Chiến lược thu hút khách hàng của thương hiệu cao cấp

Chiến lược của các thương hiệu xa xỉ là biến sản phẩm thành một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải là món hàng tiêu dùng bình thường.

Theo ông Edouard Aubin - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng cao cấp của Ngân hàng Morgan Stanley, các thương hiệu cao cấp thường gặp phải vấn đề càng tăng trưởng thì càng lo ngại đánh mất dấu ấn và sự ưa chuộng của khách hàng.

Nhìn chung, ngành công nghiệp thời trang cao cấp có thể phân thành tổ hợp các thương hiệu (conglomerate) hoặc xây dựng một thương hiệu cho tất cả (monobrand). Và trong những năm gần đây conglomerate cho thấy sự tăng trưởng rất tốt cả trên thị trường lẫn đẩy giá bán ngày càng cao.

Cách làm của các thương hiệu cao cấp là mời các nghệ sĩ, kiến trúc sư hàng đầu đến làm việc, kiểm soát chặt hệ thống phân phối, xây dựng giá trị thương hiệu theo thời gian một cách có hệ thống. Và trên hết, ngụ ý liên kết sản phẩm theo hướng nghệ thuật (art).

Mà nghệ thuật hầu như không định lượng được giá, đó là then cốt để xây dựng chiến lược của các thương hiệu cao cấp.

"Kết hợp với nghệ thuật một cách trực tiếp hay gián tiếp cho phép thương hiệu cao cấp nâng cao giá trị và phá vỡ môi giới hạn về giá", ông Edouard Aubin nói.

Chiến lược thu hút khách hàng của thương hiệu cao cấp

Thật vậy, hầu hết thương hiệu bền vững theo thời gian đều sở hữu một bảo tàng nghệ thuật hoặc tài trợ hay tổ chức các triển lãm nghệ thuật. Những thương hiệu này thường ủy quyền cho các kiến trúc sư tài năng thiết kế cửa hàng theo hướng nghệ thuật.

Cách làm này rất tốn kém và khó thực thi nhưng luôn tạo ra sức quyến rũ khó cưỡng cho thương hiệu, đồng thời nó cũng tạo ra rào cản chi phí cao đối với những đối thủ tiềm năng.

Quy luật kinh tế chỉ ra rằng, khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng. Và các thương hiệu cao cấp áp dụng triệt để quy luật này bằng cách cung cấp nguồn cung giới hạn. Các giám đốc điều hành của các thương hiệu cao cấp cũng rất biết cách đẩy sự khao khát của khách hàng lên đỉnh điểm với các sản phẩm "đỉnh" khi chỉ cung cấp nhỏ giọt tại các cửa hàng. Hay nói cách khác là có tiền chưa chắc mua được hàng cao cấp.

Cách tạo ra sự khan hiếm của các món hàng xa xỉ giúp vượt lên các xu hướng thời trang và không đối mặt với sự rủi ro bị lỗi thời, tương tự đồng hồ cổ điển luôn được săn đón bởi những người đam mê nó.

Hầu hết chủ thương hiệu thời trang xa xỉ đều áp dụng "mô hình khan hiếm", mặc dù những cổ đông muốn tìm kiếm sự tăng trưởng nhanh không phải lúc nào cũng thích cách làm này.

"Kết hợp với nghệ thuật một cách trực tiếp hay gián tiếp cho phép thương hiệu cao cấp nâng cao giá trị và phá vỡ môi giới hạn về giá."

Như một sự thỏa hiệp, nhiều chủ thương hiệu cao cấp sử dụng chiến lược "khan hiếm ảo" bằng cách kết hợp với các nghệ sĩ, nhà thiết kế nổi tiếng giới thiệu những phiên bản giới hạn (limited) hoặc khéo léo đẩy vài món hàng bán hết trong vài tiếng đồng hồ để gây hiệu ứng trong giới truyền thông. Nhờ đó, các thương hiệu cao cấp bán được rất nhiều món hàng mà không sợ pha loãng giá trị.

Cũng có một cách khác mà các thương hiệu cao cấp hay sử dụng là phân phối có chọn lọc. Nghĩa là họ chỉ bán sản phẩm độc quyền trong các cửa hàng riêng, thay vì đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối khác. Bán trực tiếp cho khách hàng đem lại nhiều lợi thế.

Một cách khác, khá cực đoan: các thương hiệu cao cấp sẵn sàng đốt bỏ sản phẩm thay vì bán giảm giá. Điều này làm cho khách hàng đã mua sản phẩm của thương hiệu ấy cảm thấy nó luôn có giá trị. Cách làm này còn tạo ra hiệu ứng tâm lý khách hàng không đón chờ giảm giá mới mua hàng.

Minh Khôi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn