô theo và nảy sinh thêm vấn đề tồn kho hàng hóa.
Khi các quy trình này không thông suốt với nhau, doanh nghiệp sẽ không sản xuất nhiều mẫu mã hoặc tăng độ phủ vì trở ngại trong việc quản lý tồn kho và vận chuyển. Đây là lý do dù năng lực gia công giày và túi xách của công nhân Việt Nam tốt nhưng mẫu mã của các doanh nghiệp trong nước lại đơn điệu.
Bằng việc ứng dụng công nghệ, Juno có thể đưa ra thị trường hơn 30 mẫu giày và túi xách mỗi tháng, thời gian quay vòng mỗi mặt hàng là 3 tháng hoặc ít hơn. Hệ thống công nghệ tự điều chỉnh số lượng hàng hóa và tự đề xuất chia hàng theo nhu cầu từng khu vực. Bên cạnh đó, nhờ dự đoán được nhu cầu sản phẩm tiêu thụ từ dữ liệu trong hệ thống, năm 2017, Juno tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đặt hàng nguyên liệu so với năm 2016 dù sản lượng bán ra cao hơn.
Ông Tuấn thừa nhận do Juno sẽ tiếp tục mở rộng nên hệ thống vẫn trong quá trình nâng cấp nhưng khả năng đưa ra quyết định của hệ thống có độ chính xác khoảng 80%. Năm 2017, Juno bán ra 2,5 triệu sản phẩm, doanh thu công bố đạt 400 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm trước. “Nhờ ứng dụng công nghệ, chúng tôi là đơn vị có tốc độ tăng trưởng về cửa hàng và doanh thu nhanh nhất thị trường trong 3 năm qua”, ông Tuấn nói.
Hướng đến O2O
Cùng với Vascara (hiện có hơn 100 cửa hàng, phần lớn trong đó là nhượng quyền), cả 2 đều là thương hiệu giày và túi xách nội địa được chú ý nhất trong thời gian qua. Việt Nam dù nằm trong nhóm 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng nhưng vẫn là quốc gia gia công và thị trường trong nước từ trước đến nay là sân chơi của hàng Trung Quốc. Chính vì thế, Vascara và Juno đang là hiện tượng trong ngành.
Theo ước tính của Vascara và Juno, quy mô thị trường giày và túi xách ở Việt Nam khoảng 1 tỉ USD/năm nhưng cả 2 chưa chiếm chưa tới 5% thị phần. Chính vì thế, theo ông Tuấn, Juno quan tâm đến việc đưa công nghệ vào vận hành nhiều hơn là cạnh tranh với các đối thủ vì dư địa thị trường đủ cho các bên tham gia.
Công ty đã đầu tư vào xu hướng O2O trong 2 năm qua. Theo ông Tuấn, định nghĩa đơn giản nhất về O2O là dù khách mua hàng trên internet hay tại cửa hàng, trải nghiệm mua sắm (gồm giá sản phẩm, mẫu mã, khuyến mãi) là đồng nhất. Ứng dụng O2O tốt sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu doanh thu và gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Lấy ví dụ, vào mùa cao điểm bán hàng, mô hình bán lẻ truyền thống thường gặp tình trạng quá tải tại các cửa hàng, dẫn đến một lượng khách hàng nhất định sẽ không tham gia. Với O2O, doanh nghiệp có thể đạt tỉ lệ khách tham gia lên cao nhất khi đón lượng khách ngại chỗ đông bằng cách thúc đẩy họ giao dịch trực tuyến.
Xa hơn, có thể hiểu O2O là công cụ chiều lòng khách hàng. Theo ông Tuấn, không doanh nghiệp bán lẻ nào có thể đoán được lưu lượng giao thông ở các địa điểm sẽ như thế nào trong 2-3 năm đến khi các tuyến Metro hình thành, cũng không doanh nghiệp nào có thể ép khách hàng đến mua sắm ở cửa hàng hoặc mua sắm trực tuyến. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đem lại sự hài lòng của khách hàng dù họ mua sắm trực tuyến hay tại cửa hàng”, ông Tuấn cho biết.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư