Bảo tàng Kem: Tương lai của ngành bán lẻ

Dù bạn thích hay không, những bảo tàng mang tính tương tác cũng đang mang lại lợi nhuận vô cùng ấn tượng, như bảo tàng độc đáo này – một điểm đến đang thu hút khách hàng ở San Francisco, Mỹ.

Sự xuất hiện của Bảo tàng Kem ở San Francisco là một minh chứng cho trào lưu kinh doanh kết hợp mua sắm với giải trí. Không giống tên gọi “bảo tàng”, đây được xem như một điểm giải trí không giới hạn tuổi tác, khách tham quan có thể cưỡi lên một chiếc bánh sandwich kem, bơi trong bể kẹo hạt hoặc chơi bập bênh trên những muỗng kem khổng lồ. Dù chưa từng đặt chân vào, qua các kênh thông tin và mạng xã hội, người ta vẫn có thể biết khá tường tận bài trí bên trong bảo tàng và quan trọng hơn: vé vào Bảo tàng Kem luôn mau chóng bán hết sạch. Thành công này chính là nhờ sự lan tỏa của những ngôi sao nổi tiếng như David Beckham hay Beyoncé từng đến đây chụp ảnh và chia sẻ lên Instagram, cuốn theo hàng ngàn người khác cũng đến đây chỉ với mong muốn chụp ảnh và chia sẻ lên một trong những mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Bảo tàng Kem: Tương lai của ngành bán lẻ

Những người đam mê kem chờ đợi trước khi mở hàng tại cửa hàng Pint Shop Museum of Ice Cream.

Trong số hàng loạt bảo tàng dạng này đang liên tục xuất hiện, có thể kể đến Rosé Mansion, mở cửa ngày 12-7-2018 tại New York để “tôn vinh” những thức uống màu hồng, với kiểu sắp đặt các phòng tắm đầy cánh hoa hồng và trang trí nội thất mô phỏng bọt bong bóng trong các chai sâm-banh. Hay như Bảo tàng Candytopia cũng tại New York đã tái hiện một cánh đồng kẹo như trong cổ tích, với những viên kẹo xốp Marshmallow kết hợp các loại kẹo có thể ăn được cho người tham quan thưởng thức.

Phần lớn những cuộc tranh luận nổ ra quanh những bảo tàng này chủ yếu là do cách đặt tên. Người ta đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là tổ chức có giá trị văn hóa hay không? Hay như Jason Farago, biên tập viên của tạp chí nghệ thuật đương đại Even đã gọi Bảo tàng Kem là “ngôi nhà vui vẻ được tối ưu hóa bởi Instagram”. Trong khi đó, Manish Vora, đồng sáng lập của Bảo tàng Kem phản đối ý kiến trên, cho rằng đây chính là một hình thức bán lẻ mới và sẽ nối gót các doanh nghiệp như Warby Parker(*). Tạp chí Harvard Business Review đã đặt ra thuật ngữ “kinh tế trải nghiệm” vào cuối những năm 1990 nhưng khái niệm này chỉ mới được chấp nhận gần đây. “Cả những công ty mới xuất hiện và công ty lâu đời đều đang gia tăng tính trải nghiệm vào các hoạt động kinh doanh của họ”, Warren Teichner, một đối tác cao cấp của McKinsey & Co. cho biết. James Cook, Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Công ty quản lý đầu tư JLL còn nhìn thấy cả tiềm năng lâu dài: “Giải trí sẽ là mỏ neo mới cho các doanh nghiệp. Nó sẽ giúp cho khách hàng kéo tới các trung tâm mua sắm nhiều hơn trong tương lai”.

Bảo tàng Kem: Tương lai của ngành bán lẻ

Công thức trên đã mang lại sự thành công thần kỳ cho Bảo tàng Kem kể từ khi nó xuất hiện lần đầu vào năm 2016 tại hạt Meatpacking của khu Manhattan, New York. Tính đến nay, Bảo tàng Kem thu hút hơn 1 triệu du khách tham quan ở tất cả các chi nhánh với vé vào cửa 38 USD, đồng thời nó còn nhận được sự tài trợ của Dove Chocolate, American Express Co. và một số nhãn hàng khác.

Bảo tàng Kem: Tương lai của ngành bán lẻ

Rosé Mansion thu hút 500-700 khách mỗi ngày với giá vé 45 USD; tại đây còn có câu lạc bộ rượu vang hoa hồng với chương trình ưu đãi được tính toán kỹ. Dream Machine, ra mắt ở Brooklyn, cho đến ngày 9-9 đã bán được 2 triệu vé kể từ khi mở cửa vào tháng 4-2018. Một chiếc vé xem phim với giá 28 USD sẽ đưa người xem vào một giấc mơ siêu thực, khiến họ cảm thấy như thể đang ở dưới đáy của một hồ bơi khổng lồ. Các mô hình kinh doanh kiểu này đang ngày càng nở rộ. Gần đây nhất, một bảo tàng pizza được thành lập vào tháng 10-2018. Theo Manish Vora, sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh với Bảo tàng Kem cho thấy tiềm năng to lớn của mô hình kinh doanh này. Ông dự định sẽ thiết lập các điểm đến mới vào năm 2019 tại New York và Los Angeles cùng một điểm đến có tầm quốc tế ở châu Á. Ông cũng lên kế hoạch cho các dự án tiếp theo, có thể hoặc không theo chủ đề là món kem: “Chúng tôi đam mê kem nhưng nó sẽ chỉ là một đoạn phim nhượng quyền trong tương lai của đế chế giải trí Disney”.

Chú thích:
(*) Warby Parker là một thương hiệu Mỹ chuyên bán các sản phẩm kính mắt theo đơn và kính râm thời trang cả online lẫn offline. Khởi đầu từ mô hình thương mại điện tử, Warby Parker đã mau chóng mở các cửa hàng offline trên khắp nước Mỹ. Warby Parker đã làm thay đổi ngành công nghiệp kính mắt khi loại bỏ các trung gian bán lẻ, đưa ra giá cả cạnh tranh, sản phẩm chất lượng tốt và bắt kịp xu hướng thời trang, thu hút người tiêu dùng

Tuệ Anh
Nguồn Doanh Nhân+