Đối thủ ngầm của các hãng hàng không truyền thống

Trong khi các hãng hàng không đang mải mê "chĩa mũi kiếm" vào nhau, các công ty công nghệ đang lặng thầm bước chân vào thị trường, hứa hẹn đáp ứng mọi nhu cầu và giải quyết rủi ro cho khách hàng.

"Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi", trong thương trường, các tình huống ứng như câu thành ngữ này diễn ra khá thường xuyên.

Hai công ty máy ảnh Kodak và Fuji từng mải mê tranh giành thị trường máy ảnh cơ, và những chiếc máy ảnh kĩ thuật số ra đời, lẳng lặng nuốt trọn thị trường. Tương tự, Motorola và Nokia đã "quyết tử" trong trận chiến sản xuất điện thoại nắp gập, để rồi thị trường cuối cùng về tay điện thoại thông minh.

Ngành hàng không hiện đang rơi vào tình huống tương tự: Các công ty hàng không cứ mải chĩa mũi kiếm vào nhau, trong khi các công ty công nghệ đang thầm lặng phát triển và thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng.

Những động thái gần đây của các công ty như Google, Amazon và Uber đã chỉ ra cách thức những gã khổng lồ công nghệ đang nhào nặn lại thị trường hàng không. Chiến lược của họ rất đơn giản: trong khi các công ty hàng không cố gắng độc chiếm thông tin, các công ty công nghệ lại mang chúng trao tận tay khách hàng. Bằng cách này, họ đang dần tiến sâu hơn vào lãnh địa của các công ty hàng không, trong khi chủ nhân không hề hay biết.

Đối thủ ngầm của các hãng hàng không truyền thống

Ngành hàng không nay không còn là chiến trường của chỉ riêng các hãng bay. Ảnh: Gzhshoulu.

Các hãng máy bay giá rẻ thường cố hạ thấp giá sản phẩm bằng mọi giá, chẳng hạn như không tính thuế phí vào trong giá vé và đưa ra rất nhiều điều khoản quy định nghiêm ngặt cho việc đổi và hủy vé. Trong khi đó, những khách hàng đặt mua các chuyến bay từ các hãng cao cấp hơn lại không phải chịu những rủi ro trên.

Đối với những nhà kinh tế học, đối mặt những bất tiện để đổi lại chi phí thấp hơn là điều hoàn toàn hợp lẽ, nhưng khách hàng lại nghĩ khác. Điều này đồng nghĩa họ phải dày công nghiên cứu thị trường và hứng chịu rủi ro giá vé thay đổi trước khi kịp chọn chỗ ngồi trên chuyến bay.

Các công ty công nghệ đã vào cuộc, xóa tan những bất tiện trên.

Chỉ cần vào ứng dụng Google Flight, khách hàng có thể tiếp cận được lịch bay, giá vé thực và những hạn chế về hành lí và các quy định của chuyến bay. Tất cả mọi thông tin nay hiện lên rõ ràng trước mắt khách hàng. Vậy Google được gì từ việc trao đi những thông tin này? Dựa trên những gì khách hàng tìm kiếm và truy cập, hãng có thể thu thập được dữ liệu phong phú hơn về nhu cầu của "thượng đế", từ đó xây dựng được các quảng cáo mục tiêu chính xác hiệu quả mà ít tốn kém hơn.

Cùng lúc đó, Google bắt đầu dự đoán những chuyến bay bị hoãn bằng cách phân tích dữ liệu trong quá khứ, tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Một khi các thuật toán đạt được 80% độ tin cậy, hãng sẽ chia sẻ các dự đoán này trên ứng dụng Google Flight.

Các công ty công nghệ khi bước chân vào ngành hàng không không màng tới thị phần hay che giấu những đột phá họ có thể đem lại, họ chỉ quan tâm tới việc các giải pháp di chuyển của mình có thỏa mãn được khách hàng hay không.

Động thái này đã làm xáo động ngành hàng không. Thứ nhất, hệ thống công nghệ thông tin bắt đầu được tận dụng để dự đoán, chứ không còn là phản ánh, hoạt động của con người. Thứ hai, Google sẵn sàng chia sẻ thông tin mình có cho khách hàng, dẫu mức độ chính xác không phải là 100%. Các chuyến bay trì hoãn chính là minh chứng cho sự thiếu minh bạch và độc đoán của các hãng bay. Thay đổi Google mang lại đã củng cố thêm cái nhìn tiêu cực của khách hàng về dịch vụ khách hàng của các công ty hàng không, dù công bằng mà nói, họ luôn cố gắng cải thiện chất lượng theo thời gian.

Uber cũng đang nỗ lực thực hiện điều tương tự. Hơn một năm trước, công ty công bố bản cáo bạch về kế hoạch xây dựng hệ thống taxi trên không chạy bằng điện ở những thành phố nhức nhối với nạn kẹt xe như Los Angeles và Sao Paolo. Các công ty hàng không ắt cho rằng đây là một kế hoạch không tưởng, bản thân Uber cũng tự xác nhận họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều hạn chế để biến bản cáo bạch thành hiện thực. Tuy vậy, động thái này của Uber một lần nữa nhấn mạnh những gì khách hàng chưa được thỏa mãn, và nhiệm vụ của các doanh nghiệp là phải nghĩ ra phương thức, dù là táo bạo nhất, để giải quyết chúng.

Uber đe dọa ngành hàng không vì một điểm tương tự Google: hãng mong muốn được kết nối khách hàng với các phương tiện giao thông một cách hiệu quả hơn, bằng cách sử dụng thông tin khách hàng để cải thiện chất lượng và sự chính xác của dịch vụ. Nói cách khác, Uber đang đưa mình vào khoảng trống giữa khách hàng và các hãng hàng không và biến ngành hàng không thành mảnh đất thứ hai của mình sau dịch vụ taxi.

Hãng đang dần thực sự biến kế hoạch của mình thành hiện thực. Năm ngoái, Uber hợp tác cùng hãng hàng không châu Âu Transavia và cho ra mắt UberESCAPE, trong đó khách hàng có thể đặt vé máy bay đơn giản như đặt một chuyến taxi của Uber. Đánh hơi được mối nguy, các hãng hàng không sáng suốt khác bắt đầu hợp tác với Uber để đưa khách hàng ra sân bay. Nhưng rất có thể Uber sẽ nhân cơ hội đó xâm lấn dần vào thị trường hàng không.

Đối thủ ngầm của các hãng hàng không truyền thống

Có thể Uber sẽ xâm lấn dần vào thị trường hàng không. Ảnh: Uber.

Về phần mình, Amazon bắt đầu nhanh chóng bành trướng các hoạt động vận chuyển, minh chứng là việc thuê 40 chiếc Boeing 767 để phục vụ việc giao hàng. Hãng cũng đã cam kết đầu tư 1,49 tỉ đô la Mỹ để xây dựng một trung tâm hàng hóa hàng không lớn ở sân bay Cincinnati. Tuy nhiên, đây có thể không phải là mối đe dọa lớn với bộ ba ông lớn của ngành hàng không Mỹ là American Airlines, Delta Airlines và United Airlines, bởi trong quá khứ, Amazon thường xây dựng các nền tảng mình cần rồi bán đi cho bên thứ ba.

Như vậy có hai điều đang làm nên sức mạnh của các công ty công nghệ trong ngành hàng không. Thứ nhất, họ chấp nhận đưa thông tin sản phẩm rõ ràng, theo đúng thời gian thật cho khách hàng. Thứ hai, họ sẵn lòng "mai mối" khách hàng cho một doanh nghiệp khác, miễn là đáp ứng được nhu cầu di chuyển của khách hàng. Cả hai đều là những điều các hãng hàng không hoàn toàn có thể tận dụng để giữ vững vị thế hiện tại của mình.

Về cơ bản, các công ty công nghệ khi bước chân vào ngành hàng không không màng tới thị phần hay che giấu những đột phá họ có thể đem lại, họ chỉ quan tâm tới việc các giải pháp di chuyển của mình có thỏa mãn được khách hàng hay không. Điều này khiến sức công phá của các công ty này càng mạnh mẽ hơn, mang lại khả năng khuấy đảo thị trường vì họ hiểu khách hàng cần gì hơn ai hết. Ngược lại, các hãng hàng không sẽ cần tập trung nhiều hơn vào khách hàng, nếu họ không muốn bị bỏ lại phía sau bởi những đối thủ có bản chất nhanh nhẹn hơn mình rất nhiều trên đường đua.

Samuel Engel
Nguồn Forbes Vietnam