Khoản đầu tư sinh lời nhất của doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu

Yếu tố cốt lõi để xây dựng thương hiệu tốt là sự say mê, ý thức của doanh nghiệp, trong đó Chính phủ đóng vai trò khuyến khích phát triển chiến lược.

Theo Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis...do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Ngay thời điểm hiện tại, Thái Lan xuất khẩu phở Việt, nước dừa Châu Đốc thu lợi nhuận hàng tỷ USD và được nhiều người (cả người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài) ưa thích trong khi đó là những đặc sản nổi tiếng trong nước.

Mặc dù Chính phủ có nhiều hành động khuyến khích việc phát triển thương hiệu và có hẳn chương trình xúc tiến thương hiệu quốc gia, tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiểu biết hạn chế về thương hiệu. Cụ thể thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam hiện chỉ có 20% doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu.

Khoản đầu tư sinh lời nhất của doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là một khoản đầu tư chứ không phải là chi phí.

Thậm chí ngay cả một số doanh nghiệp lớn khi đã sở hữu những thương hiệu rất lớn nhưng cũng chưa biết chính xác giá trị thương hiệu mình đang sở hữu là bao nhiêu để khai thác và đưa vào hoạt động kinh doanh cho hợp lý.

Theo ông Shanmuga Retnam, Giám đốc điều hành AiCM, Tổ chức Fundacion Metropoli (chuyên tư vấn xây dựng thương hiệu), Việt Nam là một trong số ít quốc gia có những sản vật đặc trưng riêng biệt, nhất là trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Doanh nghiệp Việt có thể dựa vào những khía cạnh độc đáo riêng này để tạo dấu ấn hay xây dựng thương hiệu riêng cho mình.

"Nền móng của xây dựng thương hiệu là từ sự say mê, ý thức của chủ doanh nghiệp. Trước hết chủ doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn phải có quyết tâm muốn xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp thì mới nói đến thương hiệu quốc gia", ông Retnam cho hay.

"Không ai có thể chắc chắn được doanh nghiệp nhỏ ngày hôm nay sẽ không trở thành một doanh nghiệp lớn trong tương lai. Việt Nam có thể học kinh nghiệm của Singapore, Malaysia, thậm chí cả Thái Lan... họ cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng rất có ý thức trong việc đề ra chiến lược bài bản xây dựng nhận dạng thương hiệu của doanh nghiệp, tiến tới là thương hiệu của quốc gia", ông Retnam nhấn mạnh.

Shanmuga Retnam

Ông Shanmuga Retnam, Giám đốc điều hành AiCM.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, xây dựng nhận diện thương hiệu là một khoản đầu tư chứ không phải là chi phí. Đại diện Petrolimex nhận định đây là khoản đầu tư sinh lời nhất trong số các khoản đầu tư của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng một doanh nghiệp lớn nếu không nắm bắt được xu thế phát triển của khoa học và công nghệ, không nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng thì có thể sẽ thành nhỏ, thậm chí phá sản.

Thực tế đã có không ít thương hiệu như Nokia, Kodak... khi đầu tư không đúng hướng, không nắm bắt được các xu thế công nghệ mới đã bị thất bại. Từ vị thế là những thương hiệu rất lớn, nổi tiếng trên thị trường toàn cầu hay khu vực cũng có thể bị phai mờ, hết giá trị.

Theo PGS-TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu và xu thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt. Quá trình mua bán, sáp nhập ngày càng diễn ra phổ biến và có quy mô lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, giá trị và sức mạnh của phát triển thương hiệu, tài sản trí tuệ để giúp cạnh tranh trên thương trường cũng như hội nhập.

Vân Anh
Nguồn VOV