Chung kết cuộc thi Young Marketers 7: Khi ‘Gen Z’ lội ngược dòng văn hóa để cứu tuồng (hát bội)
Với nhiều bạn trẻ, thứ 7 là một ngày nghỉ ngơi, bạn có thể dành hơn một chút thời gian để vùi ngủ, hay cafe cuối tuần với bạn bè, nhưng với hơn 150 bạn trẻ TP.HCM tham gia buổi chung kết cuộc thi Young Marketers 7 trong sáng thứ 7 vừa rồi, đó là lần đầu tiên các bạn được xem một trích đoạn Tuồng tận mắt, được chứng kiến một màn tranh tài bùng nổ giữa 4 thí sinh tài năng đang nỗ lực đưa ra những chiến lược và ý tưởng hay nhất để ‘cứu Tuồng’.
Young Marketers đã kéo dài tới mùa thứ 7, không hẳn là cuộc thi lâu đời nhất, nhưng có lẽ đây là một trong những cuộc thi về Marketing uy tín nhất tới thời điểm hiện tại với hơn 5.000 thí sinh tham gia và hơn 60 marketer kinh nghiệm đồng hành.
Sau 6 mùa thi với đề tài mang tính ‘thực trạng xã hội’, đây là năm đầu tiên Young Marketers chọn một đề tài ‘văn hóa’. Tuồng (Hát Bội), một loại hình nghệ thuật trình diễn bác học lâu đời của người Việt, đang dần rơi vào ‘góc đen’ trong mắt người trẻ. Vốn là một nghệ thuật được chào đón nhiều trong quá khứ bởi các vị vua chúa cung đình, đến thời hiện đại Tuồng chỉ là một ý niệm ít người hiểu. Người trẻ không xem, không biết về Tuồng, Tuồng lại thiếu người kế nghiệp. Với sự đồng hành của 3 nhãn hàng: Biti’s Hunter, Gốm sứ Minh Long và Coffee Highlands, các thí sinh tham dự phải đề xuất kế hoạch quảng bá Tuồng để thu hút sự chú ý của người trẻ. Bạn có thể xem chi tiết đề thi Young Marketers 7 tại đây.
Tuồng cần được ‘cứu’. Tuồng không phải là hình thức giải trí xưa cũ, giá trị của Tuồng nằm ở ‘nhận diện văn hóa Việt’ (culture identity) có mặt trong từng hơi thở của Tuồng: trong nét đẹp độc đáo ước lệ, trong mỗi bước di chuyển của người nghệ nhân, trong cách hát nói hùng tráng và trong từng điển tích Tuồng nói về. Khi đất nước càng hội nhập, thế hệ trẻ càng lạc lõng, thì nhận diện dân tộc trong Tuồng cho ta điểm bám víu, để kể, để tự hào. Và chỉ có lớp trẻ Gen Z, với sự sáng tạo không ngừng, mới đưa được Tuồng trở lại cộng đồng ‘lạc lõng’ này.
BGK của buổi chung kết Young Marketers năm nay là những gương mặt vừa có chuyên môn cao về Marketing, vừa có chuyên gia về văn hóa xã hội:
- Nhà Sử học Dương Trung Quốc
- Anh Nguyễn Đình Toàn – Senior Vice President Marketing, Suntory Pepsico Vietnam; Co-Founder, Young Marketers
- Chị Đặng Thu Hà – Head of Marketing, Vinasoy
- Anh Hùng Võ – Vice President Marketing, Biti’s, Chief Marketing Officer, Go-Viet và Founder, Young Marketers
Trích đoạn Tuồng ‘Ôn Đình chém Tá’ trong vở Tuồng cổ Sơn Hậu đã mở màn buổi thi chung kết năm nay. Với phần nhiều các bạn trẻ tại khán phòng, đây là lần đầu tiên được xem ‘live’ Tuồng. Nét đẹp độc đáo của nhân vật, nét hào hùng trong ca từ cũng như tứ truyện ấn tượng, có vẻ chỉ phân đoạn ngắn này đã chinh phục được sự tò mò và hứng thú của các bạn trẻ. Và trích đoạn Tuồng cổ này cũng khiến chúng ta nhận ra tại sao Tuồng mất sự kết nối với giới trẻ: sự ước lệ trong ngôn ngữ & cách diễn, tích truyện xưa cũ và bác học khiến Tuồng khó hiểu. Nhất là khi Tuồng được trình diễn cho một thế hệ ‘giải trí ăn liền’ và ít thời gian để tập trung tìm hiểu một thứ gì đó thật sâu sắc. Cứu Tuồng không phải dễ dàng.
Có vẻ, áp lực & kỳ vọng lên bài dự thi của các thí sinh trong lòng khán giả lại tăng thêm không ít.
Đỗ Nguyên Khánh: Đẹp trong Hát Bội
Dùng nghệ thuật để cứu nghệ thuật
Thí sinh đến từ đại học Ngoại Thương đã mở màn rất ấn tượng khi chỉ ra được một đặc điểm của Tuồng có thể thu hút giới trẻ ngày nay, khi mà văn hóa nhìn lấn át văn hóa đọc. Đó chính là ‘ĐẸP’.
Hát bội (Tuồng), nền nghệ thuật tám trăm năm có giá trị thẩm mĩ độc đáo đến hoàn mỹ. Trong cái đẹp của Tuồng là cái đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật khác như văn chương, hội họa, diễn xuất, vũ đạo...
Chọn CÁI ĐẸP của Tuồng làm điểm xuất phát, Khánh tìm đến nhóm những bạn trẻ đam mê với cái đẹp nhất để tạo ảnh hưởng, đó chính là những người nghệ sĩ trẻ làm việc trong thế giới sáng tạo, nghệ thuật. Họ yêu cái đẹp, lấy cái đẹp là nguồn cảm hứng cho công việc. Sự thật ngầm hiểu (insight) về họ được Khánh chỉ ra.
Là một người trẻ làm sáng tạo, tôi muốn mình khác biệt và nổi bật. Tôi khẳng định điều đó qua giá trị các tác phẩm của mình, đặc biệt là những gì thể hiện tinh hoa, văn hóa dân tộc.
Là một người trẻ làm sáng tạo, tôi muốn mình khác biệt và nổi bật. Tôi khẳng định điều đó qua giá trị các tác phẩm của mình, đặc biệt là những gì thể hiện tinh hoa, văn hóa dân tộc.
Insight này cũng đã được kiểm chứng qua chương trình ‘Vẽ về Hát Bội’ diễn ra đầu năm nay, đã thu hút hơn 40 họa sĩ trẻ tham gia để vẽ về những điển tích Tuồng dưới con mắt nghệ thuật.
Với hướng tiếp cận vào cộng đồng nghệ sĩ, tận dụng sự sáng tạo và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ để tác động lại vào quần chúng trẻ, có thể nói Khánh đã có lựa chọn ban đầu hết sức thông minh!
Ý tưởng lớn ĐẸP TRONG HÁT BỘI cũng từ đó mà ra với thông điệp truyền tải ‘Những người trẻ sáng tạo sẽ thể hiện cái đẹp của Hát Bội thông qua những tác phẩm của mình, từ đó chứng tỏ được bản sắc riêng, giúp đỡ những nghệ sĩ khác và góp phần bản tồn một nền nghệ thuật của dân tộc.
Khánh chọn Minh Long làm nhà đồng hành chính, với hoạt động chủ đạo là Không gian nghệ thuật gốm sứ ‘ĐẸP TRONG HÁT BỘI’. Mở đầu chiến dịch bằng việc truyền cảm hứng và kêu gọi các nghệ sĩ sáng tạo về Tuồng qua lăng kính của nhiều loại hình nghệ thuật. Toàn bộ tác phẩm sẽ được trưng bày trong Triển lãm trực tuyến thu hút người trẻ ghé xem.Kết thúc chiến dịch là một triển lãm quy mô lớn với không gian phức hợp nghệ thuật làm từ gốm sứ Minh Long, ngoài việc trình diễn Tuồng, toàn bộ không gian và tác phẩm sẽ được giữ lại trở thành khu phức hợp nghệ thuật về Tuồng.
Nhận xét từ BGK
Nhà Sử Học Dương Trung Quốc với vốn kiến thức văn hóa và xã hội lâu dày của mình, thật sự đánh giá cao hướng tiếp cận của Khánh: Hướng ý tưởng của bạn mang nét đẹp của Tuồng có mặt ở mọi nơi trong đời sống, ít nhất có thể làm cho người trẻ chú ý và biết lấy Tuồng. Nhưng có vẻ ý tưởng vẫn còn quá đơn giản, nhất là tính hiệu quả và lâu dài sẽ ra sao, chúng ta có thể thu hút được sự chú ý trong ngắn hạn về Tuồng, nhưng về lâu dài khán giả có xem Tuồng không?
Chị Đăng Thu Hà thật sự thích cách tiếp cận giới trẻ về cái đẹp của Tuồng. Nhưng trong bài của bạn chưa chỉ rõ rào cản của giới trẻ với việc xem và hiểu Tuồng. Và chưa thật sự rõ ràng cách bạn tận dụng giá trị cốt lõi ‘cái đẹp’ của Tuồng để giải quyết rào cản đó.
Anh Nguyễn Đình Toàn thừa nhận tính ‘khó nhằn’ của đề bài và đặt ngay lời khen cho Khánh về cách đặt vấn đề ‘dùng nghệ thuật để cứu nghệ thuật’. Theo anh, thứ khiến Tuồng chinh phục khán giả ngày nay chính là cái đẹp lạ đến ‘độc đáo’, thu hút được giới trẻ - những người ‘khách du lịch văn hóa’ của Tuồng. Với xu thế ngày nay, giới trẻ đang tìm những điểm tựa văn hóa để tự hào, thì cách tiếp cận của bạn đưa Tuồng vào văn hóa nghệ thuật có thể hiệu quả. Nhưng vai trò của thương hiệu trong bài của bạn nhạt nhòa quá, thiếu đi một giải pháp cho thương hiệu thật sự thuyết phục.
Anh Hùng Võ chỉ rõ sự thông minh của Khánh khi không đánh vào nhóm quần chúng trẻ (mass audience) mà chọn ngay phân khúc cộng đồng sáng tạo trẻ, những người sẵn sàng tiếp nhận và kết nối với Tuồng nhất. Tuy nhiên, nhìn chung bài trình bày vẫn chưa sắc sảo, những đặc trưng duy mĩ độc đáo của Tuồng chưa được thể hiện rõ ràng trong phần kế hoạch thực thi. Giải pháp của Khánh tương tự như một chương trình Vẽ về Hát Bội ở một quy mô lớn hơn, mang tính biểu diễn hơn. Nhưng nội dung bên trong, ngoài chuyện Cái Đẹp, giá trị thực sự khiến người trẻ phải giữ lấy Tuồng, quan tâm tới Tuồng hoàn toàn chưa thấy.
Bùi Huy Hoàng: Tuồng Hunter!
Nền tảng AR giúp người trẻ ‘săn’ Tuồng
Xuất phát từ hiện trạng người trẻ ít có cơ hội tiếp cận Tuồng, họ không xem và không có ý định tìm hiểu về Tuồng. Hoàng đặt ra nhiệm vụ cho truyền thông phải đem đến hoạt động mang tính trải nghiệm, sáng tạo giúp người trẻ tiếp cận Tuồng dễ dàng hơn, từ đó có động lực xem và tìm hiểu về Tuồng.
Chọn đối tượng là những bạn trẻ tại 2 đô thị lớn nhất, TPHCM & Hà Nội vốn năng động trên các nền tảng xã hội, thích ứng nhanh với các trào lưu mới của xã hội, ưa thích khám phá, Hoàng chỉ ra insight rằng:
Tôi không thể tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật mà khi tiếp cận với nó, tôi không có một trải nghiệm nào sáng tạo, lôi cuốn hoặc giải trí.
Tôi không thể tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật mà khi tiếp cận với nó, tôi không có một trải nghiệm nào sáng tạo, lôi cuốn hoặc giải trí.
Trong thời đại giải trí, mà phần đông người trẻ chú trọng vào ‘nước sơn’ hơn là ‘gỗ’, Hoàng khoác một lớp áo mới cho Tuồng, mà ở đó Tuồng thú vị hơn, vui hơn. Trò chơi thực tế ảo tăng cường AR TUỒNG HUNTER ra đời.
Ứng dụng công nghệ AR, với trò chơi này người chơi cần phải tìm kiếm, thu thập những nhân vật nổi tiếng trong Tuồng, và những phụ kiện của nhân vật. Thông qua đó, người chơi đọc và hiểu về câu chuyện của các nhân vật, thích thú trước sự độc đáo và có thêm động lực để xem Tuồng.
Các hoạt động truyền thông cho trò chơi gồm các Booth tương tác, có thể khoác lên người đi qua một lớp áo Tuồng độc đáo, khiến họ phải dừng chân chụp một tấm ảnh. Các hoạt động kích hoạt tại Highlands Coffee để khuyến khích người trẻ tải trò chơi để nhận được voucher nước uống. Các buổi Họp báo để ra mắt trò chơi, PR và Social cũng được tận dụng để nói về trò chơi. Xuyên suốt chiến dịch là các Rạp diễn Tuồng được đặt tại các địa điểm giới trẻ hay ghé tới, mà ở đó người chơi có thể ‘săn’ các nhân vật trong game.
Vai trò của 3 nhãn hàng cũng được Hoàng nhắc tới mạnh mẽ với Giày Biti’s Hunter x Tuồng phiên bản giới hạn, thay đổi hình ảnh trên ly nước của Highlands Coffee, hay bộ sản phẩm quà tặng sứ Minh Long sử dụng họa tiết Tuồng.
Với ý tưởng của Hoàng, ta dễ thấy một phiên bản trò chơi mô phỏng Pokemon Go thời thượng, nhưng lại đậm đặc yếu tố văn hóa dân tộc. Tính thú vị của riêng trò chơi thì không phải bàn, nhưng liệu người trẻ có sẵn lòng dành thời gian cho trò chơi này trong khi họ còn có nhiều thứ khác phải quan tâm trong cuộc sống?
Nhận xét từ BGK
Bác Dương Trung Quốc chia sẻ rằng Hoàng có khởi đầu rất tốt, hướng tới một ý tưởng cụ thể. Nhưng ý tưởng của bạn có thu hút được giới trẻ không? Đưa ra một trò chơi nhưng liệu giới trẻ có chơi không khi họ có nhiều sự lựa chọn khác.Chưa kể, ý tưởng của Hoàng sẽ gặp một vấn đề rất lớn khi người chơi trải nghiệm, đó là sự bối rối ‘Tàu hay Ta’? Khi mà các nhân vật, phục trang, câu chuyện của Tuồng đậm chất Trung Hoa.
Trở lại với lịch sử, tại sao Tuồng đậm điển tích Trung Quốc, ấy là do ngày xưa Tuồng là biểu diễn cung đình, đối tượng của Tuồng là thượng tầng tiếp thu văn hóa Trung Quốc tối đa. Nhưng ở mặt bằng chung, đối tượng hạ tầng làng xã, mới là những người biểu diễn và bảo tồn – và họ không quen thuộc với những điển tích Trung Hoa ấy. Vậy mang Tuồng xuống triển khai cho giới trẻ thì nội dung như thế nào cho phù hợp và không bị đậm chất ‘Tàu’?
Bác Dương Trung Quốc cũng gợi ý một cách triển khai đời sống hơn, đó có thể là đưa Tuồng vào nghệ thuật đường phố - thứ vốn đang là trào lưu thời thượng tại các đô thị phát triển. Cải biên nội dung, vũ đạo của Tuồng thành một phần quen thuộc của đời sống cộng đồng – của đối tượng ‘hạ tầng’ chuyên gìn giữ và bảo tồn văn hóa ngày ngay.
Anh Nguyễn Đình Toàn khuyên Hoàng hãy xem giới trẻ Việt Nam giống như du khách nước ngoài với Tuồng. Giới trẻ qua góc nhìn của Hoàng còn đơn giản quá, đưa Tuồng vào game giúp người trẻ quan tâm thêm về Tuồng ra sao? Tiếp cận đối tượng quần chúng với một insight quá chung, chưa kể insight thiếu tính gắn kết với nền tảng Game AR, điều này khiến Hoàng chưa đủ sắc sảo trong giải pháp.
Chị Đặng Thu Hà thấy tiếc cho Hoàng khi chưa dành đủ nỗ lực để đào một nhóm phân khúc sâu hơn, có nhu cầu kết nối cao với Tuồng. Đâu là điểm cốt lõi, sự khác biệt của Tuồng khiến người trẻ cần phải trân trọng và gìn giữ? Ý tưởng sáng tạo này có khả năng thu hút một sự chú ý cao của giới trẻ, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu một cái ‘hồn’ đủ hay.
Lê Văn Thiên Phúc: Tuồng Emoji
Khi tính ước lệ tượng trưng của Tuồng hòa mình vào ngôn ngữ giới trẻ
Một thực trạng quen thuộc được Phúc chỉ ra: Tuồng khó hiểu và chẳng có mối liên hệ nào với người trẻ. Phúc đặt ra một nhiệm vụ cho chính mình rằng: Cần tạo ra sự kết nối giữa giới trẻ và Tuồng bằng cách giúp người trẻ hiểu về nét đẹp và ý nghĩa của ngôn ngữ Tuồng.
Đặt nền móng cho toàn bộ suy nghĩ và ý tưởng của Phúc, chính là một sự thật vô cùng mạnh mẽ về Tuồng, một sự thật khiến vai trò của Tuồng trở nên cực kì quan trọng trong đời sống hiện đại: Tuồng mang nhận diện của văn hóa Việt (cultural identity), thông qua nét đẹp ước lệ tượng trưng, ca từ, lối diễn, tứ truyện...
Người trẻ thế hệ Z tin rằng những ‘nhận diện văn hóa’ cho họ điểm tựa để tự hào về dân tộc, đặc biệt là giữa bối cảnh họ lạc trôi trong thế giới hội nhập. Nhưng, với Tuồng, người trẻ không thấy sự hiện diện của Tuồng trong đời sống hằng ngày, họ nghĩ Tuồng là một phần của quá khứ hơn là một nhận diện của văn hóa dân tộc.
Người trẻ không thấy sự hiện diện của Tuồng trong đời sống hằng ngày, họ nghĩ Tuồng là một phần của quá khứ hơn là một nhận diện của văn hóa dân tộc.
Vậy, làm sao để Tuồng, vốn là một phần của quá khứ, được có mặt thường xuyên trong đời sống hiện đại giới trẻ?
Hướng tiếp cận của Phúc đi vào bản chất của Tuồng: Tính biểu tượng ước lệ. Tính chất đặc biệt này của Tuồng thể hiện những nhận diện văn hóa, mang tính thẩm mĩ và nghệ thuật cao, nhưng đồng thời cũng khiến Tuồng bị quy nạp là khó hiểu. Phúc tìm ra một điểm nối, có thể đưa tính biểu tượng của Tuồng quen thuộc hơn với giới trẻ - đó là sử dụng Emoji, ngôn ngữ giới trẻ mang tính biểu tượng cao. Sự kết hợp giữa biểu tượng của Tuồng với Emoji, tạo nên sự dễ tiếp cận & dễ hiểu cho những ý nghĩa tượng trưng mà Tuồng sở hữu.
Ý tưởng TUỒNG EMOJI vậy là ra đời với thông điệp ‘Tuồng talks my culture’.
Dùng digital biến hóa những yếu tố biểu tượng từ Tuồng trở thành các Emoji quen thuộc, Emoji Tuồng là cách độc đáo riêng của giới trẻ Việt để thể hiện cảm xúc trong đời sống hằng ngày. Bộ sưu tập Emoji Tuồng được tạo ra bởi người Việt, nói lên nhận diện văn hóa Việt và ẩn chứa niềm tự hào dân tộc, sẽ nhanh chóng trở thành một phần của pop-culture.
Các hoạt động triển khai truyền thông cũng được đẩy mạnh, Tuồng Emoji trở thành một bộ sưu tập có sẵn trênFacebook Messenger để tải về, Facebook Messenger sẽ đưa Tuồng trở thành biểu tượng tự động đề xuất cho thị trường Việt Nam. Các Chat bot được tạo ra, hỗ trợ gười trẻ có thể tìm hiểu ý nghĩa đằng sau mỗi biểu tượng Tuồng. Sự tương tác online với các thương hiệu Biti’s Hunter, Minh Long, Highlands Coffee cũng sẽ sử dụng Tuồng Emoji. Chiến dịch đưa người dùng từ online đi xem Tuồng bằng việc tặng vé xem Tuồng cho mỗi người sử dụng các dịch vụ từ thương hiệu trên, và truyền tải sự thú vị của Tuồng bằng loạt Tuồng reaction series ghi lại những cảm xúc thật của người trẻ khi được xem Tuồng thực tế.
Ý tưởng dường như đơn giản ấy, vậy là ẩn sâu là những suy nghĩ phức tạp và lớp lang đến mức nhiều anh chị Marketer ‘lão làng’ cũng phải gật gù khen ngợi! Khó tin được là tới từ một bạn sinh viên tuổi đời mới chỉ 20.
Nhận xét từ BGK
Cả BGK đều thật sự ấn tượng với bài của Thiên Phúc, anh Nguyễn Đình Toàn và chị Đặng Thu Hà đều đồng ý: từ cách đặt vấn đề, kết nối vấn đề, giải quyết vấn đề, trên mặt logic là đúng hoàn toàn, không thể bẻ gãy ở một nốt nào. Trong một thế giới ngày càng nối dài và bản thân người trẻ ngày càng co cụm lại, thì khi đó niềm tự hào dân tộc qua những biểu tượng văn hóa trở thành điểm bám víu. Insight mà bạn nắm được về GenZ thực sự hiếm người nhìn ra, kể cả các anh chị làm marketing chuyên nghiệp. Sự kết nối insight vào cốt lõi của Tuồng – tính ước lệ và biểu tượng đặc trưng dân tộc – tạo nên một giải pháp Tuồng Emoji thật sự rất xuất sắc.
Chỉ hơi tiếc cho bài của Phúc, là đoạn kết còn gãy, khi đưa người trẻ đến xem Tuồng sẽ khiến người trẻ bỏ ngay Tuồng bởi sự khó hiểu và phức tạp của Tuồng vẫn còn ở đó. Quan trọng nhất ở đây, chính là phải tái sáng tạo Tuồng, biến nghệ thuật Tuồng mang hơi thở hiện đại hơn, lung linh đến độ ai xem cũng phải tự hào.
Anh Hùng Võ dành nhiều lời khen cho lối suy nghĩ nhưng cũng đặt thử thách hơn cho Thiên Phúc. Bài của Phúc tuy nói về ‘niềm tự hào dân tộc’, nhưng trong phần nội dung triển khai của Emoji Tuồng vẫn chưa thấy được nét đẹp, tính đại diện văn hóa Việt được thể hiện rõ ràng ra sao. Ý tưởng của Phúc có thể tạo ra trend nhưng nó sẽ tận dụng và thúc đẩy ‘niềm tự hào Việt Nam’ ra sao thì vẫn chưa thể hiện rõ.
Emoji là ý tưởng hay để thu hút sự chú ý, nhưng còn đơn giản. Làm sao để ai cũng biết đến bộ Emoji này, và làm sao từ Emoji có thể hiểu Tuồng được? Nếu được kết nối insight và cách tiếp cận này với ý tưởng của bạn Nguyên Khánh sẽ trở thành một kế hoạch thật sự xuất sắc.
Huỳnh Trần Ngọc Hiếu: Tuồng Boardgame
Đưa tuồng vào đời sống ‘Gen Z’ qua hình thức trò chơi cũ mà mới!
Đi thẳng phần trình bày của mình vào đối tượng mục tiêu – Gen Z, Hiếu đưa ra thực trạng: Gen Z không hiểu Tuồng bởi lối dùng ngôn ngữ cổ, những vũ đạo truyền thống và sự cường điệu hóa trong diễn xuất. Tuồng có vẻ là một ‘người lạ’ với giới trẻ. Một hình thức nghệ thuật cổ kính mà người trẻ nghe tên sẽ kính nể nhưng không có ý định xem.
Thay mặt giới trẻ, Hiếu nói lên sự thật ngầm hiểu.
GenZ xem Tuồng như một người lạ xưa cũ, thay vì một người bạn. Kính nể nhưng không gần gũi. Vì Tuồng chẳng có mối liên hệ nào với người trẻ trong cuộc sống thường nhật.
GenZ xem Tuồng như một người lạ xưa cũ, thay vì một người bạn. Kính nể nhưng không gần gũi. Vì Tuồng chẳng có mối liên hệ nào với người trẻ trong cuộc sống thường nhật.
Điểm đặc trưng nhất của Tuồng, theo Hiếu, chính là sự hùng tráng và cường điệu hóa trong từng câu chuyện và lối trình diễn. Hiếu muốn mang những câu chuyện hùng tráng này trở thành một phần của cuộc sống người trẻ thông qua những trò chơi tương tác gần gũi. Mà nổi bật, là boardgame.
TUỒNG BOARDGAME mang những câu chuyện hùng tráng trở thành những bộ trò chơi, mà ở đó người trẻ được đặt mình vào nhân vật (role-play), từ đó hiểu về những điển tích tráng lệ của Tuồng. Những bộ trò chơi được sáng tạo khéo léo, lồng vào cách chơi nội dung của các vở Tuồng nổi tiếng. Một trò chơi vừa mang tính tương tác cao, vừa đậm chất văn hóa dân tộc được Hiếu tin rằng sẽ thu hút giới trẻ và trở thành ‘trend’.
Trong kế hoạch của chiến dịch, các thương hiệu đều có vai trò cụ thể. Highlands Coffee trở thành điểm đến để các bạn trẻ tụ tập chơi. Biti’s Hunter và Minh Long tung ra phiên bản giới hạn về Tuồng và tặng kèm bộ trò chơi khi mua sản phẩm.
Các hoạt động truyền thông triển khai bao gồm tạo fanpage cho trò chơi và nhân vật tạo ra những tương tác vui trên mạng xã hội, những video review trò chơi, và website nơi người trẻ có thể ghé đến tìm hiểu và mua bộ trò chơi. Các cuộc thi tương tác từ nhãn hàng Biti’s và Minh Long cũng được tận dụng để lan truyền rộng rãi hơn bộ trò chơi này với giới trẻ, đồng thời trao tặng vé xem Tuồng để kéo người trẻ ra sân khấu thực tế.
Nhìn lại, ý tưởng Tuồng Boardgame của Hiếu có nhiều điểm thú vị riêng nhưng có lẽ đã đánh vào một cộng đồng khá ‘niche’. Giới trẻ hiện nay có nhiều lựa chọn giải trí thú vị, vậy có chắc họ sẽ chọn boardgame Tuồng để chơi khi nhàn rỗi, hơn là tiếp cận nhiều hình thức giải trí khác?
Nhận xét từ BGK
Chị Đặng Thu Hà hứng thú ngay với góc nhìn của Hiếu về người trẻ - những người chưa xem Tuồng là ‘bạn’ nhưng insight vẫn chưa sâu sắc và cụ thể. Bên cạnh đó, chị đặt nhiều câu hỏi: bản chất của Tuồng – rốt cuộc giá trị chủ đạo về Tuồng bạn khai thác là gì? Tính hùng tráng được thể hiện qua boardgame ra sao? Sự lan tỏa về truyền thông sẽ mạnh mẽ như thế nào?
Anh Nguyễn Đình Toàn thích những khám phá của bạn về Tuồng, giới trẻ thật sự xem Tuồng là quá khứ, nhưng insight cần được khai thác sâu hơn. Và triển khai game là một cách hay để gắn kết Tuồng với giới trẻ, nhưng liệu một trò chơi lại đòi hỏi độ sâu về kiến thức hơn là giải trí có thật sự thu hút người trẻ hay không?
Vai trò thương hiệu cũng được anh Toàn nhấn mạnh lại, vì Highlands Cofffee hay Minh Long không phải thương hiệu quen thuộc của giới trẻ nên bị kết nối vào khá khiên cưỡng. Lẽ ra bạn chỉ nên chọn một thương hiệu đồng hành sẽ khiến bài tốt hơn.
Anh Nguyễn Đình Toàn, Senior Vice President Marketing Suntory Pepsico Vietnam, đã đại diện BGK chia sẻ:
‘Cứu Tuồng’ chính là cứu một hình thức nghệ thuật đậm chất Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta là phải khiến Tuồng được chiêm ngưỡng, được tự hào, được khoe khoang với thế giới, để Tuồng trở thành một điểm son trong nền văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hành vi của con người ngày hôm nay càng ngày càng khác biệt lúc trước. Khi xưa, qua điển tích Tuồng ta có thể học về quá khứ để dạy con cháu, thì thời nay, với lượng thông tin quá nhiều, đến mức sự chú ý cho một điều gì đó chỉ còn 6s. Theo đó, văn hóa nhìn chính là văn hóa của ngày mai, khi mà hình ảnh nói thay lời con chữ. Sự chuyển dịch lớn về hành vi đó, cần được kết nối lại với âm hưởng dân tộc mà Tuồng chuyển tải sẽ tạo nên kế hoạch Marketing tốt nhất.
Vai trò của thương hiệu cần được kết nối chặt chẽ hơn, Tuồng mang lại giá trị gì cho thương hiệu, tại sao nâng đỡ Tuồng giúp thương hiệu được nhiều người yêu mến và sử dụng hơn, đó là bài toán mà năm nay lời giải vẫn còn yếu.
Những ý tưởng năm nay thực sự mới, đưa Tuồng vào ‘game’ quen thuộc, hay thậm chí mang Tuồng kết hợp với ‘nghệ thuật và đường phố’ biến thành một trào lưu thời thượng. Nhìn xa hơn, lõi của Tuồng, cảm xúc và biểu tượng, có thể trở thành một phần của cảm xúc người trẻ thì còn gì tuyệt hơn. Thực sự ý tưởng của các bạn trẻ năm nay, là cực kì sắc sảo!
Sau tất cả, bốn thí sinh cũng đã hoàn thành tốt bài dự thi, BGK cũng đã chọn ra được gương mặt chiến thắng của Young Marketers 7.
- Quán quân: Lê Văn Thiên Phúc, ĐH Ngoại Thương CSII, TPHCM
- Á quân 1: Đỗ Nguyên Khánh, ĐH Ngoại Thương CSII, TPHCM
- Á quân 2: Bùi Huy Hoàng, Khoa Kinh Tế, ĐH Quốc Gia HN
- Á quân 3: Huỳnh Trần Ngọc Hiếu, ĐH Kinh Tế, TPHCM
Phần thưởng lớn nhất cho các bạn thí sinh, có lẽ là khóa học Young Marketers Elite Development Program, kéo dài hơn 9tháng với lượng kiến thức tập trung và chuyên sâu về Marketing được hướng dẫn trực tiếp bởi các anh chị Marketers đầu ngành. Khóa học hứa hẹn sẽ nuôi dưỡng tài năng và sắc sảo hóa lối tư duy về Marketing.
Một mùa Young Marketers nữa lại kết thúc. Cùng theo dõi và ủng hộ các bạn trẻ của chúng ta trong hành trình ‘lột xác’ 10 tháng sắp tới nhé!
Young Marketers – Empower the next marketing generation.
Cuộc thi Young Marketers 7 là một phần của hành trình Empower The Next Marketing Generation của Young Marketers - bên cạnh Young Marketers Elite Development Program, với BRANDS Vietnam là đối tác chiến lược từ 2013, Advertising Vietnam và Goldsun Focus Media là đối tác truyền thông từ 2018, cùng với sự đồng hành của các đối tác thương hiệu lớn là Highlands Coffee, Minh Long & Biti’s Hunter.