Thiếu Sir Alex, thương hiệu M.U có thể 'sống'?

Thiếu Sir Alex, thương hiệu M.U có thể sống?

Cổ phiếu của Manchester United đã giảm đáng kể thời điểm mở cửa phiên giao dịch ngày 8/5 trên phố Wall, sau khi HLV Sir Alex Ferguson công bố quyết định sẽ nghỉ hưu vào cuối mùa.

Nỗi lo nhà đầu tư

Thông tin Sir Alex Ferguson sẽ chính thức nghỉ hưu vào cuối mùa giải này sau gần 27 năm dẫn dắt Manchester United (M.U) đã tạo nên sự xáo động lớn trên thị trường tài chính thế giới về số phận cổ phiếu của M.U trên thị trường chứng khoán.

Những nhà đầu tư đã được một phen nghẹt thở khi chứng kiến sự kịch tính trong phiên ngày 8/5. Ngay từ đầu phiên, giá cổ phiếu đã sụt giảm tới 5%. Điều đó thể hiện tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của Sir Alex đối với tình hình kinh doanh của M.U.

Thiếu Sir Alex, thương hiệu M.U có thể sống?

Sir Alex đã làm nên thương hiệu M.U

Mặc dù, giá cổ phiếu của M.U đã được phục hồi lại sau khi giảm đáng kể vào đầu phiên nhưng nhà đầu tư vẫn chứa đựng tâm lý hoang mang.

Cho tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu MANU đã cho thấy sự tăng trưởng tốt kể từ mức đáy 12 USD một cổ phiếu thiết lập tháng 9/2012, ghi nhận phục hồi 56% trong vòng 6 tháng. Liệu M.U có duy trì được đà tăng trưởng đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của cổ đông vào triển vọng thành công của CLB.

Chẳng ai là không rõ đóng góp của Sir Alex đối với thành tựu của M.U trên sân cỏ lẫn hoạt động kinh doanh. 27 năm trị vì, ông góp phần đưa M.U trở thành một thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Vị trí HLV của M.U vì thế chẳng đơn thuần là triển khai chiến thuật mà còn phải “làm kinh tế”. Thế nên, việc bổ nhiệm người thay thế cũng vì vậy mà có tác động lớn tới tương lai tài chính của CLB.

David Moyes đã được chọn nhưng đồng thời cũng xuất hiện những hoài nghi. CĐV lo lắng về con đường chinh phục danh hiệu còn nhà đầu tư băn khoăn về giá trị thương hiệu của M.U trong tương lai dài hạn.

Nhà đầu tư nói gì?

Khi Sir Alex chuẩn bị cho trận đấu chia tay với CĐV nhà trong trận đấu với Swansea trên sân nhà Old Trafford thì giới phân tích tài chính của thế giới cũng tiến hành mổ xẻ vấn đề mà nhà đầu tư đang quan tâm.

Chuyên gia về thương hiệu Jonathan Gabay tin rằng sẽ có một thời kỳ bất ổn định tại M.U bởi sự ra đi của “huyền thoại sống” nhưng thương hiệu M.U vẫn sẽ sống mãi sau thời đại Ferguson. “Một ông Vua ra đi nhưng không có nghĩa sẽ chẳng có ông Vua nào nữa cả. Sir Alex là một phần của lịch sử M.U nhưng ông ấy không thể lớn hơn thương hiệu CLB” - Gabay nói trên CNN.

“Một ông Vua ra đi nhưng không có nghĩa sẽ chẳng có ông Vua nào nữa cả."

Từ mùa giải 1992/93, doanh thu của M.U đã tăng từ 25,2 triệu bảng lên tới 320,3 triệu bảng vào mùa 2011/12. “M.U đã chuyển mình trở thành một đại gia làng bóng đá dưới sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson” - Dan Jones, thành viên trong nhóm Kinh doanh thể thao của hãng kiểm toán nổi tiếng Deloitte.

Tuy nhiên, Giáo sư Andre Spicer của trường Cass Business School, London cho rằng sự mất mát “lãnh đạo vĩ đại” như Ferguson cũng như thể là “chịu đựng cái chết” cho một công ty. Ông Spicer nói thêm rằng rất nhiều fan đã lý tưởng hóa những thành tựu của Sir Alex và như thế sẽ là nhiệm vụ bất khả thi cho người kế nhiệm có thể “xỏ vào đôi giày” của chiến lược gia người Scotland.

Andy Milligan từ công ty tư vấn tài chính Caffeine, tác giả của cuốn sách “Brand it Like Beckham” (Làm thương hiệu như Beckham) nhận định nhà Glazer cần phải chứng minh được sự ổn định của CLB đối với nhà đầu tư trên toàn thế giới, thì thương hiệu mới không rơi vào “vùng nguy hiểm” trên thị trường.

Theo Joshua Raymond, một nhà phân tích chiến lược thị trường của công ty CityIndex, London, thành công trên thương trường của M.U phụ thuộc rất lớn vào phong độ trên sân cỏ. “Thay thế Alex Ferguson là một nhiệm vụ khó khăn và nhà đầu tư vì thế dõi theo với sự lo lắng về sự bất ổn định” – ông Raymond chia sẻ trong bài phân tích đăng tải trên trang web của công ty.

Theo Raymond, bổ nhiệm Jose Mourinho thay thế cho Sir Alex sẽ “an toàn” hơn so với David Moyes trong con mắt của nhà đầu tư.

Nguồn Thể thao & Văn hóa