Habeco: Chi phí quảng cáo ăn vào lãi

Nguyên nhân chính là do Habeco chi quảng cáo gần 2 tỉ đồng mỗi ngày, khiến lãi ròng Habeco giảm 40% trong quý III.

Chi phí thay đổi trong quý III

Theo đó, kết quả quý vừa qua kéo lợi nhuận 9 tháng của Habeco giảm 18%, thực hiện 63% kế hoạch năm. Trong Báo cáo Tài chính hợp nhất quý III, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN, Habeco) ghi nhận doanh thu thuần 2.440 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn hàng bán thấp hơn 16%, khiến lợi nhuận gộp giảm 23% xuống 613,6 tỉ đồng. Hoạt động tài chính không nhiều thay đổi với doanh thu giảm nhẹ còn 34 tỉ đồng, trong khi chi phí giảm từ 18,6 tỉ xuống 10 tỉ đồng. Chi phí bán hàng tăng 3% lên 312 tỉ đồng, trong đó chi phí quảng cáo, khuyến mãi tăng 60% lên 167,5 tỉ đồng, tương đương mỗi ngày Habeco chi 1,8 tỉ đồng cho quảng cáo.

Mặt khác chi phí quản lý giảm 18% xuống gần 92,8 tỉ đồng. Kết thúc quý III, Habeco lãi ròng gần 180 tỉ đồng, giảm 40% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Habeco có doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 6.778 tỉ đồng và 511,7 tỉ đồng, lần lượt giảm 6% và 18% so với cùng kỳ 2017. Công ty thực hiện 76% kế hoạch doanh thu và 63% chỉ tiêu lợi nhuận.

Habeco: Chi phí quảng cáo ăn vào lãi

Tổng tài sản Sabeco giảm 4% sau 3 quý xuống 9.210 tỉ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 58%, chủ yếu là tiền, tương đương tiền và tiền gửi 3.503 tỉ đồng.

Công ty đang nợ thuê tài chính 682 tỉ đồng, với 53% vay ngắn hạn. Đến cuối tháng 9, BHN có 725,5 tỉ đồng lãi sau thuế chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển gần 1.216 tỉ đồng.

Số phận của người khổng lồ phía sau

Là những cái tên nổi tiếng trong thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam, Habeco nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa.

Năm 2008, Habeco tiến hành cổ phần hóa và Carlsberg được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược nắm giữ hơn 17% cổ phần. Việc có một "đại gia" ngành bia trên Thế giới trở thành cổ đông lớn khi đó được kỳ vọng là bàn đạp cho Habeco thăng hoa nhờ tận dụng được kinh nghiệm quản trị, thị trường cũng như công nghệ từ Carlsberg.

Những năm đầu, kết quả kinh doanh Habeco cũng được cải thiện với đỉnh cao là năm 2014 với lợi nhuận 1.100 tỉ đồng. Tuy vậy, so với các đối thủ cạnh tranh như Sabeco hay các doanh nghiệp ngoại như Heineken, ABInBev…thì dường như Habeco đang chậm hơn rất nhiều, điều này có thể thấy rõ qua doanh thu, thị phần ngày càng giảm sút.

Habeco: Chi phí quảng cáo ăn vào lãiTrong 3 năm gần nhất, doanh thu Habeco chỉ đi ngang quanh ngưỡng 9.800 tỉ đồng, trong khi đó lợi nhuận đã sụt giảm mạnh, thậm chí năm 2017 chỉ còn 657 tỉ đồng. Về thị phần tính theo sản lượng tiêu thụ cũng giảm từ khoảng 20% năm 2015 xuống còn hơn 16% trong năm 2017.

Ngay miền Bắc, Habeco cũng đang mất dần lợi thế vào tay đối thủ, thậm chí là Sabeco, doanh nghiệp vốn có thế mạnh trong miền nam nhưng hiện đã chiếm khoảng 10% thị phần miền bắc.

Theo số liệu năm 2017, Sabeco đang giữ vững vị trí quán quân với thị phần khoảng 45%, Heineken xếp tiếp theo với thị phần khoảng 25%. Không những vậy, các tên tuổi như như Carlsberg, ABInbev, Sapporo…ngày càng gia tăng thị phần mạnh mẽ khiến áp lực đè nặng lên Habeco.

Lợi nhuận Halico vẫn trên đà "lao dốc" kể từ năm 2010 và không có sự tiến triển, ngoại trừ năm 2012 tăng vọt lên 276 tỉ đồng phần lớn đến từ khoản tiền đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc, Hà Nội sang Bắc Ninh. Trong năm 2017, Halico lỗ hơn 84 tỉ đồng và lỗ lũy kế hiện gần 255 tỉ đồng. Trong 2 năm tiếp theo là 2019 và 2019, Halico vẫn dự kiến lỗ với số lỗ lần lượt khoảng 58 tỉ đồng và 53 tỉ đồng.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư