Làn sóng PR trải nghiệm
Với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trẻ, có thể nói làn sóng kể chuyện đang phát triển nhanh, được các thương hiệu nhiệt tình đón nhận, đặc biệt là ở châu Á: đó chính là PR trải nghiệm...
Nghệ thuật kể chuyện (storytelling), cốt lõi của những chiến dịch PR thành công, vốn có thể chuyển tải một thông điệp thuyết phục đến người tiêu dùng, chính phủ, giới truyền thông và bất cứ ai – là cách tạo cảm hứng để làm theo, gắn kết và tận hưởng. Kế tiếp, truyền thông xã hội xuất hiện và vai trò của kỹ thuật kể chuyện có vẻ bị lu mờ. Khi đó, tốc độ tương tác được đặt lên vị trí hàng đầu trong các chiến dịch.
Xu hướng đó dù không hoàn toàn biến mất nhưng đã không còn thịnh hành. Truyền thông xã hội và “storytelling” hiện giờ đã “về cùng phe với nhau” trong đa số các trường hợp. Và cùng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trẻ, có thể nói làn sóng thứ hai của kỹ thuật kể chuyện đang phát triển nhanh, được các thương hiệu nhiệt tình đón nhận, đặc biệt là ở châu Á: đó chính là PR trải nghiệm.
“Khách hàng của chúng tôi đang tìm kiếm những “khoảnh khắc” tạo nên sự gắn kết và có thể được tận dụng qua các kênh truyền thông. Nhiệm vụ thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu ngày càng khó hơn, nhưng trải nghiệm có khả năng nhanh chóng tạo ra sự kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và mọi người” – Xavier Daurian, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Công ty Tư vấn tiếp thị trải nghiệm Luminous Experiential MSLGroup, nói.
Thay vì chỉ gửi thông cáo báo chí và phát mẫu thử, công ty truyền thông của một thương hiệu áo ngực thể thao đã hợp tác với phòng tập gym, thương hiệu nước trái cây và sản phẩm chăm sóc tóc để tổ chức một sự kiện về “fitness”. Họ mời giới truyền thông, người tạo ảnh hưởng đến và sử dụng sản phẩm trong một buổi tập gym, sau đó thưởng thức nước uống trái cây tẩy độc và tiếp xúc với các nhà tạo mẫu tóc.
Công ty Quảng cáo Golin Singapore tổ chức tiệc giới thiệu sản phẩm mới của nhà sản xuất kem cao cấp Magnum với thiệp mời có vị thật của kem, mã QR để nghe thử âm nhạc sẽ được trình diễn ở sự kiện. Khách mời được tận hưởng nhiều trải nghiệm, không chỉ có kem “được làm theo nhu cầu cá nhân” mà còn có các hoạt động về trang điểm và thời trang.
“Khía cạnh quan trọng nhất của PR trải nghiệm là mang thông điệp chính của chiến dịch đến với đời thật hơn là tạo sự chú ý tức thời”, Meiling Wee, Giám đốc điều hành của Golin Singapore, nói. Làn sóng PR trải nghiệm đang được đón nhận nhiệt tình ở châu Á vì những người tiêu dùng trẻ được kết nối hiện nay mong muốn gắn kết với một trải nghiệm chứ không đơn thuần chỉ mua sản phẩm.
Những thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cũng chứng kiến sự phát triển bùng nổ của tầng lớp trung lưu. Mọi người có nhiều tiền hơn để chi tiêu, dành nhiều thời gian hơn để đi du lịch. Những điều này cùng với truyền thông xã hội đã thay đổi cơ bản hành vi của người tiêu dùng và khiến họ muốn có những trải nghiệm chất lượng hơn từ các thương hiệu. “Các thương hiệu đang tìm kiếm những giải pháp tích hợp tạo ra tác động có thể đo lường được. Sự kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật kể chuyện, nội dung gắn kết, các phương tiện truyền thông và công nghệ là điều mà khách hàng của chúng tôi muốn” – Xavier Daurian giải thích. Cũng theo ông: “Thách thức ở đây là cần bảo đảm rằng PR trải nghiệm không trở thành một màn độc diễn mà phải gắn kết, tích hợp một cách liền lạc với chiến dịch chính của thương hiệu”.
Với sự phát triển của làn sóng này, các công ty tổ chức sự kiện theo cách truyền thống sẽ đối mặt với khó khăn, trong khi cơ hội sẽ chào đón những công ty tiếp thị trải nghiệm tạo ra nội dung cả từ góc độ PR và kỹ thuật số.
PR Week
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp