Chiến lược dài hơi nào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Ra đời sau các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ giảm chi phí để có thể có chỗ đứng trên bản đồ ô tô khu vực.
Bắt đầu đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10 vừa qua đã có 28.899 xe được bán ra, tăng 21% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017, trở thành tháng có số xe bán cao nhất kể từ đầu năm nay.
Tháng 10 cũng đánh dấu sự bùng nổ lượng xe bán ra của các thương hiệu được ưa chuộng như KIA (2.657 xe), Honda (3.475 xe), Toyota (8.426). Các mẫu xe Vios, Wigo, Fortuner và Innova của Toyota là 4 mẫu xe nằm trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất của VAMA tháng vừa qua.
Công ty Ford Việt Nam tăng 12% sản lượng tiêu thụ xe so với cùng kỳ năm trước, trong đó mẫu Ford Ranger mới ra mắt tiếp tục giữ vị trí xe bán tải bán chạy nhất Việt Nam (kể từ năm 2014 đến nay).
Tương tự, mẫu xe Ford EcoSport tăng 59% so với cùng kỳ 2017, tiếp tục là sản phẩm bán chạy nhất trong phân khúc xe SUV cỡ nhỏ tại Việt Nam trong năm 2018.
"Chúng tôi đang cho thấy những bước tiến ổn định và lâu dài trong quý IV/2018. Hoạt động kinh doanh của các đại lý Ford đang có sự tiến triển mạnh mẽ, và các dòng sản phẩm Ranger, Everest và EcoSport đã đem lại sự phát triển vững chắc của chúng tôi", ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam chia sẻ.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đã có 214.466 xe được các thành viên VAMA bán ra thị trường, trong đó thương hiệu được tiêu thụ nhiều nhất là Mazda với 26.165 xe, tiếp theo là KIA với 23.310 xe, Honda với 21.054 xe, Ford với 17.210 xe.
Đánh giá về thị trường, các chuyên gia trong ngành cho rằng, mảng ô tô nhập khẩu từ giờ đến cuối năm sẽ rất sôi động. Bởi sau khoảng thời gian dài chờ đợi vì thiếu nguồn cung (do vướng Nghị định 116), những mẫu xe bán chạy đã được nhập khẩu trở lại sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhìn xa hơn về thị trường ô tô Việt Nam, ông Choi Duk Jun - Tổng giám đốc Công ty Mercedes-Benz Việt Nam cho rằng, thị trường ô tô sẽ chuyển động theo hướng của thị trường Trung Quốc hay Hàn Quốc. Chính sách ít con và quen dần với hình thức mua trả góp thay vì trả một lần khiến khách hàng xe sang ngày càng trẻ hơn và sẵn sàng mua ô tô hơn so với trước đây.
Cần chiến lược dài hơi
Thị trường đã tăng, tuy nhiên đó là ngắn hạn, về lâu dài cần có chiến lược bài bản. Theo ông Toru Kinoshita - Chủ tịch VAMA, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam sẽ sớm bước vào giai đoạn xã hội hóa xe hơi với sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc khách hàng cá nhân.
Vì vậy, từ bây giờ, các nhà sản xuất ô tô cần phải nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị nhất khi sở hữu xe.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược cho công nghiệp ô tô. Cụ thể, trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Năm 2016, quy định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đã được thông qua. Cuối năm 2017 là Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với quan điểm "ngành công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn".
Cuối tháng 5/2018, kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 cũng đã được phê duyệt. Trong đó, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cần chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến nay, thị trường đã có sự tham gia tích cực từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có Thaco, Vingroup và các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi... Tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô (xe con, xe tải và xe khách) khoảng 600.000 xe/năm.
Một số loại xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao như xe tải đạt 55% tỷ lệ linh kiện phụ tùng nội địa. Xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45 - 55%, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, một số nước Trung Mỹ.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, khi đến Việt Nam vào năm 1995, Toyota gặp nhiều khó khăn khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa. Do thị trường lúc đó quá nhỏ, chỉ vài ngàn xe mỗi năm nhưng có tới 10 nhà sản xuất với 20 nhãn hiệu.
Để giải quyết khó khăn này, Toyota phải tăng quy mô cả kinh doanh lẫn sản xuất. Vì chỉ có kinh doanh tốt thì sản xuất mới có thể tăng được, sản xuất nhiều mới cần lượng linh kiện phụ tùng lớn, khi đó tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng. Chuỗi quan hệ này cần giải quyết ở ngọn thì mới phát triển được gốc.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Toyota Việt Nam, khó khăn lớn nhất là quy mô thị trường còn nhỏ dẫn đến chi phí sản xuất cao, giá chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0%.
"Chúng tôi muốn xây dựng các chính sách dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỷ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đồng thời, Chính phủ nên có chương trình hỗ trợ các nhà sản xuất để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, có những chính sách phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam", vị lãnh đạo Toyota Việt Nam đề xuất.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn