Thị trường xe máy Việt Nam 2018 sẽ đạt mốc khoảng 3,3 triệu xe bán ra
Thay vì bão hòa như dự đoán trước đó của Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam, năm 2018, thị trường xe máy vẫn ở mức tăng trưởng tốt.
Thay vì bão hòa như dự đoán trước đó của Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM), năm 2018, thị trường xe máy vẫn ở mức tăng trưởng tốt. Số liệu cập nhật của VAMM cho thấy 9 tháng của năm 2018, doanh số của 5 thành viên VAMM là 2.452.102 xe, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm 2018, thị trường xe máy Việt Nam sẽ đạt mốc khoảng 3,3 triệu xe bán ra (năm 2017 là 3,27 triệu xe, tăng 4,8%).
Tuy nhiên với 45 triệu xe máy đang được lưu thông trên toàn quốc, chiếm tỉ trọng cao trong các phương tiện giao thông, thật khó mà không nhắc đến ảnh hưởng của các phương tiện này đến môi trường cũng như ách tắc giao thông tại các thành phố lớn. Để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thủ đô, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Ý tưởng tương tự cũng đang được đề xuất áp dụng tại TPHCM.
Thách thức này buộc các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam cũng phải tính tới hướng đi mới theo xu thế thế giới cũng như yêu cầu cấp bách của cuộc sống.
Thực tế cho thấy thị trường xe điện hai bánh (xe máy điện và xe đạp điện) ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo khảo sát của VAMM, năm 2017, tổng lượng xe máy, xe đạp điện được bán ra ở Việt Nam đạt gần 500.000 xe, tăng 30% so với năm 2016. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với các phương tiện giao thông khác, song vẫn còn khá khiêm tốn so với 3 triệu xe máy/năm hiện nay.
Tuy nhiên dường như 5 “ông lớn” sản xuất xe máy tại Việt Nam lại có vẻ bỏ quên hay nói đúng hơn là rất e dè trước thị trường xe điện hết sức tiềm năng, dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai. Tháng 9.2018 Tập đoàn Piaggio (Italia) công bố sản xuất mẫu xe Vespa điện. Và Việt Nam có thể cũng sẽ là thị trường được Tập đoàn này hướng tới phân phối sản phẩm, tuy nhiên mẫu xe này sản xuất tại Italia chứ không phải Việt Nam.
Honda Việt Nam (HVN), liên doanh đang nắm thị phần xe máy lớn nhất tại Việt Nam (trên 70%), chắc chắn không thể bỏ qua “miếng bánh” xe máy điện. Nhưng tháng 4/2018, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này vị đại diện HVN cũng chỉ úp mở: “Chúng tôi đang khảo sát và tính toán”.
Trong lúc các liên doanh đang “tính toán”, có không ít DN trong nước đã mạnh dạn đầu tư sản xuất lắp ráp xe điện. Có thể kể tên một vài doanh nghiệp sản xuất nội địa liên kết với các nhà cung ứng nước ngoài để lắp ráp phân phối sản phẩm tại Việt Nam như Anbico, Pega, DKBike, SYM, KYMCO…
Chẳng hạn, DKBike mới đây đã bắt tay với hai công ty YADEA và AIMA nhằm hướng tới mục tiêu tới năm 2020 đạt trên 30% thị phần xe điện tại thị trường Việt Nam. Hay như PEGA (Hkbike) cũng đã đầu tư 100 tỷ đồng xây nhà máy xe đạp điện tại khu công nghiệp Song Khê, Bắc Giang với mục tiêu cho ra thị trường các mẫu xe điện “made in Vietnam”. Tuy nhiên doanh nghiệp được cho là “đứng đầu” sản xuất xe đạp điện này hiện đang lỗ năm thứ 2 liên tiếp với lượng sản phẩm tiêu thụ thấp.
Rõ ràng, điều khiến các doanh nghiệp phải ‘tính” đó là bài toán giữa giá thành sản phẩm và lượng tiêu thụ. Một hạn chế lớn khác đối với sự phát triển xe điện ở thị trường Việt Nam chính là cơ sở hạ tầng còn yếu kém; công suất xe và trạm sạc pin, tuổi thọ pin… Đây chính là các rào cản lớn nhất cho doanh số bán hàng.
Thái Bình
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư