Yoko và cái bánh bị khuyết
Yoko là một copywriter từ Dentsu Tokyo qua văn phòng của tôi cho một dự án tráo đổi kéo dài 3 tháng. Và ngày Yoko về lại Nhật tôi mới biết cô đã từng đoạt một giải Cannes Lion.
Yoko kể rằng đó là dịp Giáng sinh và khi cô trở về nhà thì thấy chiếc bánh của mình bị ai đó cắt mất đi một phần. Thay vì giận dữ, Yoko cảm thấy thoải mái vì điều đó khi mà mình đã chia sẽ phần bánh Giáng sinh của mình cho ai đó. Và đó là lúc ý tưởng đoạt giải bạc hạng mục Promotion&Event của Cannes Lion 2010 ra đời.
Ý tưởng rất đơn giản và nhân văn. Khi bạn bỏ tiền mua một cái bánh, bạn chấp nhận nó bị khuyết đi một chút. Và số tiền cho cái bánh khuyết đó sẽ được tiệm bánh chuyển cho trẻ em nghèo.
Yoko nói cô không làm nhiều ý tưởng phim quảng cáo mà là những ý tưởng dạng này. Cô gọi đó là ý tưởng làm sao cho quá trình mua bán hàng, giao dịch giữa khách hàng và doanh nghiệp, giữa người với người trở nên thi vị, nhân văn và hấp dẫn hơn.
Điều này là tôi nhớ đến những ý tưởng từ thiện tại Việt Nam. Liệu có cách nào hay hơn, nhân văn hơn thay vì nó thẳng là uống một chai X thì đóng góp 50 đồng cho gì gì đó? Tiền được quy đổi thành một cái bánh bị khuyết rõ là dễ thương hơn nhiều.
Tôi có nói với Yoko rằng nếu như quảng cáo ngày xưa là nói về cái độc đáo của sản phẩm, rồi nói về cái tính cách của thương hiệu, rồi nói về cái ưu việt của sản phẩm, âu cũng là thúc đẩy quá trình giao dịch. Và khi người ta đã bội thực với quảng cáo kiểu này thì quảng cáo giờ đây là tìm cách nhân văn hơn, thú vị hơn để thúc đẩy quá trình đó. Đó cũng chính là cái lý tưởng cao đẹp mà người làm quảng cáo tự đặt ra cho mình khi mà học tạo ra quá nhiều sản phẩm “độc hại” cho xã hội.