Cạnh tranh bán lẻ: “Vũ khí” công nghệ và sự khác biệt

Thị trường bán lẻ trong nước đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn nhưng vẫn được cho là mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.

Cơ hội vẫn còn nhiều cho những người đến sau, nhất là những ai biết ứng dụng công nghệ, biết tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng… Đó là một số nhận định được rút ra từ cuộc hội thảo về xu hướng bán lẻ ở thị trường Việt Nam giai đoạn 2018-2020 do Saigon Co.op tổ chức hồi tuần trước.

“Vũ khí” công nghệ

Tại hội thảo, ông Bod Hayward, đến từ Công ty KPMG, nhận định: “Công nghệ được áp dụng trong ngành bán lẻ hiện đại đang làm thay đổi nhanh chóng hành vi mua sắm của người tiêu dùng”. Theo ông, việc này tác động ngược lại các nhà bán lẻ, buộc họ phải kịp thời nắm bắt, cập nhập quá trình thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng và càng phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Theo ông Jason Moy, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group (BCG) của Singapore, xu hướng bán lẻ ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trên thế giới. Các nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng trực tuyến. “Đây là xu hướng chung giúp nhà kinh doanh nhanh chóng tiếp thị đến khách hàng những thứ họ muốn, làm cho những trải nghiệm trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn”, ông nói.

Cạnh tranh bán lẻ: “Vũ khí” công nghệ và sự khác biệt

Ngành bán lẻ đang thay đổi theo cấp số nhân và nhiều tập đoàn đã phải đóng cửa vì không theo kịp. Ảnh: Thành Hoa.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy ngành bán lẻ đang thay đổi theo cấp số nhân và nhiều tập đoàn đã phải đóng cửa vì không theo kịp. Tuy nhiên, nếu ai biết nắm bắt và đón đầu thời cơ thì sẽ tăng trưởng nhanh mà công nghệ chính là chìa khóa. Ông Moy cho rằng cần có các giải pháp công nghệ kỹ thuật số sao cho thỏa mãn được nhu cầu về sự tiện lợi cùng những trải nghiệm mua sắm suôn sẻ mọi lúc mọi nơi của các thế hệ khách hàng hiện đại. Ông nói: “Tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng của doanh nghiệp để có thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất”.

Cũng theo ông Moy, trong những năm qua, các tập đoàn bán lẻ trên thế giới gặt hái thành công là nhờ họ biết liên kết các doanh nghiệp trong ngành hoặc có liên quan để cùng phát triển. Mối quan hệ này khó suôn sẻ và minh bạch nếu như không có sự tham gia của công nghệ. Chẳng hạn như việc thanh toán qua ngân hàng, liên kết doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics… sẽ không thực hiện được nếu như các doanh nghiệp bán lẻ vẫn sử dụng các phương pháp quản trị cũ. Lãnh đạo BCG đã chỉ ra một số công ty bán lẻ ở Anh, Mỹ không chỉ phát triển về quy mô, chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà còn tập trung đầu tư công nghệ cho các lĩnh vực kho bãi, kế toán, vận chuyển, thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng…

Các nhà bán lẻ còn có xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và sử dụng robot trong chuỗi cung ứng dù chi phí cho những khoản đầu tư này rất cao. Theo các chuyên gia, trong tương lai, nhiều dịch vụ khách hàng sẽ được ảo hóa bằng công nghệ, cho phép nhà kinh doanh biết khách hàng của mình là ai, muốn gì. Bằng cách phân tích dữ liệu lớn, nhà kinh doanh biết trước nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn. Kết nối Internet cũng đang tạo điều kiện cho việc mua sắm đa kênh phát triển kèm theo xu hướng mua sắm không tiền mặt.

Theo xu hướng này, các doanh nghiệp bán lẻ trở thành những công ty công nghệ trong ngành bán lẻ. Điều này cũng diễn ra tương tự trong các ngành sản xuất, tài chính…, theo ông Bod Hayward.

Người tiêu dùng không còn hành trình mua sắm đơn tuyến mà là mua sắm đa kênh. Đi kèm nhu cầu mua sắm đa kênh là xu hướng thanh toán không tiền mặt.

Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc bộ phận đối tác bán lẻ - Nielsen Việt Nam, cũng nêu ra những xu hướng của ngành bán lẻ hiện đại theo những đặc điểm chính về sự tiện lợi, nhu cầu cao cấp hóa đời sống và người tiêu dùng kết nối. Đây là đối tượng mục tiêu của các nhà sản xuất và bán lẻ tương lai. Điểm đáng lưu ý là người Việt Nam thuộc hàng đầu khu vực về kết nối Internet với trung bình hơn 24 giờ kết nối mạng mỗi tuần. Người tiêu dùng không còn hành trình mua sắm đơn tuyến mà là mua sắm đa kênh. Đi kèm nhu cầu mua sắm đa kênh là xu hướng thanh toán không tiền mặt.

Bên cạnh đó, để có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp, các nhà bán lẻ hiện phải đoán định được xu hướng mua sắm trong tương lai của người tiêu dùng. Chẳng hạn đa số người tiêu dùng thế hệ dưới 19 tuổi sẽ không dùng tiền mặt và rất cần sự đơn giản, nhanh chóng khi giao dịch hơn là thế hệ từ 20-40 tuổi.

Sự khác biệt

Theo các chuyên gia, bên cạnh công nghệ, việc chủ các chuỗi và kênh bán hàng biết tạo ra sự khác biệt sẽ là một lợi thế lớn để thu hút khách hàng trong bối cảnh điểm bán mới của các nhà bán lẻ hiện hữu đang nở rộ khắp nơi và thị trường dự báo sẽ xuất hiện thêm những nhân tố mới.

Các chuyên gia cũng nhận định lĩnh vực bán lẻ trong nước đang hưởng lợi từ những điều kiện thuận lợi như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, lực lượng tiêu dùng trẻ chiếm tỷ trọng lớn. Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhìn vào mật độ số lượng cửa hàng/dân số, ông Bod Hayward cho rằng thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển. Một số nhà bán lẻ lớn của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã đến Việt Nam trong khi Alibaba, WeChat, Tencent… cũng đang tiếp cận thị trường gần 95 triệu dân này.

Cạnh tranh bán lẻ: “Vũ khí” công nghệ và sự khác biệt

Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng. Ảnh: kinhtevn.com.vn.

Còn theo Nielsen Việt Nam, dù kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm thị phần 74% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 1%/năm. Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại chiếm thị phần ít hơn nhưng đang có tốc độ tăng hai chữ số mỗi năm. Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, cho rằng cuộc chơi chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ có nhiều tay chơi mới xuất hiện trong thời gian tới.

Vấn đề là, để cạnh tranh, nhà bán lẻ cần đi nhanh hơn, tạo được sự khác biệt với các đối thủ. Minh họa cho nhận định này, ông Bod Hayward dẫn chuyện các nhà bán lẻ Đức đang thành công ở Úc - một thị trường được đánh giá đã bão hòa trong mấy năm qua. Người tiêu dùng xứ này thích mua sắm tại các hệ thống bán lẻ của các công ty Đức vốn có những điều mới lạ về cách bài trí, cách phục vụ và hàng hóa mới.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương Quỳnh cho rằng so với những công ty đến từ châu Âu, các nhà bán lẻ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phần nào hiểu người Việt hơn và họ đã mang những cái hay từ xứ họ sang Việt Nam, tạo ra sự mới mẻ cho thị trường và thu hút nhiều người tiêu dùng. Đây là những đối thủ đáng gờm của các nhà bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, thị trường bán lẻ trong nước sẽ xuất hiện thêm những chuỗi bán lẻ của nước ngoài. Họ sẽ mang theo nhiều sản phẩm mới cùng những công nghệ và sự tiện lợi cho người tiêu dùng, như không cần quầy tính tiền; robot sẽ thay thế người bán hàng, hay có những dịch vụ rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh cao trên thị trường và tạo động lực cho các nhà bán lẻ trong nước thay đổi. Theo ông Bob Hayward, cơ hội luôn có nhưng điều quan trọng là nhà kinh doanh phải có chiến lược và bước đi phù hợp. “Đây là cơ hội cho ngành bán lẻ trong nước tiếp tục “lột xác””, ông nói.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, thị trường bán lẻ trong nước sẽ xuất hiện thêm những chuỗi bán lẻ của nước ngoài.

Theo bà Quỳnh, doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế hiểu tâm lý mua sắm của người dân trong nước nhưng cũng cần chú ý là sở thích mua sắm của khách hàng ngày nay thay đổi rất nhanh. Do vậy, các nhà bán lẻ cần phải gần gũi, lắng nghe và dự đoán được nhu cầu tiếp theo của khách hàng là gì.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường sẽ được chứng kiến nhiều mô hình bán lẻ mới với những tiện ích hiện đại, phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Thêm vào đó, thương mại điện tử đang lớn mạnh cùng sự phát triển các công nghệ thông minh. Ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế về hệ thống kinh doanh so với các đối thủ ngoại nhưng để trụ vững thì đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải luôn thay đổi và sáng tạo để đủ sức cạnh tranh.

Quốc Hùng
Nguồn The Saigon Times