Hành trình xây dựng “thành tựu trọn đời” của bà Mai Kiều Liên
Trên sân khấu Women’s Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức hôm 18.10, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, đã có cuộc trò chuyện cùng ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, về thời khắc bước chân vào ngành sữa, quá trình xây dựng Vinamilk và không quên nhắc đến gia đình.
Bà Mai Kiều Liên, sau khi nhận giải thưởng "Thành tựu trọn đời" do Forbes Việt Nam trao tặng, đã nán lại sân khấu và trò chuyện cùng Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital. Sau đây là lược thuật cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sáng 18.10 tại Women’s Summit 2018.
* Chị ấn tượng nhất với con số nào mà Vinamilk đã đạt được?
Mai Kiều Liên: Tôi xin phép hỏi ngược lại ông, là nhà đầu tư của Vinamilk từ những ngày đầu, ông thích con số nào?
Dominic Scriven: Tôi ấn tượng nhất là hiệu quả đầu tư của Nhà nước tại Vinamilk. Giá trị vốn hóa của vốn Nhà nước tại Vinamilk năm 2003 là 100 triệu đô la Mỹ, đến hôm nay, nếu không nhầm là trên 10 tỉ đô la Mỹ. Chị Liên đã dẫn dắt, góp phần làm tăng giá trị vốn nhà nước tại Vinamilk lên 100 lần. Đây là một con số ấn tượng. Khi Vinamilk lên sàn vào năm 2006, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên gấp đôi trong một ngày. Đây là phần thưởng cho tất cả mọi người.
* Bản thân chị gắn bó với Vinamilk hơn 40 năm, chị có thể chia sẻ yếu tố nào đã giúp tạo ra điều này?
Có được Vinamilk hôm nay là tổng hòa mọi sự cố gắng, sự chiến đấu không mệt mỏi để tạo ra mục tiêu cho một công ty sữa Việt Nam không phụ thuộc nước ngoài, gia tăng mức sử dụng sữa, nhằm nâng cao thể chất cho trẻ em Việt Nam hôm nay và tương lai hơn nữa. Bản thân tôi và Vinamilk đã cùng nhau cố gắng đạt mục tiêu như vậy.
* Khó khăn lớn nhất trong 40 năm qua tại Vinamilk là gì?
Không có khó khăn nào là lớn nhất cả. Khó khăn luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Mỗi giai đoạn, một doanh nghiệp luôn có những khó khăn riêng. Là người lãnh đạo, tôi cho rằng cần phải tìm ra mắt xích để giải quyết mọi khó khăn.
* Thành công lớn của Vinamilk là nắm hơn 50% thị phần. Chị có lời nào “động viên” đối thủ cạnh tranh của Vinamilk?
Chính nhờ sự cạnh tranh, Vinamilk mới có sự lớn mạnh ngày nay. Thị trường lớn là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có chất lượng tốt hơn thì sẽ có chỗ đứng trên thị trường.
* Là người lãnh đạo ai cũng có sự tự hào nhất định, chị có thể chia sẻ điều tự hào nhất tại Vinamilk?
Không riêng tôi mà tập thể Vinamilk rất tự hào vì xây dựng được một ngành công nghiệp sữa Việt Nam không thua kém bạn bè khu vực, xây dựng được một hệ thống chăn nuôi bò sữa là mong ước từ lâu. Giờ đã thành hình được - đó mới là cốt lõi. Bởi tự chủ được nguyên liệu sẽ tự chủ được sản xuất, tự chủ được giá thành. Đó là cái mà chúng tôi rất tự hào. Một điều nữa, sản phẩm sữa Vinamilk đã có mặt trên 40 thị trường thế giới, đó là điều chúng tôi ước mơ từ lâu.
* Có gì trong 40 năm qua mà chị thấy chưa hài lòng?
Điều chưa hài lòng là chúng tôi chưa làm tốt hơn. Chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn.
Không có khó khăn nào là lớn nhất cả. Khó khăn luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Mỗi giai đoạn, một doanh nghiệp luôn có những khó khăn riêng.
* Ai cũng có một người thầy để nghe những lời khuyên, chị có thể chia sẻ về điều này hay không?
Thực sự tôi đi theo ngành sữa là đi theo lời khuyên của ba tôi - một người bác sĩ. Tôi thích ngành lý. Sau khi đi học đại học ở Nga, họ phân công ngành nào thì tôi phải học ngành đó. Khi đến Nga, nhóm du học sinh Việt Nam lúc đó mới biết ai học ngành nào.
Lúc đó có bốn người học công nghiệp chế biến sữa. Mọi người đều cười vì nghe tới sữa, mọi người nghĩ rất tầm thường. Thời đó, Việt Nam không có công nghiệp chế biến sữa và chỉ có mấy trăm con bò sữa trên nông trường Mộc Châu. Sữa đặc có đường thời đó chỉ để được hai ngày. Ngành công nghiệp chế biến sữa hoàn toàn không có. Lúc đó trong nước có hai nhà máy, trong đó nhà máy sữa Trường Thọ ở phía Nam sản xuất sữa đặc có đường.
Học ngành sữa, lúc đó tôi rất thất vọng. Sau một năm học tiếng Nga, tôi có cơ hội chuyển ngành. Nhưng trước khi quyết định, tôi hỏi ba tôi. Ba khuyên rằng tôi nên đi học ngành sữa. Ông cho rằng, sau chiến tranh, việc lớn nhất là cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và chỉ có sữa mới giải quyết được vấn đề này. Sau lời khuyên đó, tôi quyết định đi theo ngành sữa cho tới bây giờ.
* Bí quyết lãnh đạo của chị để tạo nên một Vinamilk thành công ngày nay?
Tôi nghĩ cả nam và nữ đều có những bí quyết, kinh nghiệm lãnh đạo để tập hợp mọi người. Tôi nghĩ mình phải chân thành, phải làm gương, phải chứng minh được mình dẫn dắt đội ngũ công ty đi lên, cuộc sống mọi người khá lên. Làm sao để mọi người cảm thấy năm giờ chiều thích về nhà và tám giờ sáng thích đến công ty. Tôi nghĩ đó là thành công.
* Làm gương là khuyến khích doanh nghiệp đi theo mô hình gì?
Mỗi giai đoạn có một đặc thù khác nhau. Bây giờ Nhà nước khuyến khích cổ phần hóa để giải phóng tính tự chủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nước trước giờ cái gì cũng xin, cũng phải trình ở nhiều nơi khác nhau. Điều đó làm mất đi cơ hội. Doanh nghiệp Nhà nước giờ rất đồng tình cổ phần hóa, vì nó giúp doanh nghiệp tự chủ, quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Có rất nhiều mô hình thành công, nhưng doanh nghiệp cần tuân thủ chuẩn mực quốc tế. Càng tuân thủ sẽ càng minh bạch, phòng ngừa được rủi ro. Tôi không ngại minh bạch vì điều đó giúp doanh nghiệp nhiều hơn.
* Chị nói quá trình doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa là tự chủ, tự quyết định. Vậy làm sao chị quyết định một cách đúng?
Mình phải chuẩn bị, phải có kiến thức. Ai cũng có mong muốn mục tiêu cao hơn, với tôi là phải có kiến thức. Làm trong ngành sữa thì phải là chuyên gia về sữa. Khi có kiến thức thì sẽ đưa ra quyết định tốt hơn.
* Có nghiên cứu cho biết 25% CEO Việt Nam là phụ nữ. Chị có thể chia sẻ tại sao Việt Nam lại có tỉ lệ cao như vậy so với các nước khác?
Tôi nghĩ Việt Nam có đặc thù riêng. Tình trạng phân biệt giới tính ở Việt Nam ít hơn. Tôi nghĩ trải qua mấy chục năm chiến tranh, nam giới ra trận còn phụ nữ làm hết mọi việc ở nhà, từ xây nhà, đến đi cày. Môi trường đó làm cho người phụ nữ tự lập, tự quyết định. Con số 25% CEO Việt Nam là nữ cũng xuất phát từ hoàn cảnh như thế.
Quan trọng là ý chí không buông bỏ, nếu mình biết mình làm đúng thì cứ đi tới, từng bước một. Tôi nghĩ những người có ý chí, kiến thức, đam mê sẽ thành công.
* Chị nghĩ sao về vai trò và ưu thế của nữ giới trong vai trò lãnh đạo?
Tôi nghĩ nữ giới chỉ thua nam về sức mạnh cơ bắp, còn tất cả mọi thứ, từ kiến thức, đạo đức, đến đối nhân xử thế... tôi nghĩ đều giống nhau. Cái nữ tính tôi nghĩ là lắng nghe và thấu hiểu. Đó là bản năng, dù có quyết định gì cũng luôn luôn lắng nghe người đối diện, trên cơ sở đó đồng hành cùng người khác.
* Vinamilk có tham gia đầu tư ngoài ngành không?
Vinamilk từng tham vọng trở thành tập đoàn thực phẩm. Trên thế giới có nhiều tập đoàn như vậy, bao phủ nhiều mảng từ sữa, cà phê, nước ngọt, rượu bia... Có thời Vinamilk đầu tư nhà máy bia, cà phê, không thành công và chúng tôi đã chuyển nhượng. Thời đó có lẽ chúng tôi đầu tư quá sớm, không đúng thời điểm. Ví dụ ngành cà phê lúc đó không cạnh tranh được với cà phê lề đường. Bây giờ nhận thức của người tiêu dùng tốt hơn. Doanh nghiệp nào bây giờ tham gia thị trường cà phê sẽ có cơ hội hơn. Về bia, ban đầu chúng tôi định liên doanh với bia Sài Gòn. Nhưng liên doanh đó giờ không còn do một số thay đổi. Cái nào có cơ hội, chuẩn bị tốt tôi nghĩ không có vấn đề gì để đầu tư.
* Tôi nghĩ cổ đông khá hài lòng khi Vinamilk dựa vào ngành sữa cốt lõi. Chúng ta nghe rất nhiều về cách mạng 4.0, công ty chị đang làm gì để đối phó?
Cách mạng 4.0 là điều mà tất cả mọi người đều nói tới. Tôi nghĩ mỗi ngành đều có đặc thù 4.0 của ngành đó. Vinamilk đã xây dựng nhà máy 800 triệu lít sữa/năm, hoàn toàn tự động hóa ở Bình Dương, nhưng đó không phải cách mạng 4.0, mà 4.0 phải là ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn, và đều được kiểm soát chặt chẽ. Bây giờ nhà máy chúng tôi đã tự động hóa hoàn toàn nhưng vẫn phải có nhân viên lấy mẫu thử nghiệm để giám sát chất lượng. Cách mạng 4.0 rất tuyệt vời, giúp nâng cao năng suất, chất lượng ổn định, giảm thiểu nhiều rủi ro. Do đó, chúng tôi sẽ dần dần ứng dụng 4.0, không chỉ ở nhà máy Bình Dương, nhằm cải thiện hơn nữa ngành sữa.
* Nhưng cũng cần phải tạo ra việc làm, làm sao để dung hòa hai vấn đề này?
Tôi nghĩ hai yếu tố này không mâu thuẫn. Dù là trí tuệ nhân tạo hay robot thì vẫn cần con người giám sát. Vấn đề là chất lượng nhân lực.
* Chị có thể cho lời khuyên cho các phụ nữ xây dựng doanh nghiệp hiện nay?
Tôi rất khâm phục các chị em tự xây dựng doanh nghiệp. Ngoài ý tưởng, họ cần có người hỗ trợ và rất nhiều thứ. Quan trọng là ý chí không buông bỏ, nếu mình biết mình làm đúng thì cứ đi tới, từng bước một. Tôi nghĩ những người có ý chí, kiến thức, đam mê sẽ thành công.
* Tôi nghe nói gia đình chị không thuê người giúp việc. Làm sao chị cân đối được giữa công việc và gia đình?
Tôi dành tám tiếng ở công ty, tám tiếng ở nhà và tám tiếng để ngủ. Gia đình tôi, vợ chồng thống nhất với nhau, cùng con cái làm việc nhà. Mọi người đều hỏi vì sao không có người giúp việc. Tôi không muốn có người giúp việc. Tôi không muốn con tôi ỷ lại và giúp con không có khái niệm sai khiến người khác, không làm phiền người khác. Với mong muốn đó, vợ chồng cùng con cái cùng nhau tìm cách giải quyết việc nhà.
* Xin cảm ơn chị!
Trường Bùi
Nguồn Forbes Vietnam