Nghĩ xanh, dùng xanh

Xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới hướng chiến lược kinh doanh hướng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Từ thực phẩm hữu cơ đến xe lai hybrid (xe hỗn hợp điện - xăng), ai sẽ là người chủ trì các hoạt động xanh và tạo ra lợi nhuận nhiều nhất? Câu trả lời là doanh nghiệp sẽ đi đầu và dẫn đường, nhưng sức ép sẽ đến từ người tiêu dùng.

Theo một khảo sát toàn cầu gần đây, 86% người tiêu dùng nói rằng doanh nghiệp nên dẫn đầu trong việc giải quyết các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu. Nhưng có lẽ thiếu sót lớn nhất của doanh nghiệp là việc họ chưa giáo dục người tiêu dùng về lợi ích của sản phẩm xanh, hay cho thấy ích lợi của những sáng kiến xanh.

Đôi khi, sáng kiến xanh tốn chi phí nhiều hơn như chuỗi cung ứng lạnh trong thực phẩm. Nhưng lợi ích của chuỗi mang lại còn lớn hơn không chỉ trong bản thân thực phẩm tươi mới lưu giữ nhiều chất dinh dưỡng hơn, mà còn giảm thiểu thực phẩm bị bỏ đi do hư hỏng. “Ít lãng phí hơn đồng nghĩa với việc ít sản xuất hơn, tiết kiệm đất, nước và tiết giảm hóa chất thải vào môi trường”, ông Lương Quang Thi, CEO Công ty ABA Cooltrans, giải thích.

Nghĩ xanh, dùng xanhCũng có khi nhận thức xưa cũ về một ngành lâu đời như ngành gỗ làm người tiêu dùng e dè về tính xanh của các sản phẩm nội thất. Thực tế, ngành gỗ không những không phá rừng mà còn phủ xanh những mảng đất trống và cải thiện sinh kế của rất nhiều người nông dân. Từ những năm 1990, ngành nội ngoại thất thế giới đã chuyển sang dùng gỗ rừng trồng có nguồn gốc. Các hãng đồ gỗ lớn như IKEA thậm chí chỉ sử dụng gỗ có chứng nhận phát triển bền vững và tất nhiên gỗ quý hiếm khai thác từ những khu rừng tự nhiên bị cấm giao dịch ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, cũng có sáng kiến xanh thất bại trên quy mô toàn quốc dù được Chính phủ hỗ trợ. Trường hợp nhãn sinh thái Bông Sen Xanh đánh giá nhà hàng, khách sạn trong ngành du lịch là một điển hình. Được triển khai từ năm 2012, chỉ có 36 nhà hàng khách sạn được chứng nhận trong vòng 2 năm sau đó, đến năm 2016, Bông Sen Xanh biến mất hoàn toàn khi không còn được hỗ trợ. Với ông Kai Marcus Schröter, Tổng Giám đốc HTM Management Consultancy, “đây là một điều xấu hổ và ngành du lịch Việt Nam đã mất đi một cơ hội tốt để đi theo hướng bền vững”.

Greenwashing cũng là một nhân tố làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng. Nếu như hoạt động xã hội (CSR) hay green-marketing là tôn vinh những hoạt động kinh doanh hướng về khách hàng, xã hội và môi trường một cách thực chất, thì Greenwashing lại là một thuật ngữ mỉa mai cho những trách nhiệm xã hội mang tính hình thức.

Theo ông Schröter, trong ngành du lịch có nhiều hiện tượng Greenwashing như vậy, những nhãn hiệu “bền vững và thân thiện với môi trường” nhưng không có thực hay chỉ thực hiện một phần rất nhỏ. Thái độ và cảm giác của du khách quốc tế đối với chứng nhận xanh của du thuyền (và nhiều loại hình kinh doanh du lịch khác) tại Việt Nam rất trái chiều. Một mặt, sáng kiến này là cần thiết, đôi khi được chờ đợi và thường được hoan nghênh. Mặt khác, các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam lại thiếu độ tin cậy.

Nghĩ xanh, dùng xanhKhi Vịnh Hạ Long liên minh với quần đảo Cát Bà để đệ trình hồ sơ lên UNESCO, vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại khu vực được chú ý. Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long thông qua bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, nhãn sinh thái Cánh Buồm Xanh đã được ban hành và có 2 du thuyền đầu tiên được dán nhãn trong tháng 9 vừa qua. “Tuy nhiên, một cánh én không làm nên mùa Xuân”, ông Schröter quan ngại. Ông cho rằng du khách sẽ nhận thấy và lựa chọn doanh nghiệp có trách nhiệm, hành động bền vững nhất và sẵn sàng trả một mức phí cao hơn.

Trong một nghiên cứu thực tiễn gần đây trên hơn 1.200 nhà sản xuất toàn cầu, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học RMIT Việt Nam, nhận thấy xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích quy trình đổi mới trong một công ty. Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường.

Khởi đầu, hiệu quả của hoạt động tích cực liên quan đến sáng kiến xanh có thể không rõ ràng. Tuy nhiên, theo thời gian, sự tác động qua lại trong mối quan hệ hai bên đều có lợi giữa một bên là xu hướng người tiêu dùng xanh, với bên kia là sự thay đổi quy trình, có thể dẫn đến tài chính và chi phí được cải thiện. “Áp lực từ người tiêu dùng lên hoạt động xanh càng tăng thì nhu cầu cải tiến quy trình càng mạnh”, Tiến sĩ Hùng bình luận

Thanh Hằng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư