Thế giới sẽ ăn gì trong thập kỷ tới và doanh nghiệp cung ứng thực phẩm phải thay đổi thế nào?
Theo dự báo, bơ và sữa sẽ được tiêu thụ nhiều hơn tại Ấn Độ, đồ ngọt sẽ gia tăng ở châu Phi, trong khi lượng tiêu thụ thịt tại Trung Quốc sẽ giảm dần.
Mỗi một xu hướng trên đều sẽ góp phần tái định hình dòng chảy thương mại nông sản toàn cầu. Và, để có thể trở thành người chiến thắng trên thị trường, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm cần phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng thực phẩm sao cho phù hợp với xu hướng khẩu vị mới của người tiêu dùng.
Và đó là lý do mà các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và logistics rất cần nắm được những dự báo từ Liên Hiệp Quốc (UN) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc thế giới sẽ ăn gì trong 10 năm tới.
Trung Quốc “lùi bước”
Nhu cầu mặt hàng nông sản, từ ngũ cốc cho tới thịt, đã bắt đầu bùng nổ từ những năm 2000 - thời điểm gần sát với sự gia nhập hoàn toàn của Trung Quốc vào thị trường thế giới. Nhu cầu tăng cao, kết hợp với những gián đoạn trong cung cấp, đã đẩy giá thực phẩm lên mức kỷ lục vào năm 2011.
Với việc người dân Trung Quốc cũng như tại các nền kinh tế mới nổi trở nên giàu có hơn và chuyển lên thành phố để sinh sống, mức tiêu thụ thịt heo, thịt gà và cá cũng vì thế mà gia tăng. Điều này kéo theo sự bùng nổ trong giá bán các loại nông sản dùng làm thức ăn gia súc như đậu nành, bắp và các loại ngũ cốc khác.
Chính sự gia tăng đó đã giúp các công ty như Tyson Foods Inc. và nhiều thương hiệu khác như Cargill Inc. và Archer-Daniels-Midland Co. vượt qua tình trạng trì trệ trong tiêu thụ thực phẩm ở các nền kinh tế đã phát triển, bằng cách chuyển mục tiêu sang những nền kinh tế mới nổi.
Được hậu thuẫn bởi những chính sách khuyến khích sử dụng bắp, mía cũng như các loại nông sản khác để làm nhiên liệu sinh học từ chính phủ, sự bùng nổ lương thực trong thế kỷ XXI đã mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi ngóc ngách trong chuỗi cung ứng, và góp phần toàn cầu hóa nền nông nghiệp.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ này còn mang lại lợi ích cho người nông dân khắp thế giới, từ Ukraine đến Uruguay; và đồng thời giúp cho thu nhập của các nông trại tại Mỹ và Brazil bước lên tầm cao mới. Trong suốt quá trình, động lực thúc đẩy cho nhu cầu ấy chính là Trung Quốc.
Nhưng sau gần 20 năm, động lực này đã chậm lại. Theo số liệu từ OECD và UN, nhu cầu tiêu thụ thịt và cá tại Trung Quốc đang giảm dần, khi dân số nước này già đi và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại. Theo báo cáo triển vọng thực phẩm 10 năm tới được hai tổ chức trên công bố gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã không còn nắm vai trò chủ đạo trong nhu cầu tiêu thụ lương thực toàn cầu.
“Chúng tôi đang chứng kiến một sự tụt dốc mạnh trong nhu cầu tiêu thụ thực phẩm”, Jonathan Brooks - trưởng đơn vị thị trường và thương mại nông sản - thực phẩm tại OECD ở Paris - cho hay, “Chúng tôi chưa tìm ra bất kỳ tín hiệu nào cho thấy mức độ tiêu thụ thực phẩm ở Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ có khả năng quay trở lại như lúc trước".
Sự bùng nổ lương thực trong thế kỷ XXI đã mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi ngóc ngách trên chuỗi cung ứng và góp phần toàn cầu hóa nền nông nghiệp.
Thời của Ấn Độ và châu Phi
Gia tăng dân số sẽ là nhân tố quyết định đến mức độ tăng trưởng trong nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, khi mà một yếu tố khác là thu nhập, đang giảm trên toàn thế giới. Thế nhưng, dân số ở các nước trên thế giới không còn tăng nhanh như lúc trước, ngoại trừ ở châu Phi và Ấn Độ. Và, khẩu vị của họ không giống như của người Trung Quốc cho lắm.
Trong khi nhiều quốc gia phát triển đã quan ngại về các vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ chế độ ăn chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thì các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, vốn phần lớn đi lên từ tình trạng rất nghèo, lại rất ưa chuộng những thực phẩm như thế. Nơi đây chính là “mỏ vàng” cho những công ty như Nestle SA và Coca-Cola Co. Có thể nói, tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh đường và dầu thực vật tại châu Phi thậm chí sẽ vượt mặt cả những nước giàu hơn.
Thế nhưng, sự tăng trưởng này cũng không thể nào có tác động mạnh mẽ tới việc kinh doanh thịt như những gì mà Trung Quốc đã làm. Đó là vì những quốc gia ở châu Phi là các nước đang phát triển; thu nhập ở châu Phi sẽ không tăng nhanh như ở Trung Quốc trong quá khứ. Thực tế cho thấy, dựa theo báo cáo thống kê, mức độ tiêu thụ bình quân đầu người về thịt, sản phẩm từ sữa và cá tại khu vực cận hoang mạc Sahara sẽ thậm chí có lúc giảm.
Ấn Độ “mở lối đi riêng”
So với những khu vực khác trên khắp thế giới, Ấn Độ là nơi nhiều hứa hẹn sẽ đạt sự tăng trưởng như Trung Quốc trước đây. Đất nước này có thể vượt mặt Trung Quốc về dân số vào năm 2022, và trở thành đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới vào năm 2050. Nhưng, với một đất nước có tôn giáo chủ yếu thiên về ăn chay như Ấn Độ, việc mở rộng mức độ tiêu thụ thịt sẽ không dễ dàng. Thay vào đó, những nhà sản xuất sản phẩm từ sữa sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của Ấn Độ.
Mức độ tiêu thụ sản phẩm từ sữa tại Ấn Độ có thể tăng hơn ⅓ vào năm 2026. Dù điều này sẽ là cơ hội tốt cho những nhà sản xuất toàn cầu như Fonterra Cooperative Group Ltd. và Danone SA, song, hầu hết nhu cầu của người dân đều được đáp ứng bởi các nhà cung cấp trong nước.
Dù vậy, vì tình trạng nông nghiệp kém năng suất do không đủ nước và thức ăn gia súc, sản phẩm nhập khẩu tại Ấn Độ có thể vẫn cần thiết. Những người nông dân nhỏ lẻ, lực lượng chủ đạo của nền nông nghiệp Ấn Độ, vốn khó có thể tiếp cận với nguồn tiền hơn so với những đồng nghiệp của họ tại các nước đã phát triển, sẽ chính là tác nhân thúc đẩy việc nhập khẩu dầu thực vật.
Kết
Thập kỷ ít biến động này có thể là một tin vui đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới, vì giá thực phẩm sẽ khá ổn định. Nhưng đây lại không phải là tin tốt đối với các công ty nông phẩm - những người đành phải “ngậm ngùi” chấp nhận sự thật rằng, Trung Quốc và các chính sách nhiên liệu sinh học của nó chỉ là tác nhân thúc đẩy trong một khoảng thời gian rồi kết thúc.
Đối với những quốc gia giàu có như Mỹ và với những thị trường chín chắn như Trung Quốc, họ cần phải cạnh tranh về chất lượng hơn là về số lượng. Nhưng đối với những quốc gia như Ấn Độ hoặc châu Phi, số lượng vẫn có thể là yếu tố quyết định thành - bại. Với những tác nhân thúc đẩy mới và sự thay đổi trong chế độ ăn uống, người thích nghi tốt nhất chính là người chiến thắng trên thị trường này.
Lê Duy
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn