Grab sẽ tuyển thêm 2.000 kỹ sư công nghệ để tăng sức cạnh tranh

Grab đang lên kế hoạch tăng gấp đôi lượng kỹ sư, lên gần 2.000 người trong vòng một năm, nhằm củng cố công nghệ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, theo Nikkei Asian Review.

Hãng xe công nghệ lớn nhất Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore và ra đời vào năm 2012. Ông Theo Vassilakis - Giám đốc công nghệ của Grab cho biết, đã đến thời điểm hãng xe này cần cải tiến công nghệ, tuyển mộ thêm nhân lực để phát triển việc kinh doanh.

Vào tháng trước, Grad đã “săn” Mark Porter, một kỹ sư phần mềm giàu kinh nghiệm và hiện đang làm giám đốc của trang Amazon.com tại Mỹ. Ông Porter sẽ phụ trách giám sát công nghệ cho những mảng kinh doanh chính của Grab.

Nói về quyết định tuyển dụng này, ông Vassilakis cho biết, nhiều mảng khác cũng đang phát triển bên cạnh ứng dụng đặt xe chính. Chính vì vậy, Grab đang cần “một người có thể chăm chút cho từng mảng kinh doanh lớn”.

Startup có giá nhất Đông Nam Á hiện đang hoạt động tại tổng cộng 8 quốc gia trong khu vực. Chỉ trong vòng 1-2 năm gần đây, công ty đã nhanh chóng mở rộng phạm vi kinh doanh sang cả lĩnh vực giao thức ăn và thanh toán điện tử.

Vassilakis

Theo Vassilakis - Giám đốc công nghệ của Grab.

Cũng trong thời gian qua, Grab đã mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á và trở thành doanh nghiệp lớn nhất tại thị trường này. Sau sự kiện đó, mục tiêu tiếp theo mà Grab nhắm tới là trở thành một “siêu ứng dụng" (superapp), được khách hàng sử dụng hằng ngày.

Vị giám đốc công nghệ của Grab trước đây từng xây dựng đội ngũ kỹ sư cho Microsoft (Mỹ), trước khi đầu quân cho hãng năm 2017. Ngay sau khi ông Vassilakis gia nhập, Grab lại tiếp tục thuê Vikas Agrawal - cựu giám đốc kỹ thuật tại công ty thanh toán Paytm của Ấn Độ.

Ông Vassilakis đánh giá, sự có mặt của Porter và Agrawal rất cần thiết cho sự mở rộng của Grab. Lý do là họ đã có kinh nghiệm về quá trình mở rộng kinh doanh mà sắp tới Grab sẽ phải trải qua.

Đội ngũ kỹ sư sẽ rất cần thiết để doanh nghiệp trên có thể mở rộng hoạt động vào những lĩnh vực mới, bao gồm cải tiến giao diện người dùng, bản đồ và trí tuệ nhân tạo. Grab hiện có 6 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Singapore, Seattle (Hoa Kỳ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangalore (Ấn Độ), thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Jakarta (Indonesia).

Grab đặt mục tiêu trở thành startup công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm nay.

Tất cả những nỗ lực trên xuất phát từ việc thị trường trong khu vực đang trở nên ngày càng cạnh tranh. Hãng công nghệ đối thủ đến từ Indonesia, Go-Jek đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 9. Doanh nghiệp này đang lên kế hoạch tiếp cận thị trường Thái Lan, Singapore và Philippines. Hồi tháng 10, Go-Jek đã mở đơn đăng ký trước cho các tài xế tại Singapore.

Bên cạnh đó, Grab và GO-Jek còn cạnh tranh ở các mảng dịch vụ khác như thanh toán điện tử và tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Đối với Grab, nâng cao chất lượng công nghệ còn đặc biệt quan trọng khi nhiều nước đang cho ra đời các quy định mới. Grab hiện cung cấp cho nhiều chính phủ dữ liệu về ùn tắc, nhằm giúp việc hoạch định hệ thống giao thông công cộng hiệu quả hơn.

Hãng xe này thông báo đang đặt mục tiêu trở thành startup công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm nay. Hiện tại, CB Insights đánh giá giá trị của Grab đang là 11 tỷ USD.

Thái Duy
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn