Cuộc chiến rác thải nhựa: Không chỉ là cơ hội PR
Theo thống kê, có hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương hằng năm, mỗi phút có hơn 1 triệu túi nhựa được sử dụng. Rác thải nhựa hiện là một vấn đề mà toàn cầu phải đối mặt.
Từ đầu năm 2018, những thương hiệu lớn như Evian, Coca-Cola, Starbucks, McDonald’s,… liên tiếp đưa ra những kế hoạch hành động liên quan đến cuộc chiến chống lại vấn nạn rác thải nhựa.
Các thương hiệu chuỗi cửa hàng cà phê như Costa, Starbucks đưa ra chương trình giảm giá dành cho khách hàng mang theo ly tái sử dụng. Nhiều thương hiệu lớn tuyên bố chấm dứt dùng ống hút nhựa. Pizza Express giã từ ống hút nhựa và thay thế bằng chất liệu giấy tự phân hủy hoặc có thể tái chế. Starbucks cũng tuyên bố đến năm 2020 sẽ chấm dứt việc sử dụng ống hút nhựa tại các cửa hiệu của hãng trên phạm vi toàn cầu.
Ống hút là một trong những nguồn rác thải lớn nhất với 8,5 tỉ ống hút nhựa thải ra hằng năm chỉ riêng tại nước Anh. Ống hút nhựa cũng được cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người dùng. Vì thế, ống hút tái sử dụng là một lĩnh vực đang phát triển nhanh và một số thương hiệu startup đã tham gia vào thị trường này như Turtle Savers (ống hút bằng thép không gỉ thân thiện với môi trường), Ecostrawz (ống hút sành điệu làm bằng thép không gỉ, tre, lúa mì tự nhiên).
Với việc người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải nhựa, thì đây rõ ràng là một chủ đề quan trọng đối với cả giới doanh nghiệp và người tiêu dùng và cũng là một cơ hội PR cho các thương hiệu.
Hơn nữa, đây không chỉ là vấn đề được xã hội và người tiêu dùng quan tâm mà với sự phát triển của khoa học, hiện đã xuất hiện nhiều giải pháp thay thế cho nhựa sử dụng một lần, cũng như có nhiều cách hiệu quả hơn để tái chế nhựa.
Chẳng hạn, Bulldog Skincare for Men đã phát triển một loại bao bì làm từ mía đường mà hiện được sử dụng thay thế cho bao bì bằng nhựa của thương hiệu này. Không những chấm dứt được vấn đề rác thải nhựa mà cây mía đường còn góp phần hấp thụ lượng khí thải carbon dioxide thay vì đưa khí thải ra môi trường. Evoware, một công ty startup của Indonesia đã sử dụng rong biển để tạo ra loại bao bì hoàn toàn thân thiện với môi trường, có thể ăn được.
Cắt giảm rác thải nhựa không chỉ là một việc đúng đắn cần phải làm mà cũng mang lại lợi ích về tài chính. Với các thương hiệu bán lẻ như Marks & Spencer và Waitrose, giảm vật liệu nhựa cũng là cách để họ giảm chi phí.
Và một khi đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng thì các thương hiệu hướng đến mục tiêu sống bền vững, vì sự phát triển bền vững cũng có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn. Chẳng hạn, trong năm 2017, 26 thương hiệu “Sống bền vững” của Tập đoàn Unilever đã tăng trưởng nhanh hơn 46% so với các mảng kinh doanh còn lại của tập đoàn và tạo ra 70% trong tổng tăng trưởng doanh thu. Trong bốn năm qua, các thương hiệu sống bền vững đều tăng trưởng tốt hơn mức trung bình của tập đoàn này. Kế hoạch “Sống bền vững” của Unilever (Unilever Sustainable Living Plan – USLP) được giới thiệu vào năm 2010, đặt ra những mục tiêu tham vọng để đưa sự tăng trưởng của tập đoàn tách khỏi các tác động môi trường, đồng thời tăng ảnh hưởng tích cực đến xã hội.
Người tiêu dùng trẻ thậm chí còn ý thức hơn về tác động môi trường của những thứ mà họ mua sắm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những thương hiệu hoặc sản phẩm hỗ trợ cho một mục tiêu quan trọng đối với họ.
Dù có nhiều lý do tích cực như đã nêu, nhưng các thương hiệu cần thận trọng vì nếu trộn lẫn mục đích thương hiệu với thông điệp bán hàng thì có thể đem lại hiệu ứng ngược. Các công ty cần bảo đảm rằng mục tiêu phục vụ lối sống bền vững không chỉ là cơ hội PR một lần mà là một phần của kế hoạch dài hạn.
Tâm Mai
Nguồn Doanh Nhân+