Thời đổi vai của bán lẻ
Chúng ta đang trải qua thời kỳ đổi vai giữa các doanh nghiệp trưởng thành và các công ty khởi nghiệp trong ngành bán lẻ. Có lẽ đây chính là dấu hiệu chỉ ra thị trường đang dần tiến sang một giai đoạn mới, kể từ sau kỷ nguyên đánh dấu sự ra đời và bành trướng của Internet.
Các “ông lớn” lão làng bắt đầu trẻ hóa bằng việc liên tục đổi mới và không ngần ngại bơm tiền cho những thương vụ mua lại, trong khi đó các startup non trẻ lại bắt đầu nhận ra giá trị của các cửa hàng thực truyền thống và đang nỗ lực đem trải nghiệm sản phẩm "bằng da bằng thịt" đến khách hàng.
"Chúng tôi tiến lên thật nhanh, luôn háo hức với đổi mới và tận hưởng niềm vui", câu nói này phải chăng là tuyên ngôn của một công ty bán lẻ còn non trẻ? Không, đây là lời của Marc Lore, chủ tịch kiêm CEO của gã khổng lồ bán lẻ Walmart.
"Tất cả đều vượt xa mong đợi… Chúng tôi tự hào với một hệ thống cửa hàng lớn đem lại những trải nghiệm tuyệt vời". Liệu đây là lời của một nhà bán lẻ lão làng? Bạn lại sai rồi. Đó là câu nói của Philip Krim, đồng sáng lập và CEO của doanh nghiệp kinh doanh nệm trực tuyến Casper.
Chúng ta đang trải qua thời kỳ đổi vai giữa các doanh nghiệp trưởng thành và các công ty khởi nghiệp trong ngành bán lẻ. Có lẽ đây chính là dấu hiệu chỉ ra thị trường đang dần tiến sang một giai đoạn mới, kể từ sau kỷ nguyên đánh dấu sự ra đời và bành trướng của Internet.
Những doanh nghiệp bán lẻ kỳ cựu như Walmart hay Target nay đang hoán đổi đường lối tư duy trong kinh doanh với các startup khởi nghiệp từ những ga-ra xe nhỏ bé và đạt được những kết quả đáng kinh ngạc.
Gần đây, Walmart thông báo mình đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 4,5% và doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 40%.
Công ty đang đẩy mạnh đưa các sáng tạo đổi mới vào hệ thống kinh doanh, cụ thể là dịch vụ "grocery pickup", cho phép khách hàng mua hàng online, sau đó đến cửa hàng lấy những món đã mua mà không cần đặt chân vào cửa hàng, hay gắn thêm các màn hình cảm ứng ngay trên xe đẩy mua hàng của khách, giúp họ đặt mua online những món hàng đã bán hết tại cửa hàng họ đang mua sắm.
Ngoài ra, Walmart còn đang thực hiện một loạt thay đổi, đơn cử như thiết kế lại website và thực hiện các thương vụ mua lại.
Đối thủ không đội trời chung của Walmart là Target cũng đang đầu tư rất nhiều vào tương lai. Hãng ráo riết tái cấu trúc hàng trăm cửa hàng, đưa ra thêm các cửa hàng quy mô nhỏ và thu mua Shipt, một startup giao hàng tạp hóa, để có thể đem sản phẩm tới tận cửa nhà của khách hàng trong cùng ngày đặt mua.
Target cũng đã đẩy mạnh việc cho ra mắt hơn một chục thương hiệu mới trong năm 2017. Tất cả những nỗ lực trên đã mang lại kết quả đầy khả quan trong quý hai, với doanh thu tăng 6,5%, doanh thu online tăng vọt thêm 41%.
CEO Brian Cornell chia sẻ: "Chúng tôi đang đặt phát triển mảng online lên hàng đầu, đồng thời nỗ lực phát triển các cửa hàng, kênh phân phối online và chuỗi cung ứng, kết nối tất cả thành một hệ thống thông minh đem lại cho khách hàng của Target mọi thứ họ yêu thích."
Trong khi đó, những startup lại đang chọn cho mình lối đi truyền thống. Công ty nghiên cứu JLL đã chỉ ra rằng: "Các doanh nghiệp bán lẻ thương mại điện tử dự tính sẽ xây dựng thêm 850 cửa hàng thực trong năm năm tới".
Trong số đó, Casper sẽ mở 200 cửa hàng trong ba năm tới, nhãn hiệu đồ nội y AdoreMe sẽ khai trương 300 cửa hàng. Còn hãng giày thể thao Allbird, vừa mở cửa một cửa hàng rộng gần 500 mét vuông tại SoHo, sẽ tiếp tục bành trướng hệ thống cửa hàng thực của mình.
Công ty kính Warby Parker, doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng bán hàng online, giờ đây chứng kiến hơn một nửa doanh số của hãng đều đến từ các cửa hàng thực. Tờ Retail Dive nhận định, hầu hết các cửa hàng mới sẽ không phải là những cửa hàng trưng bày, mà cần mang tới trải nghiệm thực tế và khuyến khích khách mua hàng.
Hình thức kết hợp của cả hai nhóm bán lẻ cũng xuất hiện. Cả Macy's và Lowe's, hai đại gia ngành bán lẻ Mỹ, đã cho phép các cửa hàng công nghệ của startup B8ta xuất hiện trong các cửa hàng của mình. Macy's cũng đã đầu tư vào startup này và cùng tạo nên cửa hàng theo chủ đề mang tên "Story".
Như vậy, trong khi các công ty lão làng đề cao tư tưởng, đường lối làm việc, thậm chí hợp tác với các startup, thì các công ty startup lại đang bắt đầu nhận ra giá trị của các cửa hàng thực.
Và rồi những xáo trộn này sẽ tạo nên một bức tranh hoàn toàn mới của ngành bán lẻ, nơi doanh nghiệp không còn bị phân chia như trước mà tất cả sẽ là một thế lực luôn "bị ám ảnh bởi người tiêu dùng" (theo cách nói của Jeff Bezos, ông chủ của "đế chế bán lẻ nghìn tỉ đô" Amazon), cho phép người mua tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ bất kỳ khi nào, bất cứ nơi đâu và bằng mọi cách thức mà họ muốn.
Jon Bird
Nguồn Forbes Vietnam