Nở rộ dịch vụ trung gian thanh toán

Các loại ví điện tử xuất hiện ngày càng nhiều kèm theo các chương trình khuyến mãi giúp người dùng tiện lợi hơn trong khâu thanh toán, nhưng việc lựa chọn loại ví phù hợp cũng khiến nhiều người bối rối.

Đua nhau thu hút người dùng

Thực tế, thị trường ví điện tử ngày càng sôi động hơn khi nhiều ví điện tử đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, kể cả những ví điện tử có mặt đã khá lâu như MoMo hay những “tân binh” như Zalopay. Theo đó, người dùng được tặng từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng cho các tài khoản liên kết với tài khoản ngân hàng, rồi mua sắm trên các kênh bán hàng có liên kết với ví, chẳng hạn như trang thương mại điện tử Tiki, hay các rạp chiếu phim như CGV, Galaxy.

Theo báo cáo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 27 công ty không phải là ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đa số được cấp phép từ năm 2017. Một số ví điện tử đã phổ biến như Vimo, Bảo Kim, Bankplus, Payoo, nhưng cũng có những cái tên mới như Monpay, VIMASS.

Nở rộ dịch vụ trung gian thanh toán

Các tập đoàn quốc tế cũng bắt đầu để ý đến mảng thanh toán dịch vụ của thị trường Việt Nam. Chẳng hạn như hai nền tảng thanh toán lớn của Trung Quốc là Alipay đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong khi đó WechatPay bắt tay với ví Vimo của Nextech (Việt Nam) để hỗ trợ du khách Trung Quốc mua hàng Việt.

Tiềm năng của thị trường thanh toán tại Việt Nam khá lớn, dẫn đến các công ty nước ngoài cũng phải tự xây dựng riêng công cụ thanh toán cho chính mình. Chẳng hạn như ứng dụng SamsungPay trên một số dòng điện thoại Samsung giúp người dùng “quẹt” điện thoại tại các điểm bán (POS) để thanh toán dịch vụ, thay vì quẹt thẻ ngân hàng như trước đây. Còn Grab hợp tác với ví điện tử Moca, cũng yêu cầu khách hàng liên kết tài khoản ngân hàng để được hưởng các chương trình khuyến mãi, thay vì nạp tiền qua trung gian thanh toán khác.

Thanh toán mọi nơi

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng các giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam ước khoảng 6,14 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, tăng 22% so với năm trước đó. Con số này dự kiến tăng lên gấp đôi trong năm năm tới. Xu hướng dùng điện thoại thông minh để thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống trở nên phổ biến.

Trước đây, ở giai đoạn đầu ra mắt, ví điện tử MoMo định hướng trở thành trung gian giúp chuyển tiền giữa người dùng với nhau, đặc biệt là người lao động gửi tiền về quê. Tuy nhiên, MoMo ngày nay lại muốn trở thành trung gian thanh toán cho mọi loại hình dịch vụ.

Ví điện tử là mô hình được thử nghiệm từ năm 2009, được cơ quan quản lý cấp phép chính thức từ năm 2015.

Đơn vị quản lý của ví không cần phải là những tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính. Tuy nhiên, để tiêu tiền ở ví điện tử, người dùng buộc phải kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản ví, sau đó mới chuyển tiền về ví để dùng.

Theo thời gian, nhiều loại hình dịch vụ được cộng gộp thêm khi các ví điện tử tăng cường liên kết với các điểm bán. Người dùng ví điện tử trước đây chỉ có thể nạp tiền điện thoại, chuyển tiền giữa các ví, nay có thể dùng cho rất nhiều loại hoạt động khác nhau như mua vé xem phim, thanh toán các dịch vụ tài chính (vay tiêu dùng, bảo hiểm), mua vé tàu xe, hoặc thanh toán hóa đơn như điện nước, viễn thông, truyền hình, Internet. Khách hàng thích ăn uống, đặc biệt là giới trẻ, có nhiều cơ hội sử dụng ví hơn vì rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, trà sữa cho phép thanh toán bằng ví điện tử.

Bên cạnh việc thanh toán trực tuyến qua ứng dụng điện thoại, người dùng cũng có thể thanh toán qua kênh “offline” với các loại hóa đơn tại các điểm bán như siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện lợi. Trong khi MoMo tập trung kết nối với nhiều điểm mua sắm, giải trí trực tuyến thì ví điện tử Payoo được xem là đơn vị tiên phong kết nối cho các hoạt động thanh toán hóa đơn từ năm 2011.

Trong tương lai, ví điện tử cũng sẽ mở rộng nhiều hình thức dịch vụ khác nhau để hút khách hàng. Chẳng hạn như khách vay tiền từ công ty tài chính Home Credit có thể nhận được tiền giải ngân vào ví điện tử MoMo, thay vì tiền mặt.

Nở rộ dịch vụ trung gian thanh toán

Trên thực tế, ngân hàng vẫn cung cấp các dịch vụ thanh toán này song song với các ví điện tử. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dùng ví điện tử hơn vì nhanh và gọn, ít các bước thao tác so với các loại hình thức thanh toán khác qua Internet banking (ngân hàng trực tuyến) hay mobile banking (ứng dụng ngân hàng trên điện thoại) mà các ngân hàng cung cấp.

Tuy nhiên, việc thanh toán hóa đơn thì ngân hàng hiện vẫn đang cung cấp, thậm chí có dịch vụ tự động trích tiền tài khoản thanh toán để trả các hóa đơn, giúp chủ tài khoản thuận tiện hơn. Đây là lý do các ví điện tử tăng cường kết nối thêm nhiều dịch vụ khác để hút khách.

Theo các chuyên gia, các nhà băng chưa tiếp cận phân khúc này vì chi phí kết nối các dịch vụ cao hơn. Thay vào đó, đa phần các ngân hàng chọn cách bắt tay với ví điện tử để giúp người dùng hưởng lợi chung.

Dù vậy, áp lực cạnh tranh từ phía ngân hàng đối với ví điện tử ngày càng lớn. Một số ngân hàng tiến vào mảnh đất thanh toán dành cho giới trẻ, chẳng hạn như VPBank với ứng dụng YOLO, hay Ví Việt của LiênViệt Post Bank.

Danh sách các tổ chức được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

  • Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS)
  • Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY)
  • Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_SERVICE)
  • Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Việt Úc (BANKPAY)
  • Công ty CP Dịch vụ Thương mại Việt Nam Trực tuyến (Vietnam Online)
  • Công ty CP dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIET UNION)
  • Công ty CP Phát triển thể thao điển tử Việt Nam (VIETNAM ESPORTS)
  • Công ty CP giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn Thông (ECPay)
  • Công ty TNHH ZION (ZION)
  • Công ty CP thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY)
  • Công ty CP hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (MobiVi)
  • Công ty CP thương mại điện tử Bảo Kim (BAOKIM)
  • Công ty CP công nghệ Vi mô (VIMO)
  • Tổng công ty truuyền thông đa phương tiện – Công ty TNHH 1 TV (VTC)
  • Công ty CP công nghệ và dịch vụ MoCa (MOCA)
  • Công ty TNHH Ví FPT (FPT)
  • Công ty CP dịch vụ thương mại và công nghệ M-PAY (M-PAY)
  • Công ty CP thương mại và dịch vụ trực tuyến ONEPAY (ONEPAY)
  • Công ty TNHH Dịch Vụ Thanh Toán WEPAY (WEPAY)
  • Công ty CP Ngân lượng (NGANLUONG)
  • Công ty TNHH Đầu tư và phát triển An ninh công nghệ cao (AN CNC)
  • Công ty CP 1Pay (1PAY)
  • Tổng Công ty Truyền thông (VNPT – Media)
  • Công ty CP People Care (PEOPLE CARE)
  • Tập Đoàn Viễn thông Quân Đội (VIETTEL)
  • Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và chuyển giao công nghệ Vina (VINATTI)
  • Công ty TNHH dịch vụ Nền di động Việt Nam (VIMASS)

*Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Dũng Nguyễn
Nguồn The Saigon Times