Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạng

Chính phủ và doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội do cách mạng công nghệ 4.0 mang lại để làm nên một cuộc bứt phá về tăng trưởng?

Cách mạng 4.0 đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời phá vỡ những thế mạnh truyền thống trong nền kinh tế thế giới, với sự trỗi dậy của những chú hổ mới bứt phá nhờ công nghệ. Đối với giới doanh nghiệp, cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng cũng đầy thách thức. Có đến 79% các nhà quản lý doanh nghiệp nhận định rằng những công ty không đón nhận làn sóng dữ liệu lớn (Big Data) sẽ mất đi sức mạnh trên thị trường và phải đối mặt nguy cơ phá sản, theo khảo sát của Accenture. Vậy Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng 4.0?

Những ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà lãnh đạo từ những tập đoàn lớn trong nước và quốc tế tại Hội Nghị Đầu Tư 2018 với chủ đề “Kinh tế 4.0: từ tiến hóa đến cách mạng” do Tạp chí NCĐT tổ chức vào ngày 2.11 vừa qua đã phần nào trả lời cho câu hỏi này.

Kinh tế 4.0: Chính phủ phải đi đầu

Theo Grant Thorton, Việt Nam đang đứng số 1 về mức độ hấp dẫn so với các quốc gia trong khối ASEAN. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây xếp Việt Nam ở vị trí thứ 55 trong tổng số 138 nền kinh tế được đánh giá, tức tăng 5 bậc so với cách đây 1 năm.

Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạng

Điều đó cho thấy nỗ lực của Việt Nam những năm qua trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi mô hình từ chỗ dựa vào khai thác tài nguyên sang công nghiệp chế biến như công nghiệp ô tô. Đáng chú ý là sức bật của khu vực tư nhân khi ngày càng thể hiện vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, theo đánh giá của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Đầu tư 2018. Triển vọng trong các năm tới là khả quan. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam đang đứng trước thời cơ lịch sử để tiến lên một tầm vóc mới, nếu tận dụng được cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc cách mạng 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đó là phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech. Đó thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ. Tất nhiên, nắm bắt được cơ hội đó sẽ không dễ do lực lượng doanh nghiệp vẫn còn yếu, chất lượng bộ máy quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế, gây nhiều trói buộc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật số, thiếu kỹ năng của lực lượng lao động trong nước, cũng như an ninh và bảo mật dữ liệu (theo khảo sát của PwC) được xem là những rào cản lớn cho việc chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sẽ còn nhiều việc phải làm để tận dụng thời cơ mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Việt Nam phải tạo động lực mới cho tăng trưởng, trong đó chuyển sang cơ chế “ngân sách cứng” và khuyến khích người thắng. Đồng thời nên tập trung vào 3 lĩnh vực có tiềm năng lớn, tạo thành thế chân vạc cho nền kinh tế phát triển bền vững là lĩnh vực công nghệ thông tin - kinh tế số, lĩnh vực du lịch và cuối cùng là nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn các sản phẩm sạch và đặc sản chuyên biệt. Việt Nam cũng nên thúc đẩy thành lập các trung tâm tăng trưởng theo vùng (đầu tàu kinh tế) và phát triển mô hình các khu đô thị thông minh.

Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạngChính sách cần định hướng rõ ràng, lấy khoa học công nghệ làm chiến lược trục, khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo dựa trên lợi thế về nguồn nhân lực trẻ trung và đông đảo mà Việt Nam đang có. Bên cạnh cuộc mạng công nghệ 4.0, một yếu tố khác được đánh giá sẽ tác động tích cực đến triển vọng của Việt Nam trong các năm tới là hàng loạt các hiệp định thương mại có chuẩn mực cao sắp có hiệu lực như CPTPP, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Theo Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay và 6,9% trong năm sau.

Trong bối cảnh thế giới đang “bối rối” với cuộc chiến thương mại chưa từng có giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam vì vậy được xem là ngôi sao hiếm hoi, đóng góp tích cực cho diện mạo kinh tế chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Chúng tôi tiếp tục lạc quan vào triển vọng trung hạn của Việt Nam nhờ nền tảng sản xuất mạnh mẽ và dòng vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào lĩnh vực điện tử”, Standard Chartered nhận định. Cuộc chiến thương mại này có thể còn mang lại cơ hội mới cho Việt Nam. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ tìm đến Việt Nam như một địa điểm đầu tư tiềm năng mới trong tương lai.

Đồng thời cuộc chiến này có thể sẽ buộc các doanh nghiệp trong nước phải chuyển chiến lược kinh doanh, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác, đồng thời giảm mức độ lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, hiện đang có nhiều cơ hội lẫn thách thức đan xen nhưng với tiềm năng hiện có, Việt Nam đang được giới đầu tư thế giới đánh giá rất cao. “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có lợi cho Việt Nam. Trên thực tế, bản thân Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh và ngay cả khi không có chiến tranh thương mại, Việt Nam vẫn sẽ tiến lên”, Daniel Wong, nguyên CEO của Longview Fibere, hiện là giảng viên tại Đại học Portland (Mỹ), nhận định.

Điều phấn khởi là Chính phủ ngày càng nhận ra tầm quan trọng của cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời đang nghiên cứu những đề án để thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số phát triển, từ đó tạo bệ phóng bứt phá cho nền kinh tế. “Các nước như Việt Nam có cơ hội để bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định. Trong khi đó, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể bắt kịp công nghệ nhờ vào nguồn lực công nghệ thông tin tốt. Tuy nhiên, để trở thành các doanh nghiệp sáng tạo, cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ trong việc gỡ bỏ các thủ tục hành chính.

Theo Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay và 6,9% trong năm sau.

Trong đó bản thân bộ máy Chính phủ cũng phải tự đổi mới. “Cách mạng 4.0 ở Việt Nam cơ bản là cuộc cách mạng về thể chế”, ông nhấn mạnh. Chính phủ và khối tư nhân phải làm cùng nhau, trong đó Chính phủ phải là người đi đầu trong cuộc tái cơ cấu này.

Cách mạng 4.0

Vậy có thể hình dung về cuộc cách mạng 4.0 như thế nào? Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã đưa ra định nghĩa đơn giản: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ 3. Nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”. Kết thúc cuộc cách mạng lần thứ 3, hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng hệ thống kinh doanh dựa trên phần mềm và internet.

Đặc điểm của nhóm này là sức mạnh về dữ liệu kinh doanh và doanh nghiệp nào khai thác được dữ liệu này sẽ có lợi thế tốt hơn trên thị trường. Ant Financial, tiền thân là Alipay của Alibaba, là một ví dụ về một công ty công nghệ vượt qua một công ty truyền thống nhờ khả năng sử dụng dữ liệu lớn để dự đoán. Ban đầu Ant Financial là đơn vị thanh toán trực tuyến cho khách hàng mua sắm thông qua các website trực thuộc Alibaba. Thông qua dữ liệu mua sắm khách hàng, công ty này tính toán được thu nhập của họ và tiến hành cho vay.

Năm 2015, đơn vị này đưa hệ thống chấm điểm tín dụng dựa trên lịch sử giao dịch của người sử dụng Alipay với các website thương mại điện tử của Alibaba Group, ước tính khoảng 450 triệu người sử dụng. Sau khi có trong tay điểm tín dụng của khách hàng, Ant Financial bắt đầu cung cấp các khoản vay mua nhà, ô tô bất kể họ đã từng giao dịch ngân hàng hay chưa. Báo cáo gần đây nhất của Bloomberg cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng của Công ty đã đạt 95 tỉ USD.

Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạngCũng theo Bloomberg, khoản vay tiêu dùng của Ant Financial đã lớn gấp 3,7 lần của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất của nước này. Ant Financial chỉ là một trong số nhiều công ty đã biết tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0 để bứt phá. Theo thống kê, có 5 ngành sẽ chịu tác động mạnh từ xu hướng dữ liệu lớn là dược, bán lẻ, xây dựng, ngân hàng và vận tải, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Theo đó gần 50% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát của McKinsey Analytics trả lời rằng phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn đã thay đổi về cơ bản các hoạt động kinh doanh trong các chức năng bán hàng và tiếp thị của họ. Một khảo sát khác của NewVantage Venture Partners cho thấy dữ liệu lớn đang mang lại giá trị lớn cho các doanh nghiệp bằng việc giảm chi phí (49,2%), tạo con đường cho sự đổi mới và đột phá (44,3%). Điển hình như việc phát hành các loại thuốc mới thường mất 12-14 năm và 2,6 tỉ USD để đưa ra thị trường.

BenevolentAI đã tự động hóa quá trình xác định các mẫu trong số lượng lớn dữ liệu nghiên cứu, cho phép các nhà khoa học hình thành giả thuyết và rút ra kết luận nhanh hơn. Kết quả là họ đã tìm ra 2 loại thuốc chống lại bệnh Alzheimer được xác định trong chưa đầy 1 tháng. Còn theo Accenture, có đến 79% các nhà quản lý doanh nghiệp nhận định rằng những công ty không đón nhận làn sóng dữ liệu lớn sẽ mất đi sức mạnh trên thị trường và phải đối mặt nguy cơ phá sản. Đó là câu chuyện của Compass, công ty môi giới bất động sản ứng dụng công nghệ đẩy các đối thủ truyền thống vào thế khó. Ông Ori Allon, nhà sáng lập Công ty, cho biết thông qua việc phân tích dữ liệu, Công ty tạo ra các báo cáo, công cụ giúp các đại lý, nhà môi giới phát triển kế hoạch tiếp thị tài sản, dự đoán xu thế thị trường trên ứng dụng di động.

Các công nghệ này đã giúp Compass thu hút được nhiều chuyên viên môi giới giàu kinh nghiệm từ các công ty truyền thống. Vì thế, đầu năm 2015, Compass bị Tập đoàn Cocoran ở New York khởi kiện vì thu hút nhân viên của họ. Cho đến thời điểm hiện tại, Compass vừa gọi được thêm 400 triệu USD từ quỹ Vision Fund của Tập đoàn SoftBank (Nhật) và được định giá hơn 4 tỉ USD. Tuy nhiên, điểm nhấn của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ dừng ở khả năng xử lý dữ liệu của các doanh nghiệp và chính phủ các nước, mà chính ở trí tuệ nhân tạo (AI).

Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạngTrên thực tế, khái niệm AI được khởi xướng từ cuối những năm 1980 nhưng hạn chế về số lượng dữ liệu xử lý khiến AI không phổ biến và chỉ được biết đến bởi trò chơi cờ vua, nơi máy sẽ tự học để so tài với các kiện tướng trên thế giới. Hiện nay, khi khả năng xử lý phần cứng thay đổi sau mỗi 6 tháng cùng với sự phổ biến của các thiết bị cầm tay, lượng dữ liệu trên internet tăng mỗi năm, AI bắt đầu thâm nhập đời sống và hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Theo CNBC, AI sẽ sớm xâm nhập vào đời sống xã hội trong thời gian tới và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại. Điều này cũng tạo ra cơ hội kinh doanh cho các công ty công nghệ.

Trong khi đó, theo PR Newswire, dựa trên dữ liệu cộng tác từ những công ty đang đầu tư mạnh cho AI bao gồm Google, AWS, IBM, Facebook, Microsoft, Samsung Electronics..., độ lớn thị trường AI năm 2018 vào khoảng 21,46 tỉ USD và có thể đạt 190 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng CAGR 36,62%. Sự tăng trưởng của thị trường có thể là do các yếu tố như phát triển dữ liệu lớn, việc áp dụng ngày càng tăng của các ứng dụng và dịch vụ dựa trên đám mây và tăng nhu cầu về trợ lý ảo thông minh. Phần mềm dự kiến sẽ nắm giữ thị phần lớn nhất của thị trường AI. Trong đó, thị trường AI cho công nghệ thị giác máy tính ước tính sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR cao nhất trong giai đoạn dự báo, nhờ nhu cầu từ các ngành công nghiệp sản xuất, như ô tô chẳng hạn.

Câu chuyện Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Rõ ràng, không thể phủ nhận quyền lực mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại cho những quốc gia và doanh nghiệp biết tận dụng nó để đột phá. Trung Quốc, nền kinh tế đã đưa mình lên vị trí thứ 2 trong bản đồ kinh tế thế giới, là một ví dụ điển hình cho sự chuyển mình nhờ công nghệ. Từ mức 4% trên tổng GDP toàn cầu, tỉ trọng của Trung Quốc đã tăng lên gấp hơn 3 lần trong thập niên vừa qua, trong khi con số này của Mỹ và Liên minh châu Âu lại có xu hướng giảm. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc được dự báo là sẽ tiếp tục tăng. “Không còn là trung tâm gia công của thế giới, nền kinh tế Trung Quốc đang tạo ra các sản phẩm công nghệ cao và các siêu tập đoàn công nghệ như BAT (Baidu, Alibaba, Tencent)”, bà Tina Ju, Sáng lập và Điều hành Công ty KPCB China và TDF Capital, lý giải về sự bứt phá của nền kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạng

Từ một trung tâm gia công cho các thương hiệu của phương Tây, Trung Quốc đã chuyển mình thành một nơi cung cấp các sản phẩm công nghệ cao. Điển hình là mảng sản xuất các thiết bị đầu cuối (OEM) như điện thoại thông minh (40% thị phần toàn thế giới, theo Morgan Stanley). Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy quá trình chuyển mình của Trung Quốc chính là sự bùng nổ của kỷ nguyên internet. Chỉ trong năm 2017, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót 212 tỉ USD vào gần 10.000 công ty, theo dữ liệu của Zero2IPO và Wind.

Con số này gấp hơn 10 lần so với một thập niên trước. Trong những năm gần đây, có một sự trưởng thành của thị trường startup Trung Quốc khi các thương vụ gia tăng về chất lượng chứ không phải số lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do các thương vụ không còn ở vòng hạt giống mà chuyển thành vòng series A, B và C với giá trị thương vụ lớn hơn nhiều. Sự trưởng thành của thị trường startup Trung Quốc cũng đánh dấu sự xuất hiện của 9 thành viên trong danh sách 20 công ty internet lớn nhất thế giới, với 7 thành viên mới. Trong cùng thời gian, Mỹ chỉ xuất hiện thêm 2 thành viên và nâng tổng số lên 11 thành viên trong bảng xếp hạng này. Ấn tượng nhất có lẽ là Alibaba với mức tăng trưởng vốn hóa gấp 3 lần chỉ trong 5 năm từ 2013-2018.

Nhìn sang Việt Nam, bà Tina Ju đưa ra dự báo khá lạc quan cho sự tăng trưởng của nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào quốc gia Đông Nam Á này, bằng cách chỉ ra khá nhiều điểm tương đồng trong thị trường Việt Nam hiện tại so với thời điểm bùng nổ của dòng vốn vào Trung Quốc. Điểm quan trọng nhất chính là tỉ lệ kết nối internet. Tỉ lệ này khá tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc (46,5% và 53,2%, theo số liệu năm 2016 của World Bank). Dự báo này cũng đúng với mức tăng trưởng 42% trong năm 2017 của số vốn đầu tư vào startup Việt Nam, theo thống kê của Topica Founder Institute. Số thương vụ trong năm 2017 cũng gấp đôi số thương vụ của năm trước.

Tuy đã xuất hiện những thương vụ lớn nhưng quy mô thị trường vẫn còn khiêm tốn với phần lớn các thương vụ ở vòng hạt giống (seed) hay là giai đoạn trước hạt giống (pre-seeding). Cũng cần nói thêm, thập niên bùng nổ vốn đầu tư vào startup tại Trung Quốc (2007-2017) đã tạo ra các tập đoàn công nghệ. Các gã khổng lồ trong nhóm BAT nói riêng và cả thị trường startup Trung Quốc nói chung có xu hướng sao chép mô hình kinh doanh của nước ngoài và đem về thị trường nội địa. Bộ 3 BAT chính là bản sao hoàn hảo của Google (Baidu), Alibaba (Amazon) và Tencent/WeChat (Facebook). Các startup nhận được các khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong năm vừa qua cũng có mô hình kinh doanh tương tự các mô hình thành công tại nước ngoài.

Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạngThương mại điện tử chính là mảng không thể thiếu của nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook và Apple) và BAT. Với ưu thế là tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao (84% theo Nielsen) và tăng trưởng nhanh hơn 23% trung bình mỗi năm của thương mại điện tử, tiềm năng của các công ty thương mại điện tử là khá lớn.Ví dụ, Foody được rót 198 triệu USD bởi SEA. Mô hình chấm điểm và chia sẻ nhà hàng, địa điểm ăn uống này đã rất thành công tại Mỹ với Yelp và tại Trung Quốc với Meituan Dianping. Tiki cũng thành công khi gọi được 54 triệu USD từ JD (Trung Quốc). Bắt đầu khá giống Amazon là một website bán sách, Tiki nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái của mình bằng cách đa dạng hóa sản phẩm.

Bà Tina Ju lý giải tại sao các tập đoàn nội địa này có mô hình tương tự hay sao chép từ GAFA nhưng lại đại thắng trên sân nhà. Điểm quan trọng nhất là “khả năng ứng biến nhanh chóng” với các nhu cầu tại thị trường nội địa. Nói cách khác, các công ty công nghệ địa phương luôn có lợi thế quan trọng là phản ứng nhanh với những chuyển biến của thị trường nội địa. Điều này cũng diễn ra ở Đông Nam Á, với sự rút lui của Uber trao lại thị trường khu vực này cho Grab vì lý do tương tự. Lợi điểm của các công ty nội địa còn nằm ở sự hiểu khách hàng, như nhu cầu thực tế và văn hóa bản địa. Một công ty phương Tây sẽ hiếm khi nào hiểu khách hàng châu Á như một công ty châu Á có thể làm. Trong chặng đường cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử Việt Nam trong một thập niên qua, số website đóng cửa nhiều không kể hết như Zalora, Deca, Beyeu...

Ở một hướng khác, rất nhiều quỹ đầu tư lại đổ tiền vào Tiki từ Seedcom, CyberAgent, Sumitomo, VNG và JD. Nếu các startup thành công đều học từ các mô hình thành công tại nước ngoài, vậy điều gì lại tạo nên các “nhà vô địch quốc gia”? “Thực thi mới là yếu tố quyết định, ý tưởng không có bao nhiêu giá trị”, bà Tina Ju đưa ra lời khuyên cho các startup từ góc nhìn của một quỹ đầu tư mạo hiểm. Đi sâu hơn, bà cũng đưa ra các lời khuyên cụ thể cho các startup, như mô hình kinh doanh cần phải đột phá trên nền mô hình kinh doanh truyền thông. Sao chép hay mô phỏng các ý tưởng thành công trên thế giới mà có nhu cầu lớn tại thị trường nội địa chính là cách giảm thiểu rủi ro tốt nhất.

Việt Nam hiện vẫn còn quá sớm để hình thành các công ty khởi nghiệp về AI vì thiếu nhân sự cao cấp, nguồn lực chưa được khai thác và nhận thức một cách chính xác.

Người đi tiên phong sẽ có lợi thế thống trị thị trường. Và cuối cùng là yếu tố con người, khả năng hiện thực hóa và thi hành các ý tưởng sẽ tạo nên những startup kỳ lân. Đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 sẽ đóng vai trò là một bệ phóng mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp “hóa rồng” nếu biết nắm bắt cơ hội. Hiện tại, các công ty khởi nghiệp Việt Nam chỉ mới dừng ở giai đoạn “manh nha” khai thác dữ liệu lớn để phục vụ kinh doanh. Chẳng hạn như startup Ami của Lê Hoàng Nhật, với ứng dụng quản lý phòng trọ.

Trong gần 2 năm qua ứng dụng quản lý này đã giúp Công ty có được lượng thông tin và hành vi (trả phí sinh hoạt hằng tháng, mức độ gây rối) của những người thuê phòng trọ, từ đó làm cơ sở để “chấm điểm” những người thuê. Bên cạnh đó, thông qua các thiết bị đồng hồ điện thông minh do Công ty cung cấp, hệ thống của Ami tính toán chính xác lượng điện sử dụng hằng tháng của người cho thuê, từ đó đưa ra thông báo khi họ sắp sử dụng vượt ngưỡng trung bình hoặc một thiết bị điện hư hỏng làm tăng lượng tiêu thụ điện. Hay như sàn thương mại điện tử Tiki, đơn vị này đang sử dụng các thuật toán phức tạp để phân tích hành vi của từng nhóm mục tiêu.

Đầu tiên, Tiki thu thập thông tin giá trị từ khách hàng như tên, địa chỉ, địa điểm, số điện thoại..., từ đó tạo ra một cách chính xác “dấu chân thương mại” của từng cá nhân và sử dụng thông tin đó để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ tương tự cho người tiêu dùng. Tại Hội nghị Đầu tư 2018, ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Up Co-Working Space, nhà sáng lập Emotiv Systems, nhận định Việt Nam hiện vẫn còn quá sớm để hình thành các công ty khởi nghiệp về AI vì thiếu nhân sự cao cấp, nguồn lực chưa được khai thác và nhận thức một cách chính xác. “Chúng ta hiện chỉ dừng ở việc cổ vũ phong trào, dù đã có các nhóm làm AI (VietAI, Gene Friend Way), nhưng con đường phải đi vẫn còn rất xa”, ông nói.

Nhóm phóng viên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư