Nhượng quyền: Kinh doanh không đơn giản

Ngày 25/4 vừa qua, hội thảo “Nhượng quyền thương mại” đã được VietAsia Law Firm – đơn vị đại diện của Asiawide Franchise Consultants tại Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu hướng tiếp cận mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng đang có sức hút.

Tại hội thảo, ông Albert Kong – Chủ tịch Công ty Asiawide Franchise và các chuyên gia tham vấn đều nhận định rằng thị trường ngành đồ uống, thực phẩm và nhà hàng – khách sạn nước ta đang ngày càng mở rộng, khách hàng cũng có xu hướng lựa chọn các thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới nên tiềm năng về kinh doanh nhượng quyền thương mại trong các lĩnh vực đó còn rất lớn.

Tuy nhiên, thực tế kinh doanh nhượng quyền thương mại trong thời gian qua cho thấy tại một thị trường franchise sơ khai như ViệtNamthì những giao dịch trong ngành này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Những rủi ro có thể gặp phải

Nhượng quyền: Kinh doanh không đơn giảnDoanh nghiệp muốn tham gia hệ thống nhượng quyền cần sử dụng nhiều vốn hơn mọi người vẫn nghĩ. Trước hết là chi phí cho một hợp đồng nhượng quyền thương mại thường là từ 20.000 USD trở lên.

Một số thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài yêu cầu khoản tiền nhượng quyền lên đến cả trăm ngàn USD, chẳng hạn như Lotteria đòi hỏi tới 250.000 USD.

Bên cạnh đó là các khoản phí nghiên cứu về khách hàng, địa điểm kinh doanh, các khoản phí xây dựng, phí gia nhập và huấn luyện tại các cửa hàng, phí hằng tháng cho việc sử dụng nhãn hàng và thương hiệu, phí marketing…

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), tổng chi phí ban đầu thường là từ 100 ngàn USD, có khi lên đến cả triệu USD.

Đơn cử, nếu kinh doanh nhượng quyền thương hiệu KFC, người mua franchise phải tốn các khoản phí sau: (1) Lệ phí nhượng quyền: 25.000 USD; (2) Trả tiền bản quyền: 500 USD/tháng; (3) Phí marketing: 5% tổng thu nhập. Như vậy, một doanh nghiệp muốn nhận nhượng quyền thương mại của KFC cần hơn 1 triệu USD vốn ban đầu!

Ngoài ra, luật sư Trường còn cho biết rằng cho dù việc kinh doanh của bên mua không thuận lợi thì vẫn phải nộp cho bên chủ thương hiệu một khoản phí định kỳ dựa trên doanh số bán ra.

Cùng thời gian diễn ra hội thảo “Nhượng quyền thương mại”, các nhà tổ chức của Food and Hotels Vietnam còn có một buổi triển lãm quy mô khá lớn với sự tham gia của hơn 385 công ty đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng nhiều sản phẩm và các giải pháp tiên tiến dành cho ngành thực phẩm, nhà hàng và khách sạn.

Nhượng quyền: Kinh doanh không đơn giản

Triển lãm Food and Hotels hằng năm là cơ hội cho tất cả các nhà đầu tư franchise Việt Nam

Sự hiện diện của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong triển lãm này cũng nhằm mục đích mang đến cơ hội kinh doanh nhượng quyền cho các nhà đầu tư Việt Nam, nhưng đồng thời lại gây thêm “nhiễu” trong việc lựa chọn mua thương hiệu phù hợp.

Không phải cứ đến với thương hiệu nổi tiếng là có cơ hội lựa chọn an toàn và đảm bảo lợi nhuận. Ngay cả một cửa hàng Pizza Hut ở TP. Hồ Chí Minh đã bị rút lại quyền kinh doanh thương hiệu trong năm qua do kinh doanh không tốt.

Bên cạnh đó, một rủi ro không hiếm gặp là người mua được cung cấp những thông tin không chính xác về doanh nghiệp, sản phẩm, mô hình kinh doanh, tình hình kinh doanh, các quy định trong việc nhượng quyền…, nhất là khi bên bán là doanh nghiệp xa lạ nước ngoài.

Bên nhượng quyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bên mua phát hiện ra thông tin không đúng sự thật, nhưng đến lúc phát hiện ra thì “sự đã rồi”, có thể dẫn đến phá sản hoặc mất vốn.

Ngoài ra, người mua có thể gặp phải những đối thủ cạnh tranh trong nội bộ nhóm cùng được nhượng quyền thương mại hoặc đối thủ cạnh tranh cùng ngành khác thương hiệu.

Nguyên nhân là do người chủ thương hiệu cùng lúc cho nhiều người khác nhau nhượng quyền ở tại một khu vực (ví dụ TP. Hồ Chí Minh). Đối thủ cạnh tranh cùng ngành khác thương hiệu là những người nhận thấy được mức độ hấp dẫn của thị trường kinh doanh nhượng quyền và quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định

Nhượng quyền: Kinh doanh không đơn giảnTrong “chiếc bánh” franchise hiện nay, thị phần ngành thực phẩm chiếm hơn 20%, những ngành khác chiếm hơn 10% nên nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội được nhượng quyền để lựa chọn. Vì vậy, trước khi ký vào một bản hợp đồng nhượng quyền, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ về quy mô và phạm vi của ngành kinh doanh và thương hiệu mà mình muốn.

Thông tin về doanh nghiệp bán franchise hiện nay rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm hiểu qua internet, sách báo, ấn phẩm chuyên ngành franchise từ nước ngoài.

Có mặt tại hội thảo, một nhà đầu tư có kinh nghiệm kinh doanh nhượng quyền thương mại ở Biên Hòa cảnh báo rằng những người mới bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực này không nên nghe lời khuyên của những công ty môi giới vì mục đích chính của họ không phải là cung cấp thông tin trung thực và hữu ích, mà chỉ tìm cách thuyết phục nhà đầu tư mua quyền kinh doanh thương hiệu để lấy hoa hồng.

Thậm chí, các công ty môi giới chỉ góp phần hạn chế các cơ hội của người mua để thúc đẩy quyết định mua nhanh chóng hơn mà thôi.

Với những thương hiệu chưa được nhiều người biết đến hoặc chỉ phát triển ở một vài quốc gia thì người mua franchise không chỉ phải nghiên cứu kỹ các tài liệu được bên nhượng quyền cung cấp, mà nên dành thời gian liên hệ với những người đã và đang nhận quyền để tìm hiểu cho cụ thể.

Họ không chỉ giúp xác minh về thương hiệu muốn mua, sự nhiệt tình hỗ trợ của bên bán đối với việc kinh doanh của bên mua, mà còn giúp nhận biết về độ chính xác và tính hoàn hảo của tài liệu mà bên bán cung cấp.

Người mua franchise cũng nên có sự so sánh về chi phí nhượng quyền và phí hoạt động và các dịch vụ mà bên nhượng quyền cung cấp. Thử đánh giá xem với mức phí nhượng quyền hoặc hoạt động như vậy thì những dịch vụ được nhà nhượng quyền cung cấp có xứng đáng không?

Tuy nhiên, những người mới kinh doanh nhượng quyền rất khó thực hiện được hoàn hảo đòi hỏi đó. Hơn nữa, người mới bước chân vào lĩnh vực kinh doanh franchise thường bị “choáng” trước những tài liệu khó hiểu.

Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký thương hiệu là vô cùng quan trọng đối với kinh doanh nhượng quyền thương mại nhưng lại tốn nhiều thời gian và chưa được người mua quan tâm đúng mức.

Vì vậy, có sự giúp đỡ của một luật sư, tốt nhất là người dày dạn kinh nghiệm về nhượng quyền thương hiệu thì công việc sẽ thuận lợi và chắc chắn hơn. Đó là lời khuyên của ông Trần Mạnh Hùng, luật sư hợp danh của hãng luật Baker McKenzie.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn