Du lịch và hàng không đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam
Cách nay một thập niên, chỉ có trên 30,7 triệu ghế máy bay bay đến/bay đi từ Việt Nam. Năm nay, con số đã tăng gấp 4 lần, đạt 121,07 triệu ghế.
Tăng chuyến và tăng ghế
Nghiên cứu số liệu về số lượng ghế trên các loại máy bay của những chuyến bay đã lên lịch khai thác trong năm, Official Airlines Guide (OAG) - công ty chuyên về hàng không quốc tế cho biết, trong năm 2018, có tổng cộng 121,07 triệu ghế bay đến/bay đi từ các sân bay của Việt Nam, tăng 9,9% so với năm 2017. Như vậy, số ghế tăng thêm là 10,88 triệu ghế.
Và trong tổng số 121,07 triệu ghế 2 chiều bay đi từ Việt Nam trong năm 2018; có đến 65% là ghế ở thị trường bay nội địa (78,89 triệu ghế).
Mức tăng trưởng lớn nhất thuộc về nhánh các hãng hàng không chi phí thấp/giá rẻ. Năm 2008, những hãng bay này mới chỉ có cộng chung 13% tổng lượng ghế cung ứng, nhưng nay đã chiếm suýt soát 48%. Một thập niên về trước, hành khách chỉ được phục vụ 4,08 triệu ghế 2 chiều trên các chuyến bay giá rẻ, nay đã lên đến 57,65 triệu ghế, tức tăng 1.312%. Ngành hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã tăng trưởng 4,5 lần nhanh hơn tổng thị trường cùng nhánh.
Nhận định nêu trên của OAG phù hợp với đánh giá chung của giới chuyên ngành du hành hàng không quốc tế, khi nhận định về thực tế Việt Nam đang trải qua thời gian bùng nổ vận chuyển hàng không chủ lực vì mục đích du lịch và thương mại. Chỉ sau 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón nhận 11,62 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi 2017 đã là một năm rất thành công của ngành công nghiệp không khói Việt Nam, nhờ đón được 12,92 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm 2016. Năm 2016, số khách đến cũng đã tăng 26% so với năm 2015 (từ 7,94 triệu lên 10,01 triệu khách khi năm 2016 kết thúc).
Theo đà tăng trưởng như hiện nay, Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (World Travel & Tourism) dự báo đến năm 2027, ngành du lịch Việt Nam có đóng góp khoảng 9,2% GDP cả nước, cụ thể là 34,6 tỷ USD. Con số này là 9,1% GDP và 18,4 tỷ USD hồi năm 2016.
Tính về hãng bay thì Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không lớn nhất trên thị trường nước nhà với mức tăng tải khoảng 0,7% trong năm 2018. Tuy nhiên, hãng vé rẻ lớn nhất Việt Nam là Vietjet Air vẫn không ngừng gia tăng số ghế ở mức rất cao, khoảng 22% trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong khi tổng ghế cung ứng của Vietnam Airlines vẫn ở mức 25%, nhưng năm 2017, con số này là 52%. Cộng chung 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific chiếm 79% tổng lượng ghế cung ứng cho thị trường hàng không Việt Nam năm 2018.
Sân bay tấp nập
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn là sân bay quan trọng nhất và có nhiều kết nối hàng không với thị trường khu vực và quốc tế nhất của Việt Nam với 46,22 triệu ghế 2 chiều trong năm 2018, tăng 5,8% so với năm 2017. Ở hạng nhì là sân bay quốc tế Nội Bài với lượng ghế tăng thêm khoảng 8,3% trong năm nay, đạt 32,08 triệu ghế.
Cộng chung 2 sân bay này chiếm 65% tổng lượng ghế cung ứng bởi tất cả các hãng bay, tức có giảm so với thời đỉnh cao 80%, vì nay đã xuất hiện thêm 5 sân bay có mức tăng trưởng ở 2 con số, gồm Đà Nẵng (20,4%; 14,94 triệu ghế); Nha Trang (28,5%; 6,8 triệu ghế); Cần Thơ (29,9%; 1,1 triệu ghế); Phú Quốc (18,8%; 3,72 triệu ghế) và Đà Lạt (11,6%; 1,89 triệu ghế).
Ngoài ra Việt Nam còn có 5 sân bay khác cũng cung ứng được từ 1 - 2 triệu ghế hai chiều trở lên, gồm Hải Phòng (2,64 triệu ghế); Huế (2,16 triệu ghế), Vinh (2,07 triệu ghế), Quy Nhơn (1,40 triệu ghế) và Ban Mê Thuột (1,07 triệu ghế).
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã thực sự trở thành sân bay "cổng vào" quan trọng ở khu vực miền Trung, đón nhận nhiều hãng hàng không khu vực và quốc tế. Chẳng hạn ngày 19/12, Qatar Airways sẽ trở thành hãng đầu tiên từ Trung Đông bay đến đây. Hãng Jeju mở liên tiếp 2 đường bay đến Đà Nẵng gồm Busan vào tháng 3 và Muan vào tháng 5.
Sang đến tháng 7 vừa rồi, đến lượt hãng Vietjet Air khai trương đường bay từ Đà Nẵng đi Daeugu (Hàn Quốc) và mới đây, Korean Air mở đường bay từ Busan đến Đà Nẵng, khai thác bằng máy bay B737.
Qua những đường bay mới tại Đà Nẵng, Hàn Quốc cũng trở thành thị trường hàng không quốc tế lớn của Việt Nam trong năm 2018, với tổng số ghế cung ứng tăng 50% so với năm 2017.
Sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) phục vụ thị trường du lịch Nha Trang cũng phát triển rất tốt, chủ yếu phục vụ du khách Nga (chỉ riêng trong ngày 9/10, đã có đến 29 chuyến bay đến/đi từ 13 sân bay Nga).
Nhiều khách dù không có đường bay thẳng
Tuy không được phục vụ bằng những chuyến bay thẳng bởi bất cứ hãng hàng không nào, mà đều phải kinh qua những trạm trung chuyển nhưng Mỹ lại là thị trường khách quốc tế lớn hạng thứ 6 của Việt Nam. Năm 2017, đã có 614.117 khách Mỹ (gồm cả khách Mỹ gốc Việt) đến Việt Nam, tăng 11% so với năm 2010. Theo số liệu của OAG Traffic trong năm 2017 đã có 1,33 triệu lượt hành khách phải bay cách gián tiếp từ Mỹ đến Việt Nam, 19% trong số này là bay từ TP.HCM đến Los Angeles. Ngoài Mỹ, còn có 2 thị trường nhiều khách mà cũng không có đường bay thẳng, gồm Canada (138.242 khách, tăng 13%), Hà Lan (72.277 khách, tăng 12%).
P. Nguyễn Dũng
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn