Bamboo Airways gian nan trên đường cất cánh
Tham vọng kinh doanh hàng không của đại gia Trịnh Văn Quyết vẫn chưa thể thành hiện thực bởi tới nay Bamboo Airways vẫn chưa có được giấy phép bay.
Thành lập hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) từ giữa năm 2017 và tuyên bố mở bán vé vào ngày 2/9, chính thức bay thương mại vào 10/10 nhưng tới nay tham vọng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết vẫn chưa thể cất cánh.
Quyết tâm đưa Bamboo Airways lên bầu trời chỉ trong hơn một năm chuẩn bị, tuy nhiên tập đoàn FLC đăng gặp nhiều khó khăn trong quá trình này.
Rầm rộ mua máy bay, vẫn chưa nhận được giấy phép
Truyền thông quốc tế cùng các nhà phân tích đã không khỏi bất ngờ khi FLC chi 8,6 tỷ USD mua 44 tàu bay các loại từ hai nhà sản xuất là Boeing và Airbus.
Những thương vụ này được Washington Post dẫn lời các chuyên gia quốc tế là "bất thường", "tự tin đến kiêu ngạo" và "đầy rủi ro" khi một hãng hàng không startup chưa thử bay đã ký những hợp đồng lớn.
Ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch của Teal Group, nói với phóng viến rằng "việc khởi đầu với những máy bay nhỏ như các dòng A320 của Airbus là điều hợp lý hơn với các hãng hàng không mới thành lập. Việc đặt mua những máy bay lớn, bay đường dài như Boeing 787 có vẻ như quá vội vàng".
Một chuyên gia hàng không người Việt nhận định với phóng viên rằng rất có thể Bamboo Airways biết rõ tính bất thường và sự mạo hiểm khi mua lượng lớn máy bay, nhưng đây là hành động cần thiết để chứng minh cho cơ quan quản lý thấy quyết tâm làm hàng không của FLC.
“Nếu tôi là nhà quản lý, liệu tôi có tin tưởng cấp phép cho một anh đang làm bất động sản, chưa có kinh nghiệm nào trong ngành hàng không và không có một máy bay nào trong tay không? Chắc chắn là không. Việc FLC mua lượng lớn máy bay dù có vẻ không khôn ngoan về mặt kinh doanh nhưng lại là động thái làm hình ảnh cần thiết với các nhà quản lý”, chuyên gia này chia sẻ.
Chuyên gia này cũng nhận định con số 8,6 tỷ USD trên chỉ là giá niêm yết, chưa bao gồm giảm giá và FLC cũng mới chỉ đặt cọc vài triệu USD.
Trước đó, vị này đã nhận định nhiều khả năng Bamboo Airways đang gặp khó trong việc đưa ra 1.300 tỷ đồng vốn đăng ký để cơ quan chức năng phong toả, dẫn tới chưa thể đủ điều kiện cấp Giấy phép bay giống trường hợp của Vietstar Airlines trước đây.
Dù sẵn sàng chi đậm mua máy bay, tới nay, Bamboo Airways vẫn chưa thể có được Giấy phép kinh doanh hàng không (Giấy phép bay). Điều này khiến hãng nhiều lần thất hẹn với khách hàng.
Cụ thể, hãng từng tuyên bố sẽ mở bán vé cho chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/9 nhưng tại thời điểm đó, trang chủ của Bamboo Airways còn chưa có chức năng bán vé và sau ngày 2/9, chưa có hành khách nào mua được vé máy bay của hãng.
Tới ngày 8/10, khi chỉ còn cách thời điểm tuyên bố chính thức bay thương mại 2 ngày, Bamboo Airways lại một lần nữa lỡ hẹn và cho biết lịch bay thương mại không diễn ra vào 10/10 như dự kiến mà lùi xuống cuối quý IV/2018.
Nguyên nhân mà hãng đưa ra đã được giới quan sát dự đoán từ trước, tới ngày 8/10, Bamboo Airways của ông Quyết vẫn chưa có Giấy phép bay.
Ảnh hưởng tới cổ phiếu FLC
Dù chưa chính thức khai thác thương mại, những diễn biến xoay quanh Bamboo Airways đã phần nào ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của công ty mẹ, tập đoàn FLC, kể từ thời điểm công bố dự án hàng không Tre Việt.
Cụ thể, ngày 14/11/2017, khi tập đoàn FLC tuyên bố chính thức xin cấp phép bay cho Bamboo Airways, giá cổ phiếu của doanh nghiệp ngay lập tức giảm sốc.
Xu thế tương tự diễn ra vào ngày 7/3 và 26/6 khi FLC công bố ký hai hợp động mua máy bay lớn tổng trị giá 8,6 tỷ USD với Airbus và Boeing, giá cổ phiếu của FLC lại giảm sốc.
Khi Bamboo Airways đưa ra thông cáo về việc không thể cất cánh vào ngày 10/10 như dự kiến, xu thế trên lại diễn ra, giá cổ phiếu FLC giảm khiến biểu đồ giá gần như đâm thẳng xuống.
Sẽ nhận 3 máy bay cũ vào cuối năm 2018
Do hai hợp đồng mua tổng cộng 44 máy bay mới của Bamboo Airways phải tới năm 2022 mới bàn giao chiếc đầu tiên nên cách duy nhất để hãng tiến hành bay thương mại là thuê máy bay. Đây cũng là phương án được lãnh đạo hãng tuyên bố sẽ theo đuổi.
Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng trước đây một số hãng hàng không ở Việt Nam chết yểu vì họ chỉ bay vài ba chiếc, trong khi đó Bamboo Airways sẽ bay ngay 20 máy bay trong năm 2018.
Theo ông chủ của hãng hàng không còn đang chờ giấy phép này, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng 20 máy bay về Việt Nam, cả thuê khô (chỉ thuê máy bay) và thuê ướt (thuê máy bay bao gồm dịch vụ đi kèm).
Tuy nhiên, tới nay theo ghi nhận, Bamboo Airways mới chỉ xin đăng ký cho 3 chiếc máy bay đi thuê là một chiếc Airbus A319 và hai chiếc Airbus 320 mà hãng dự định thuê từ Công ty cho thuê tàu bay WWTAI AirOpco II DAC.
Hãng cho biết dự kiến tiếp nhận hai máy bay là A319, A320 vào tháng 11/2018 và một chiếc A320 vào tháng 1/2019.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, cả ba chiếc máy bay mà Bamboo Airways chuẩn bị thuê đều khá cũ với tuổi đời trung bình khoảng 12 năm. Theo số liệu của Air Fleets, chiếc A319 MSN 2568 mà Bamboo Airways sắp thuê đang được Silk Air của Singapore biên chế trong đội bay và đã 13 năm tuổi.
Trong khi đó, 2 chiếc A320 mang mã số MSN 2934 và 3010 đều đang trong biên chế đội bay của Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ và đều đã gần 12 năm tuổi.
Phóng viên đã liên hệ đại diện của Bamboo Airways về tiến độ thuê máy bay cũng như tiến triển trong quá trình xin Giấy phép bay nhưng chưa nhận được phản hồi từ doanh nghiệp.
Chưa thuộc nhóm được xem xét cấp quyền bay
Ngày 25/10, hãng bay của tập đoàn FLC đã có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam xin cấp quyền vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa.
Tuy nhiên, phúc đáp công văn của Bamboo Airways mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hãng chưa được cấp Giấy phép bay.
“Theo quy định của Luật Hàng không Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, Bamboo Airways chưa phải là doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam nên không thuộc đối tượng để xem xét cấp quyền vận chuyển hàng không”, Cục Hàng không nhận định.
Cũng theo Cục Hàng không, sau khi Bamboo Airway được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng phải bổ sung báo cáo cụ thể về tính khả thi của kế hoạch khai thác từng đường bay xin cấp quyền.
Vẫn còn thời gian để Bamboo Airways biến tuyên bố bay ngay trong năm 2018 thành hiện thực. Muốn vậy, hãng sẽ phải vượt qua khó khăn lớn nhất tại thời điểm này, đó là có được Giấy phép bay từ cơ quan chức năng.
Ngô Minh
Nguồn Zing News