‘Brand voice’ đang chuyển từ nghĩa bóng sang nghĩa đen?

Tỷ lệ người trẻ sử dụng tính năng nhận diện giọng nói để tương tác với thiết bị công nghệ tăng nhanh. Nhờ đó, các marketers có thêm cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng.

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề Native audio content hay Native audio ad (tiếp thị tự nhiên bằng âm thanh) được thảo luận thường xuyên tại nhiều sự kiện uy tín cho giới marketing. Đây là xu hướng không nên bị bỏ lỡ trong các chiến dịch quảng cáo sắp tới.

Tại Diễn đàn Tiếp thị di động (MMA) với chủ đề Native audio content - Give your brand a voice in digital world (Nội dung âm thanh - Để thương hiệu lên tiếng trong thế giới số) vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Adtima, ông Nguyễn Tiến Huy - người sáng lập và Giám đốc DigiPencil MVV và bà Tạ Thu Hương - Giám đốc Digital Marketing & Media Friesland Campina Việt Nam đã cùng bàn luận và đưa ra hướng tiếp cận khách hàng tối ưu.

Trước đó, sự kiện Adtima Insider 2018 tổ chức ngày 12/10 cũng đi sâu vào nội dung này, thể hiện qua phần “Vì sao thương hiệu bạn cần đầu tư vào quảng cáo âm thanh?” và phiên thảo luận “Công thức nào cho một chiến dịch marketing bằng âm thanh”.

‘Brand voice’ đang chuyển từ nghĩa bóng sang nghĩa đen?

Các khách mời tham dự chương trình MMA 2018 trong phiên thảo luận “Native audio content - Give your brand a voice in digital world”.

Phương thức giao tiếp bằng giọng nói lên ngôi

Xu hướng giao tiếp của con người với thiết bị số đang dịch chuyển nhanh chóng, từ bàn phím, chuột, màn hình cảm ứng… đến trợ lý giọng nói (voice assistant). Theo khảo sát PwC Consumer Intelligence Series voice assistants survey, nhóm người dùng độ tuổi 25-49 có tỷ lệ sử dụng trợ lý giọng nói cao nhất. Nhóm này đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong chi tiêu gia đình.

Từ một góc độ khác về thói quen người dùng, hơn 70% người Việt nghe nhạc trên Internet mỗi ngày theo khảo sát của Vietnam Mobile Report. Số liệu từ Adtima Audience Insight - Audio Streaming Study 2018 cũng chỉ ra 89% người tham gia khảo sát nghe nhạc bằng smartphone với thời gian trung bình mỗi tuần là 16 giờ.

Không ai phủ nhận được sức nặng và tầm quan trọng của âm thanh trong cuộc sống hàng ngày, từ việc tiếp cận AI qua trợ lý giọng nói ảo, đến trải nghiệm giải trí trong không gian kỹ thuật số. Thời gian tới, việc kết hợp nội dung âm thanh từ quảng cáo hay chăm sóc khách hàng có thể trở thành một phần quan trọng của mọi chiến dịch marketing.

Để “brand voice” không chìm vào đám đông

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, nếu trước đây “tiếng nói thương hiệu” thường được dùng ở nghĩa bóng, thể hiện qua thông điệp truyền tải, tông giọng hay các hình ảnh, thiết kế thì giờ đây khái niệm này trở về đúng nghĩa đen.

‘Brand voice’ đang chuyển từ nghĩa bóng sang nghĩa đen?

Tiếng nói thương hiệu được bàn luận sôi nổi tại diễn đàn.

Đầu tiên, người làm quảng cáo cần định hình được brand voice hoặc brand sound qua giai điệu hay tần số âm thanh. Tiếp đó, tuỳ theo chiến lược marketing và bối cảnh giao tiếp với khách hàng mà điều chỉnh âm thanh sao cho phù hợp.

Để cân bằng giữa nội dung quảng cáo về thương hiệu mà không gây phản cảm với khách hàng, ông Huy nhấn mạnh vai trò của việc tìm hiểu insight khách hàng (sự thật ngầm hiểu).

“Trên nền tảng ứng dụng Zalo và Zing MP3, chúng ta có thể biết khách hàng tiềm năng đang nghe thể loại âm nhạc gì, quan tâm nội dung nào, từ đó hiểu được tính cách của họ. Qua đây, người làm quảng cáo ra ‘đề bài’ cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ để tạo ra nội dung âm thanh phù hợp”, ông Tiến Huy gợi ý.

Tiếp cận khách hàng hiệu quả với Native Audio Ad

Insight về thói quen sử dụng Internet của người dùng trẻ được chia sẻ trong sự kiện trên cũng giúp các marketers có thêm gợi ý hay trong các chiến dịch quảng cáo - lồng ghép thông điệp nhãn hàng bằng âm nhạc.

“Âm nhạc có sức ảnh hướng lớn đến đời sống xã hội hiện nay. Việc học thuộc một bài hát cũng nhanh hơn ghi nhớ một đoạn văn. Điểm mấu chốt là âm nhạc sẽ tiếp cận người dùng tốt hơn. Và việc ghi nhớ thông điệp quảng cáo với sự trợ giúp của âm nhạc sẽ dễ hơn một quảng cáo thông thường rất nhiều”, bà Chu Thị Diễm Thúy, trưởng bộ phận chiến lược Adtima, nhận định.

‘Brand voice’ đang chuyển từ nghĩa bóng sang nghĩa đen?

Bà Chu Thị Diễm Thúy chia sẻ tầm quan trọng của âm nhạc trong marketing.

Khẳng định khả năng tiếp cận khách hàng của quảng cáo âm thanh, ông Tiến Huy chia sẻ thêm: “Khi đang nghe nhạc, khả năng người dùng bỏ qua quảng cáo thấp hơn nhiều so với lúc xem máy tính hoặc sử dụng màn hình cảm ứng.

Con người có thể nhắm mắt, nhưng không nhắm được tai. Vì thế, cơ hội tạo thêm trải nghiệm âm thanh liên quan đến nhãn hàng thật sự rất nhiều”.

Để tối ưu hóa chiến dịch Audio marketing, các marketers cần nhớ 4 điểm: Quảng bá đoạn nhạc có thông điệp nhãn hàng đến nhiều người, sử dụng những hiệu ứng hình ảnh bắt mắt để tăng tỷ lệ chuyển đổi đến trang thông tin nhãn hàng, tối ưu hóa khả năng ghi nhớ âm nhạc và khai thác tối đa sức mạnh nội dung, ngôn từ.

Giang Di Linh
Nguồn Zing News