Không dây nối nền kinh tế số
Ngành công nghiệp kết nối không dây (wireless) là nền tảng hạ tầng của kinh tế số. Ngành đóng góp hơn 457 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ.
Theo báo cáo mới nhất của Accenture Strategy, ngành công nghiệp Wireless (kết nối không dây) đóng góp hơn 457 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, tương đương 2,6% GDP. So sánh giá trị tuyệt đối GDP, ngành công nghiệp này lớn hơn 87% các quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp kết nối không dây còn là một động lực thúc đẩy tăng trưởng việc làm khi tạo ra hơn 3,7 triệu việc làm cho người dân Mỹ.
Tỉ lệ cấp số nhân việc làm của ngành này được ước tính là 7,7x, tương đương mỗi việc làm trực tiếp trong ngành công nghiệp internet không dây sẽ có 7 công việc khác được kiến tạo trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Tỉ lệ trên hiện cao hơn đa số ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Ví dụ, ngành nhà hàng - thức uống là 1,5x, ngành điện tử phần cứng là 3,9x. Theo báo cáo của Accenture, cứ 1USD được đóng góp cho GDP bởi ngành công nghiệp Wireless, nước Mỹ sẽ thu về 3,2USD đóng góp từ các ngành công nghiệp, dịch vụ khác.
Không dây phủ sóng
Trong khi đó, tại châu Á, lượng người dùng internet cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử như tại Trung Quốc, số lượng người dùng internet đã chạm mốc quan trọng 800 triệu người (tương đương 57,7% dân số). Trong đó, 788 triệu người dùng qua nền tảng di động (98% người dùng). Tỉ lệ trên phần nào chứng minh được chiến lược hiệu quả của nhà mạng Trung Quốc khi tiếp cận và phủ sóng khắp Trung Quốc. Ngoài ra, giá trị giao dịch điện tử của Trung Quốc thể hiện sức mua tiềm năng to lớn của quốc gia này.
Trong báo cáo “China’s digital economy, a leading global force” của McKinsey năm 2017, tổng giá trị giao dịch qua nền tảng di động của Trung Quốc đạt hơn 790 tỉ USD năm 2016. Ngày 11.11.2016, giá trị giao dịch qua web điện tử Alibaba tiệm cận 17,8 tỉ USD. Điều đó có nghĩa giá trị giao dịch trong một ngày độc thân của Trung Quốc bằng cả năm doanh thu dự phóng thương mại điện tử của Brazil, theo báo cáo của McKinsey.
Nhờ công nghiệp kết nối bùng nổ, Trung Quốc ngày hôm qua khi quốc gia này đi sau về phát triển công nghệ nhưng hiện nay là cường quốc về Fintech, thương mại điện tử và kiểm soát được hoàn toàn hệ thống thanh toán của các doanh nghiệp.
Gần gũi hơn, Singapore cũng là một quốc gia có tỉ lệ tiếp cận internet cao với 4,85 triệu người dùng (tương đương 85,7%). Trong đó, 95% người dùng kết nối qua nền tảng di động, với mật độ 93% người dân online mỗi ngày. Giá trị giao dịch điện tử trên đầu người của Singapore dự kiến đạt 1.861 USD/người, theo nghiên cứu của Accenture.
Trong một báo cáo khác của Chính phủ Singapore, ngành truyền thông đóng góp hơn 8,3% GDP trong năm 2015, tương đương giá trị ước tính 32 tỉ USD. Tổng số việc làm được tạo ra từ ngành truyền thông - thông tin của Singapore vào khoảng 200.000 việc làm năm 2015.
Khía cạnh hấp dẫn khác của ngành công nghệ Wireless là tiềm năng tăng trưởng và sức lan tỏa với các công nghệ mới nhất của kỷ nguyên 4.0. Khi nền tảng internet được kết nối với băng thông tốc độ cao và tiệm cận chiều sâu của đại dương người dùng, các công nghệ mới nhất như AI, chatbot, VR (tương tác thực tế ảo) hoặc AR (thực tế ảo tăng cường) trở nên lan tỏa hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo mới được Bain & Co. công bố, đến năm 2025, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á có thể tăng thêm 1.000 tỉ USD nếu như tận dụng tốt các cơ hội do thương mại điện tử và nền kinh tế số nói chung mang lại. Việt Nam đang đặt mục tiêu cho nền kinh tế số và các mục tiêu tham vọng khác về chính phủ điện tử, thành phố thông minh... trong chiến lược hòa vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần tạo nền tảng cho ngành công nghiệp kết nối không dây.
Nền tảng số
Theo một khảo sát của Cục Thương mại Điện tử Việt Nam và Kinh tế số (VECITA), doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam đạt gần 5 tỉ USD, tăng trưởng 20%/năm. Bán lẻ điện tử chiếm hơn 3% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2016. Giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của người Việt lần lượt tăng trưởng qua các năm: năm 2014 (145 USD/người), năm 2015 (160 USD/người), năm 2016 (170 USD/người).
Số lượng thuê bao internet năm 2016 là 50,2 triệu thuê bao, tương đương 54,2% tỉ lệ thuê bao trên dân số. Thời gian qua, xu thế số hóa đã hiện diện và len lỏi trên hầu như tất cả mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán tiêu dùng, cho đến giao thông, y tế, giáo dục... ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp số được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các mảng như thương mại điện tử (Tiki.vn); thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử (Momo, Webmoney, Payoo); mạng xã hội (Zalo); các thiết bị kết nối IoT (máy bán nước, máy bán hàng tự động); và các giải pháp ngân hàng điện tử...
Tuy nhiên, tỉ trọng của các lĩnh vực được số hóa hiện mới chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam, còn rất khiêm tốn so với mức trung bình 14,5% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, cho biết: “Khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi cách Việt Nam sản xuất và thiết kế sản phẩm. Dựa vào sức mạnh của dữ liệu lớn (Big Data), công suất tính toán cao, trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích, ngành công nghiệp 4.0 mang sứ mệnh số hóa hoàn toàn ngành sản xuất”.
Ông Denis Brunetti cũng bày tỏ rằng Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong việc áp dụng cuộc cách mạng kết nối này. Ông Mantosh Malhotra, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Qualcomm, cho biết doanh nghiệp này đã phát triển hơn 14 tỉ USD cho nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái số toàn cầu mà Việt Nam có thể tham gia.
Nếu tỉ lệ kết nối internet tăng trưởng, một số lợi ích trước mắt có thể nhìn nhận được gồm: việc đồng bộ hóa kinh tế giữa các vùng miền sẽ diễn ra dễ dàng hơn; cơ hội tiếp cận với tri thức mới và xu hướng công nghệ sẽ nâng cao tri thức người dân một cách tích cực; việc kết nối nhu cầu sử dụng lao động, cung ứng lao động sẽ hiệu quả hơn và số lượng việc làm sẽ tăng trưởng tích cực.
Hồ Điệp
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư