Khi CEO vạ miệng
Giống các chính trị gia, các CEO luôn sống trong nỗi sợ hãi… bị vạ miệng.
Kinh doanh là đối phó với những gì không chắc chắn nhưng đối với nhiều ông chủ doanh nghiệp, điều khó lường trước nhất lại chính là những gì xảy ra khi họ bị vạ miệng. Elon Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla, đã phải xin lỗi sau khi gọi các chuyên gia phân tích phố Wall là “đồ đần” trong một cuộc họp tháng 5 vừa qua. Hay ngày 12.9, Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase, đã phải nói lời xin lỗi sau khi so sánh mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Tôi nghĩ tôi có thể đánh bại Trump... Tôi cũng cứng cựa không thua gì Trump, tôi thông minh hơn ông ấy...”, Dimon nói. Sau đó, Dimon lại xin lỗi: “Việc ấy chứng tỏ tôi sẽ chẳng thể làm một chính trị gia giỏi được”.
Hành xử như một chính trị gia - với yêu cầu luôn phải truyền tải một cách nhất quán thông điệp của đảng mình - đang trở thành một sứ mệnh của CEO. Tại Mỹ, cách đây 20 năm, các ông chủ doanh nghiệp luôn được bảo vệ nghiêm ngặt tại các sự kiện công chúng như các cuộc họp thường niên, nhưng họ có thể tự do nói lên quan điểm của mình, dĩ nhiên ở mức độ hợp lý. Nhưng giờ các CEO hành xử giống như ứng viên trong một cuộc đua tổng thống, chịu sự săm soi của công chúng và tránh nói năng không cẩn thận mà có thể dẫn đến phiền toái sau này.
Chuyển biến này có nhiều lý do. Một là quy định về công bố thông tin công bằng (Reg FD). Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin đồng thời cho tất cả mọi người. Nghĩa là các nhà phân tích hoặc các khách hàng tổ chức không thể nắm giữ bí mật thông tin trước khách hàng nhỏ lẻ hoặc công chúng. Những người không thuộc công ty cũng nhận được thông tin cùng lúc. Dù quy định này có thể hiểu được nhưng lại đi kèm với một cái giá: các nhà điều hành luôn bị bao vây bởi những luật sư “bị kích động” và phải chịu đựng một hệ thống giám sát gắt gao mà theo đó các cuộc hội nghị và các bài trình bày chiến lược đều được ghi âm lại để đảm bảo các bí mật không bị rò rỉ ra ngoài. Mỗi năm có 20.000-40.000 bản ghi chép lại các phát ngôn của CEO được công bố.
Thứ 2, thời đại công nghệ số ngày nay có nghĩa là bất kỳ câu nói hớ nào đều sẽ lan rất nhanh. Vì thế, các CEO không giây phút nào dám hạ thấp cảnh giác. Vào năm 2017 Travis Kalanick, khi đó còn là CEO Uber, bị quay cảnh tranh cãi ầm ĩ với tài xế. Sự cố này là một trong nhiều lý do khiến ông phải rời khỏi chiếc ghế nóng cũng trong năm đó. Hay năm 2010, Tony Hayward, khi đó là CEO hãng dầu Anh BP, đã thốt lên: “Tôi muốn có lại cuộc sống của mình ngày trước” sau thảm họa tràn dầu ở Deepwater Horizon. Câu vạ miệng này là một lý do khiến ông phải rời khỏi BP. Lloyd Blankfein, đứng đầu Goldman Sachs, đã nói đùa vào năm 2009 rằng ngân hàng của ông “đang làm công việc của Chúa”, gây nên sự cố khủng hoảng uy tín tại Nngân hàng, dù sau cùng ông vẫn giữ được chiếc ghế nóng.
Rõ ràng, những câu vạ miệng khiến chính chủ khốn đốn không ít. Trước rủi ro này, một số CEO áp dụng chính sách minh bạch triệt để. John Cryan, điều hành Deutsche Bank từ năm 2015 đến tháng 4.2018, thích thoải mái nói về việc ngân hàng Đức này... tồi tệ như thế nào. Ban đầu, cách nói chuyện này rất mới lạ, nhưng càng ngày càng gây thất vọng.
Thủ thuật ngược lại là tránh xuất hiện trước công chúng. Alphabet, công ty mẹ của Google, từng chơi chiêu giữ im lặng. Không giống Facebook hoặc Twitter, Alphabet không cho các nhà sáng lập hoặc các nhà điều hành cấp cao của Công ty tới dự các phiên điều trần Quốc hội vào tháng 9 liên quan đến việc can thiệp vào bầu cử ở Nga. Vấn đề là việc im hơi lặng tiếng đó có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. “Larry Page đang ở nơi nào rồi?”, Bloomberg Businessweek gần đây đã chất vấn nhà đồng sáng lập Alphabet như thế.
Vậy nên làm như thế nào cho phải? Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tinh thần kỷ luật thép chưa bao giờ nói hớ trước công chúng. Tim Cook của Apple là một ví dụ. Nhưng không phải nhà điều hành nào đều có khả năng kiềm chế giống Tim Cook và không phải doanh nghiệp nào cũng thành công như Apple. Giải pháp thay thế là chọn 1 trong 3 chiến thuật dưới đây.
Một là xây dựng một gương mặt của công chúng như cách những người nổi tiếng hay làm. Sheryl Sandberg, Giám đốc Điều hành (COO) của Facebook, đã xuất bản 2 cuốn sách, kết hợp viết về tiểu sử bản thân, tinh thần tự lực và bí quyết kinh doanh. Điều này đã giúp bà miễn dịch khỏi những rắc rối từ các vụ bê bối của Facebook trong 2 năm qua. Cách làm này cũng được một số nhà điều hành khác áp dụng. Năm ngoái, Satya Nadella, CEO Microsoft, đã xuất bản một cuốn sách mô tả nỗi ám ảnh của ông với môn cricket cùng với những chiêm nghiệm về máy tính lượng tử.
Hai là gắn mình với một sứ mệnh đạo đức có ý nghĩa quan trọng. Nhưng cần lưu ý là bất kỳ ánh hào quang nào cũng có giới hạn của nó. Nhiều năm trời, Paul Polman, CEO Unilever, hùng hồn khẳng định Công ty có sứ mệnh giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới và biểu lộ rõ rằng ông không quan tâm nhiều đến tâm tình của các nhà đầu tư tổ chức. Thế nhưng, đôi lúc tâm tình của nhà đầu tư tổ chức có “sức nặng ngàn cân”. Đầu tháng 10 vừa qua, các nhà đầu tư đã phản đối kế hoạch di dời trụ sở Unilever từ London sang Rotterdam của Polman.
Ba là đưa những sai lầm vạ miệng đó trở thành một phẩm chất chân thật, đáng tin cậy trong tính cách của CEO. Dimon của JPMorgan Chase có bề dày kinh nghiệm trong việc này. Vào năm 2015, ông ví von các khoản phạt pháp lý như là “giẫm phải phân chó”. Năm ngoái ông than vãn về “những thứ vớ vẩn” đang diễn ra trong hệ thống chính trị và cũng gọi Blockchain là “kẻ lừa đảo”. Nhưng cách hành xử của Dimon thực ra rất khéo léo. Sự thẳng thừng này hàm ý ông luôn sẵn sàng chỉ ra “những cái chưa được”, nhưng ông chưa bao giờ lỡ miệng khi nói về lợi nhuận hay tính thanh khoản của ngân hàng mình. Và giá cổ phiếu của JPMorgan đã vượt qua cả diễn biến chung của ngành tới 114% trong 10 năm qua.
Ngô Ngọc Châu / Economist
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư