ASEAN lần đầu ký kết thỏa thuận thương mại điện tử
Thỏa thuận đã trải qua 9 vòng đàm phán khởi đầu từ tháng 6-2017 để đạt được ba nội dung chính. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế Internet của khu vực ASEAN sẽ đạt mức 200 tỉ USD.
Theo các chuyên gia, với hơn 330 triệu người dùng Internet, dự báo đến năm 2025, nền kinh tế Internert của khu vực ASEAN sẽ đạt mức 200 tỉ USD.
Lễ ký thỏa thuận diễn ra vào sáng 12-11, tại sự kiện Hội nghị cấp cao về kinh doanh và đầu tư ASEAN 2018 (ABIS), một trong hàng loạt các hội nghị diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động Hội nghị cao cấp ASEAN đang diễn ra tại Singapore.
Có hơn 1.000 đại biểu tham dự sự kiện này. Ngoài Thủ tướng Lý Hiển Long và các thành viên chủ chốt của chính phủ Singapore còn có Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng thương mại Singapore Chan Chun Sing cho biết rất vui mừng khi các thành viên ASEAN đã cùng đạt đến những thỏa thuận ban đầu về thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên của ASEAN.
ASEAN là thị trường phát triển Internet nhanh nhất thế giới với hơn 330 triệu người dùng. Đến năm 2025, kinh tế Internet ở khu vực này sẽ lên 200 tỉ USD, tăng gấp 4 lần so với mức 50 tỉ USD của năm 2005, trong đó thương mại điện tử có khả năng đạt đến 88 tỉ USD.
Ông cũng cho rằng nền kinh tế tăng trưởng ổn định và dân số trẻ hiểu biết về Internet sẽ là những định hướng phát triển của khu vực này, tạo điều kiện giúp chính phủ và các doanh nghiệp tăng trưởng đầu tư vào hạ tầng ICT trong tương lai.
Thị trường trực tuyến cũng cung cấp nhiều tiện tích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), kinh doanh trực tuyến thu hút, lôi kéo người tiêu dùng trong và ngoài khu vực.
Bộ trưởng thương mại Singapore Chan Chun Sing khẳng định tiềm năng thương mại điện tử trong khu vực là rất lớn và đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến triển khai kinh doanh, trong đó các tên tuổi lớn như Amazon, Alibaba...
Nhiều tên tuổi doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử của ASEAN cũng đang vươn tầm khẳng định khả năng kinh doanh và phát triển như Lazada (Singapore), Tokopedia (Indonesia)...
Bộ trưởng thương mại Singapore cũng thừa nhận còn nhiều rào cản kỹ thuật, chi phí logistics, những quy định của từng nước… khiến thương mại điện tử ASEAN chưa thể phát triển và so sánh với thương mại điện tử ở Mỹ hay Trung Quốc.
Thỏa thuận thương mại điện tử ASEAN lần đầu tiên được đưa ra bàn luận vào tháng 6-2017 và trải qua 9 vòng bàn luận để đạt được 3 mục tiêu: tạo điều kiện thuận lợi thực hiện trao đổi thương mại điện tử xuyên biên giới; tạo môi trường tín nhiệm và tin cậy trong sử dụng thương mại điện tử; thỏa thuận hợp tác sâu hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển và ủng hộ phát triển kinh tế khu vực.
Lê Nam
Nguồn Tuổi Trẻ Online