Du lịch Việt: Sẽ còn thay đổi lớn với công nghệ 4.0
Thay vì phải tìm kiếm thông tin điểm đến trên sách, báo như trước kia thì ngày nay các thông tin du lịch đang tự tìm đến khách hàng. Không những thế, còn mở ra cho du khách những trải nghiệm mới bằng công nghệ 360 độ.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm "Chuyển đổi số trong phát triển du lịch" trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện The Guide Awards 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/10.
Theo đó, cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017 của Q&Me, một dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam cho biết, có tới 88% người Việt tra cứu thông tin du lịch qua mạng, trong đó có tới 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Còn theo Google Trends, tần suất tìm từ khóa "du lịch" tăng gấp 3 lần trong 5 năm gần đây. Các thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm nhiều liên quan đến kinh nghiệm đi du lịch, địa điểm, nhà hàng và khách sạn...
Còn trong báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố cũng cho biết, kênh đặt phòng qua internet, được hiểu là thông qua các trang đặt phòng trực tuyến (OTAs) như booking.com, vntrip.vn hay agoda.com… hiện chiếm 20,7% trong cơ cấu các kênh đặt phòng.
Trong khi đó, từ phía các khách sạn, họ đã chủ động hơn trong việc thu hút khách và qua đó đã tăng được tỷ lệ khách đặt phòng trực tiếp lên trong thời gian qua. Các khách sạn 4 và 5 sao ở Việt Nam cũng bày tỏ sự sẵn sàng khi có tới 67,3% người được hỏi cho biết đã áp dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt, tăng tính cạnh tranh.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 là cơ hội giúp ngành du lịch Việt Nam tạo ra những bước đột phá.
"Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi phương thức và hành vi du lịch. Trước kia, khi tìm thông tin điểm đến du lịch thì phải tìm ở sách, đại lý du lịch nhưng hiện nay các thông tin du lịch tự tìm đến chúng ta hàng ngày. Trước kia, quan niệm công nghệ làm cho sản phẩm du lịch khô cứng hơn, nhưng hiện nay thì hấp dẫn hơn, có chiều sâu hơn, có nội dung hơn", ông Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định.
Cũng theo ông Tuấn Anh, với sự phổ biến của điện thoại thông minh, thế giới ở đã trong tầm tay. Nếu như trước đây là hình ảnh khách du lịch cầm bản đồ để tìm điểm đến thì hiện nay đã ít hơn. Các ứng dụng như Google map đã làm mọi thứ đơn giản hơn. Phương thức quản lý như trên giấy tờ cũng ít dần và quản lý dựa trên thời gian thực, phầm mềm nhiều hơn.
"Công nghệ đang thay đổi và sẽ còn thay đổi lớn ngành du lịch. Riêng với Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã ý thức rất rõ vấn đề này và chúng tôi đã có đề án phát triển du lịch thông minh, dựa trên số hóa và thông minh hóa. Nội dung chính của đề án này là xây dựng một lượng dữ liệu lớn, kết nối chuyên ngành, đa ngành với các điểm đến, dựa trên ứng dụng dùng chung, với mục tiêu là phục vụ khách hàng. Khi vào trong hệ thống, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin và có sự so sánh, các điểm đến đẹp hơn sẽ cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự đổi mới", ông Tuấn Anh nhận định.
Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia đề cập đến tại buổi tọa đàm là bảo mật thông tin của du khách. Theo đó, hiện nay rất nhiều các đơn vị du lịch nắm được thông tin, lịch trình của khách hàng, khiến du khách lo ngại.
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi phương thức và hành vi du lịch. Trước kia, khi tìm thông tin điểm đến du lịch thì phải tìm ở sách, đại lý du lịch nhưng hiện nay các thông tin du lịch tự tìm đến chúng ta hàng ngày.
Lý giải điều này, bà Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Group cho biết, có thể do các thao tác tìm kiếm thông tin điểm đến trên Google, Facebook... hoặc quá trình giao dịch, đặt phòng của khách hàng đã giúp các hệ thống này có thể ghi nhận được các thông tin cá nhân.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ du khách cũng không nên quá lo lắng vì các đơn vị này đều có những điều khoản và chính sách đảm bảo sự bảo mật thông tin của khách hàng. Mặc dù việc chia sẻ thông tin trên các trang web có thể có hai mặt nhưng vì sự tử tế trong kinh doanh nên sẽ được các nhà dịch vụ giữ gìn, trân trọng các thông tin này", bà Mai Anh nêu quan điểm.
Bàn luận sâu hơn đến thị trường du lịch Việt Nam thông qua cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn như Agoda, Booking... ông Lê Đắc Lâm, CEO VnTrip cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang thua kém cả về kinh nghiệm lẫn nguồn vốn.
"Kinh nghiệm của chúng ta ít hơn, vốn ít hơn. Doanh nghiệp ngoại họ có thể bỏ ra nhiều vốn để chiếm lĩnh thị trường. Tư duy của người đi cho và người đi đầu tư có sự khác biệt lớn nên chúng ta phải thay đổi tư duy.
Những công ty như chúng tôi phải chú trọng đầu tư công nghệ và kêu gọi vốn nhiều hơn để cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Nếu mang tư duy đi làm phải kiếm lợi ngay lập tức thì không thể làm được. Tôi cho rằng, hiện kinh doanh trong ngành du lịch đang ngày càng khó khăn nên muốn cạnh tranh được phải thay đổi tư duy chính mình, phải tăng cường đầu tư vào công nghệ", ông Lâm nhấn mạnh.
Duyên Duyên
Nguồn VN Economy