Nhìn xa hơn từ cuộc “hôn nhân” Grab và Moca
Các doanh nghiệp nước ngoài lớn có nhiều cách thâm nhập thị trường Việt Nam dưới các hình thức khác nhau. Cuộc “hôn nhân” mới đây của Grab với Moca để thực hiện thanh toán điện tử trong lĩnh vực vận tải cũng có xuất phát điểm như vậy.
“Cú nhấn ga” trên thị trường thanh toán điện tử
Vụ việc Grab bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) điều tra chính thức về hành vi tập trung kinh tế sau cuộc sáp nhập với Uber ở Việt Nam và Đông Nam Á hiện chưa có kết luận cuối cùng vì vẫn trong thời gian điều tra như luật định. Tuy nhiên, vụ việc này dường như không ảnh hưởng gì nhiều đến việc phát triển kinh doanh của Grab tại thị trường Việt Nam. Bằng chứng là để mở rộng và đa dạng hóa kinh doanh, Grab đã liên kết với Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca để triển khai hình thức thanh toán GrabPay by Moca. Do quy định không cho phép nạp tiền trực tiếp từ thẻ tín dụng quốc tế nên Grab đóng ứng dụng GrabPay trước đây lại và yêu cầu những khách hàng không dùng tiền mặt có thể kích hoạt trực tiếp thanh toán trên ứng dụng Grab qua Moca mà không cần tải ứng dụng Moca.
Cụ thể là qua ví điện tử Moca và dịch vụ cổng thanh toán của Moca, khách hàng có thể chuyền tiền ứng trước cho Grab bằng các thẻ ATM của bảy ngân hàng lớn và thẻ ghi nợ quốc tế do Vietcombank phát hành. Trong thời gian tới, việc liên kết giữa Grab-Moca và hệ thống các ngân hàng qua hình thức thanh toán này sẽ còn nhân rộng hơn nữa.
Tất nhiên không muốn sử dụng GrabPay by Moca, khách hàng của Grab vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng quốc tế của tất cả các ngân hàng. Song, do trước đây hình thức thanh toán GrabPay được nhiều ưu đãi, giá cước rẻ hơn các hình thức thanh toán còn lại nên lượng khách hàng sử dụng GrabPay chuyển sang GrabPay by Moca nhiều khả năng là rất lớn vì Grab cho phép chuyển đổi (hoặc hoàn tiền nếu người sử dụng dịch vụ không có nhu cầu nữa). Việc chuyển đổi này dự tính hoàn tất trong tháng 10 nên trong quá trình chuyển đổi, các khách hàng của GrabPay cũng kêu ca rất nhiều về sự bất tiện và trục trặc, dẫn đến việc hôm 27-10, Grab phải lên tiếng trên Facebook, xin lỗi về sự bất tiện cũng như đảm bảo quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
Cuộc liên kết của Grab với Moca không vi phạm luật và đến nay đang có lợi cho cả hai bên. Grab là hãng công nghệ mạnh trong ứng dụng gọi xe quốc tế và việc “mua đứt” Uber tại thị trường Đông Nam Á là câu trả lời về sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, Moca cũng như các công ty FinTech trong nước lại có những lợi thế mà Grab thèm muốn, như được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thực hiện dịch vụ thanh toán điện tử. Hiện Moca có hàng loạt đối tác ngân hàng tên tuổi như Vietcombank, ACB, VP Bank... với khoảng 4.000 điểm chấp nhận thanh toán, chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng, giao thông vận tải, giáo dục, nhà hàng, thời trang...
Song, vấn đề là ngay trong cuộc gặp báo giới hồi tháng 9 vừa qua để thông báo về sự liên kết, hãng cũng tuyên bố sẽ triển khai các dịch vụ thanh toán với người tiêu dùng cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại các điểm bán lẻ. Sau đó là dịch vụ Grab Financial hướng đến cho vay tiêu dùng, cho vay đối với những doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa... Tất cả đều dựa trên nền tảng hạ tầng hệ sinh thái của Grab, thông qua Moca.
Như vậy, cũng như các công ty FinTech nước ngoài khác, Grab bước chân vào thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam mà không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Và với tham vọng như đã nói, Grab sẽ bước chân ra ngoài lĩnh vực thanh toán chỉ áp dụng trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe mà trở thành doanh nghiệp có nền tảng siêu ứng dụng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam.
Để quản lý thêm một lần không “việt vị”
Cuộc bắt tay của Grab với Moca trên thị trường sẽ ngày một nhiều hơn, lớn hơn và phức tạp hơn. Câu hỏi đặt ra là hiện Grab không mua lại toàn bộ Moca và Moca cũng chưa phải là công ty FinTech có thị phần lớn trên thị trường thanh toán điện tử thì đâu có vi phạm Luật Cạnh tranh như trường hợp “tập trung kinh tế” mà Grab đang bị điều tra sau cuộc sáp nhập với Uber?
Đúng là xét ở góc độ liên kết thì cuộc kết hợp này không có vấn đề gì. Song Grab, như khẳng định của Bộ Công Thương trong kết luận điều tra sơ bộ về việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber hồi tháng 5, thì sau sáp nhập giữa Grab và Uber có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50% nên tiếp tục bị điều tra chính thức.
Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Grab hiện là doanh nghiệp thống lĩnh trên thị trường. Mà theo quy định tại điều 26 của Luật Cạnh tranh, Grab nhờ lợi thế về công nghệ và hạ tầng kỹ thuật có khả năng nắm giữ, tiếp cận và kiểm soát thị trường phân phối, dịch vụ ít nhất trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe di động, càng được coi là thống lĩnh thị trường. Sức mạnh này sẽ còn lớn hơn sau khi hãng vừa chính thức công bố đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sử dụng công nghệ điện toán đám mây với Microsoft theo một hợp đồng đầu tư năm năm. Hai bên sẽ phát triển các dự án công nghệ gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhận tạo và các giải pháp di động, đẩy mạng các dịch vụ số tại Đông Nam Á mà Việt Nam là một thị trường trong số này.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ bây giờ, cơ quan quản lý cạnh tranh cần có những động thái chuẩn bị và theo sát các động thái phát triển kinh doanh của Grab trên thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam. Bởi lẽ với những lợi thế không ngừng như thế, hãng hoàn toàn có thể áp dụng những hình thức mang tính lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như đơn phương áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng (chẳng hạn, yêu cầu chuyển đổi sang GrabPay by Moca do hãng chỉ định). Hoặc bằng sức mạnh công nghệ, tài chính trợ cấp cho Moca lớn mạnh để thu lợi trở lại Grab qua việc mở rộng thị phần, và không loại trừ khả năng gây chèn ép các đối thủ khác trên thị trường thanh toán di động trong tương lai như đưa ra các mức giá thanh toán mang tính “phá hủy”.
Đừng để lúc đó, nhà quản lý mới “té ngửa” ra rằng Grab không đơn thuần là một ứng dụng gọi xe.
Ngọc Lan
Nguồn The Saigon Times