Yahoo tái xuất thị trường ứng dụng nhắn tin với Yahoo Together
Yahoo sẽ trở lại thị trường ứng dụng nhắn tin sau khi đóng cửa ứng dụng nhắn tin trước đây của hãng vì thiếu người dùng.
Được thiết kế dành cho chat nhóm giữa gia đình, bạn bè, câu lạc bộ và những đối tượng người dùng khác, Yahoo Together tìm cách tạo ra sự khác biệt với các đối thủ khác nhờ khả năng tổ chức các cuộc hội thoại nhóm thành các chủ đề riêng biệt, tương tự như mô hình IRC, và khả năng gửi các lời nhắc thông minh về các sự kiện sắp diễn ra.
Ứng dụng mới của Yahoo, trước đây được đặt tên mã Squirrel khi còn ở giai đoạn beta, được phát triển bởi nhóm Communications tại Yahoo - chính là nhóm đã phát triển Yahoo Messenger trước đây. Tuy nhiên, Yahoo Together lại được phát triển trên một nền tảng nhắn tin mới dù vẫn dựa vào một số công nghệ đã tồn tại từ thời Yahoo Messenger.
Phần lớn những tính năng mà Yahoo Together mang lại - như chat, chia sẻ hình ảnh, hình động (GIF), đường dẫn, và phản ứng - không phải là những tính năng chưa từng xuất hiện trên thị trường tin nhắn, nhưng Yahoo hi vọng mọi người sẽ thích thú với khả năng sắp xếp, tổ chức trong Yahoo Together.
"Trong nhiều ứng dụng khác, bạn phải có một nhóm bạn, và tập trung chat với họ trong một thread duy nhất", Michael Albers, Phó Chủ tịch và Trưởng Bộ phận Sản phẩm Truyền thông của Oath, giải thích.
"Điều độc nhất về Yahoo Together là nó cho phép bạn tạo ra các nhóm chat tồn tại lâu dài, nhưng tạo ra một lượng không giới hạn các chủ đề riêng biệt để tổ chức các cuộc hội thoại, giới hạn quyền truy xuất của một bộ phận nào đó trong nhóm đến một vài chủ đề", ông nói.
Điều đó, cùng với khả năng hỗ trợ đính kèm tập tin và một giao diện tìm kiếm đầy đủ tính năng hơn Messenger, giúp Yahoo Together có cảm giác như một sản phẩm lai của một ứng dụng chat nhóm dành cho người tiêu dùng và một công cụ dành cho giới làm việc năng suất, như Skype hay Slack. Nhưng không như Skype hay Slack, Yahoo Together không hỗ trợ cuộc gọi, và các cuộc hội thoại theo topic cũng không được thiết kế giống nhau.
Ứng dụng mới của Yahoo sẽ sử dụng biểu tượng hash (#) để phân biệt các cuộc hội thoại bên lề, khá giống Slack. Nhưng thực ra, biểu tượng này lại được sử dụng trước đó nhiều thập kỷ trong mạng lưới IRC để gán nhãn cho các kênh chat, và Yahoo đã mượn ý tưởng này của IRC chứ không phải của Slack.
Các cuộc hội thoại theo chủ đề không chỉ là các phòng chat mới do bạn thiết lập bằng cách thêm người bạn biết từ danh bạ, chúng còn hoạt động như các nhóm chat nhỏ trong một nhóm chat lớn.
Bạn cũng không phải thêm mọi người từ nhóm chat chính vào các nhóm chat bên lề theo chủ đề. Điều này khiến người dùng Yahoo Together dễ dàng hơn trong việc theo dõi các đoạn hội thoại họ cần tham gia - ví dụ như đoạn hội thoại bàn về một bữa tiệc bất ngờ cho bố hay mẹ bạn, hay những thứ họ quan tâm - như lịch thi đấu của một câu lạc bộ thể thao - mà không cần phải cuộn lên xuống trong một thread dài vô tận.
Trong giai đoạn beta, Albers cho biết Yahoo Together có được số tin nhắn mỗi ngày gấp 5 lần Yahoo Messenger - một con số đầy hứa hẹn.
Sau khi chính thức ra mắt vào ngày hôm qua, nhóm phát triển dự định sẽ tung ra thêm nhiều tình năng nữa trong tương lai.
"Trọng tâm của chúng tôi là tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người dùng và những cơ hội liên quan đến năng suất công việc trong bối cảnh nhắn tin nhóm. Chúng tôi tin rằng đây là thứ khiến ứng dụng này khác biệt so với các đối thủ, bằng cách tập trung vào những nhu cầu giao tiếp với cộng đồng của người tiêu dùng", Albers nói.
Không rõ có bao nhiêu người dùng chú ý đến Yahoo Together, khi mà ứng dụng gây quỹ nhóm thử nghiệm trước đây của Yahoo là Tanda đã bị đóng cửa chỉ sau vài tháng ra mắt. Ngoài ra, thâm nhập vào thị trường nhắn tin ngày nay là một việc vô cùng khó khăn bởi nó đang bị thống trị bởi nhiều ông lớn như Messenger, WhatsApp, WeChat, Line...
Yahoo cũng không nêu rõ chiến lược thu hút người dùng của hãng, ngoài việc quảng cáo các tính năng của ứng dụng chính là vũ khí để tăng trưởng lượng người dùng. Không rõ liệu Yahoo sẽ nhắm đến người dùng ở các thị trường đang lên như Ấn Độ, hay ngay tại quê nhà Mỹ.
Tấn Minh / TechCrunch
Nguồn Trí thứ trẻ