Giấc mơ bay của Uber
Uber đang quyết tâm theo đuổi kế hoạch giao hàng bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, họ đang vấp phải hai bức tường sừng sững trước mắt mang tên rào cản pháp lý và chi phí.
Tờ Wall Street Journal gần đây đưa tin Uber đăng tuyển vị trí giám đốc điều hành cho UberExpress, mảng giao hàng bằng máy bay không người lái, giúp mảng này vận hành vào năm 2019 và triển khai dịch vụ giao hàng tại Mỹ vào năm 2021.
Uber hiện đang là đối tác của thành phố San Diego, một trong 10 địa phương tham gia chương trình thí điểm máy bay không người lái thương mại. Hơn thế nữa, đạo luật ủy quyền FAA năm 2018 đã cho phép Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) cập nhật thêm các quy định hiện hành, mở rộng đối tượng hợp pháp từ máy bay có người lái sang máy bay giao hàng không người lái có trọng tải dưới 25kg.
Tuy nhiên. cho dù có hai điều kiện thuận lợi này, UberExpress sẽ phải đối mặt với hai rào cản lớn để biến giấc mơ "bay" của họ thành hiện thực: luật định và chi phí.
Rào cản luật định tại Mỹ
Những chiếc máy bay không người lái của Uber sẽ phải chịu sự chi phối của cả luật liên bang và tiểu bang và chúng có thể mâu thuẫn nhau.
Nhìn từ góc độ luật định liên bang, FAA chính là rào cản lớn nhất, bên cạnh các cơ quan hành pháp khác như Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Truyền thông Liên bang...
Có hai cách để có được quyền vận hành máy bay không người lái từ FAA: Thứ nhất, thông qua kì thi sát hạch và đạt được giấy phép hành nghề phi công có tên gọi FAA 107. Thứ hai, xin một loại giấy phép đặc cách.
Cả hai phương thức trên đều có vấn đề.
Quy định để được cấp giấy phép FAA 107 buộc các phi công phải luôn giữ máy bay trong tầm mắt khi điều khiển và không được bay trên khu vực có con người, trừ khi được miễn trừ. Trong khi đó, tỉ lệ từ chối đơn xin miễn trừ tại FAA lên tới 99%.
Nếu đi theo hướng thứ 2 đòi hỏi Uber phải xác định tất cả các quy định không thể tuân thủ và yêu cầu miễn trừ từ FAA. Điều này rất tốn thời gian và liên quan tới nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Nhưng ít nhất phương pháp này cho phép máy bay được hoạt động ngoài tầm nhìn của phi công, tức tầm hoạt động của máy bay sẽ rộng hơn. Dĩ nhiên Uber sẽ vẫn sẽ phải đau đầu với việc xin miễn trừ khỏi quy định cấm bay trên khu vực có con người và máy bay khác.
Đạo luật ủy quyền FAA năm 2018 đang cố đơn giản hóa các thủ tục pháp lý nói trên, tuy nhiên để triển khai luật vào thực tế cần thời gian ít nhất 2 năm rưỡi.
Nhìn từ góc độ luật định của các bang, UberExpress sẽ có quyền lựa chọn khu vực chính quyền ít gây khó dễ nhất để hoạt động. Tuy vậy hãng sẽ mất rất nhiều công sức để thu thập thông tin và xem xét liệu có phải thực hiện vận động hành lang hay đối mặt với bất kì vụ kiện tụng nào tại địa phương hay không. Một số bang tại Mỹ có quy định cấm chính quyền bang thiết lập quy định liên quan tới máy bay không người lái, chẳng hạn như Florida cấm chính quyền bang tạo ra các quy định "liên quan tới thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, bảo trì, cấp phép, đăng ký, chứng nhận hoặc vận hành hệ thống máy bay không người lái".
Rào cản chi phí
Ứng dụng máy bay không người lái trong giao hàng sẽ phải đối mặt với hai chướng ngại khác: gánh nặng tài chính đến từ việc tuân thủ các quy định an toàn của ngành hàng không và khả năng sinh lợi nhuận không chắc chắn.
Trọng tâm duy nhất của FAA, cơ quan quản lý đứng đầu ngành hàng không Mỹ, là an toàn. Trong khi các doanh nghiệp phải cân đo đong đếm xem mức độ an toàn có thực sự xứng đáng với chi phí phải trả hay không, FAA lại chỉ quan tâm tới mức độ an toàn của phương thức vận chuyển. Một nhân viên của FAA tại Washington D.C đã từng nhấn mạnh: “FAA không quan tâm đến việc kinh doanh. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn.”
Báo cáo của Viện hàn Lâm khoa Học quốc gia gần đây cho rằng: “Máy bay không người lái có nhiều khía cạnh tích cực và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho mọi người. Hạn chế rủi ro thái quá bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn an toàn quá cao sẽ mất cân đối giữa lợi ích và an toàn."
Quy định máy bay luôn phải trong tầm nhìn của phi công sẽ giới hạn diện tích hoạt động của phương tiện, từ đó doanh nghiệp sẽ cần phải nhiều máy bay và phi công hơn. Chi phí bảo trì cũng sẽ tăng cao, đè thêm gánh nặng tài chính lên doanh nghiệp.
Liệu khách hàng có sẵn sàng chi trả cho dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái (chắc chắn không hề rẻ) khi mua vài cái bánh hamburger và khoai tây chiên? Chỉ những khách hàng không muốn chờ đợi quá lâu, ở tại địa điểm giao hàng quá khó tiếp cận và không màng tới vấn đề chi phí mới là những khách hàng tiềm năng của dịch vụ giao hàng này, nhưng liệu họ có phải là một nhóm khách hàng lớn và trung thành?
Như vậy một khi luật định dành cho máy bay không người lái được nới lỏng, Uber còn phải tính toán sao cho giá thành hợp lý để cạnh tranh tốt hơn với các phương thức giao hàng truyền thống trên thị trường hiện tại.
Jonathan Rupprecht
Nguồn Forbes Vietnam