Fake news và vai trò “gác cổng” của báo chí

Những cuộc khủng hoảng truyền thông có nguyên nhân từ fake news - tin giả đang khiến các doanh nghiệp, nhà báo có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào.

Từ cuộc chiến 28 ngày của Con Cưng

Những ngày tháng 8 vừa qua, thị trường bán lẻ dậy sóng vì khủng hoảng của chuỗi cửa hàng Con Cưng. Đối với những thành viên sáng lập đó là những chuỗi ngày đáng nhớ.

Cho đến khi Con Cưng được giải oan, trước đó rất nhiều người tò mò sự yên ả đến kỳ lạ của họ, nhưng đằng sau đó là cả sự nỗ lực phi thường của tất cả các bên để chứng minh sự làm ăn nghiêm túc.

Trong bức thư gửi nhân viên của ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Con Cưng gọi cơn khủng hoảng đó là thời gian kỳ lạ của Con Cưng.

Chỉ trong một buổi sáng từ một tin đăng về Con Cưng bán hàng không đúng xuất xứ đã trở thành cơn bão thực sự càn quét qua hệ thống chuỗi.

Fake news và vai trò “gác cổng” của báo chí

Fake news thường xuất hiện trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử không chính thống.

“Chúng tôi xác định công ty làm ăn chân chính và tôi không rõ lý do gì báo chí đăng tin không đúng bản chất sự thật. Một số báo còn đưa tin không đúng bản chất dù Con Cưng đã đưa thông tin. Khi thấy sự vụ như vậy, chúng tôi chuyển qua chính sách tập trung làm việc với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ việc Con Cưng làm ăn chân chính, giấy tờ đầy đủ. Và tôi tin tưởng rằng, sự thật sẽ bảo vệ chúng tôi dù trong bối cảnh rất bất lợi như vậy. Đó là cách Con cưng tiếp cận trong đợt khủng hoảng vừa qua”, Nguyễn Quốc Minh nhớ lại vụ việc.

Cuộc chiến chống lại fake news

Giới chuyên môn trong cuộc chiến chống lại fake news, thường chia làm ba kiểu: Thông tin sai và được cố tình tạo ra để gây hại cho một người, nhóm người, tổ chức hoặc quốc gia; Thông tin sai lệch, nhưng không được tạo ra với mục đích gây hại; Thông tin dựa trên thực tế, được sử dụng với mục đích để gây hại cho một người, nhóm người, tổ chức hoặc quốc gia.

Thậm chí, theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation, một xu hướng mới, không phải là phổ biến, nhưng đang trở nên nguy hiểm, đó là, nhà báo đang trở thành quân bài trong tay một số kẻ trục lợi thông tin.

Nhiều người cho rằng, việc để lan tràn tin giả, tin vịt trên mạng Internet trước hết thuộc về trách nhiệm của các nền tảng xã hội như Facebook hay công cụ tìm kiếm như Google.

Giữa một rừng thông tin, nếu không cẩn thận, nhà báo dễ bị cuốn vào những loại thông tin giả. Tuy nhiên, việc nhận ra đâu là thông tin giả, đâu là thông tin thật không phải quá khó.

Rất may là Internet và những công cụ công nghệ tiên tiến sẽ giúp các nhà báo khả năng kiểm chứng phần lớn các thông tin nổi trên bề mặt. Những loại thông tin bí mật, ẩn giấu vẫn có thể tìm thấy, miễn là các nhà báo có cái đầu lạnh, tỉnh táo, không vội vã tự đẩy mình bị cuốn vào vòng xoáy thông tin.

Trong bối cảnh trách nhiệm trong cuộc chiến chống chống fake news còn chưa ngã ngũ thì vai trò “gác cổng” của báo chí lại được nhắc đến nhiều hơn.

Theo ông Minh, báo chí cần có thông tin chính xác trước khi viết hoặc có thể viết một cách khách quan thay vì khẳng định, hoặc định hướng chỉ qua đồn thổi thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của doanh nghiệp.

Có nhiều doanh nghiệp khi gặp khủng hoảng đã không ngại chi tiền cho việc xử lý, dọn dẹp và khắc phục hậu quả. Ông Khuất Quang Hưng, Phụ trách đối ngoại và truyền thông của một công ty đa quốc gia tại Việt Nam, tác giả của cuốn sách “Chết vì cái thái độ” cho rằng, nếu các doanh nghiệp này có sự chuẩn bị và phòng ngừa rủi ro từ sớm, bằng việc lập kế hoạch phòng ngừa khủng hoảng, tập huấn và thực hành định kỳ, đầu tư vào lắng nghe mạng xã hội, giám sát các hoạt động vận hành và tuân thủ.

Những cuộc khủng hoảng truyền thông với những hình thái, diễn biến và mức độ nghiêm trọng khác nhau vẫn diễn ra thường xuyên, các doanh nghiệp nên đặt câu hỏi khi nào sẽ xảy ra khủng hoảng? Nếu doanh nghiệp có thái độ đúng đối với vấn đề này, nguy cơ khủng hoảng sẽ được hạn chế. Thái độ đối với sản phẩm và dịch vụ, thái độ đối với khách hàng, thái độ của người lãnh đạo đối với vấn đề tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, thái độ và cách hành xử của người làm truyền thông đối với các nguy cơ khủng hoảng.

Ngoài ra, yếu tố văn hóa công ty đóng vai trò rất quan trọng trong quản trị danh tiếng và xử lý khủng hoảng. Trong đó, không thể thiếu là sự định hướng và dẫn dắt của lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong bối cảnh trách nhiệm trong cuộc chiến chống chống fake news còn chưa ngã ngũ thì vai trò “gác cổng” của báo chí lại được nhắc đến nhiều hơn.

Đối với các doanh nghiệp và các nhà tư vấn truyền thông, công chúng thì báo chí như người gác cổng. Họ cho loại thông tin nào lọt qua cái cửa của họ thì công chúng sẽ nhận được loại thông tin đó. Bất luận trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người làm PR cho các doanh nghiệp là làm cho những người gác cổng đó có cái nhìn công bằng và chính trực. Chỉ cần người “gác cổng” có góc nhìn một chút thiên lệch thì thông tin bị méo mó, và nạn nhân không chỉ có doanh nghiệp và cả bạn đọc nữa. Vì vậy, mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để báo chí có cái nhìn đa chiều và khách quan.

Mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để báo chí có cái nhìn đa chiều và khách quan.

Vũ Anh
Nguồn Báo Đầu Tư