Nghiên cứu, tiếp cận thị trường là yếu tố sinh - tử của doanh nghiệp
Nghiên cứu, tiếp cận thị trường đang là yếu điểm của các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bế tắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm dẫn đến nguy cơ phá sản.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kinh phí chi cho nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chiếm 5%, chỉ bằng 3,6% so với mức chi cho quảng cáo. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang “bỏ qua” vấn đề có ảnh hưởng quan trọng trong chiến lược phát triển là nghiên cứu tiếp cận thị trường của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không thể tiêu thụ được vì thị trường đã bão hòa hoặc không có nhu cầu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thì, những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua được thể hiện thông qua số đơn vị đăng ký mới giảm cả về số lượng và tổng số vốn, trong khi doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lại tăng lên liên tục. Trong đó, những khó khăn tiếp cận thị trường đã trở thành hiện hữu và đẩy chỉ số hàng tồn kho của doanh nghiệp lên mức cao nhất.
“Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp trong nước cần phải chú trọng hơn nữa khâu nghiên cứu, tiếp cận thị trường để đảm bảo từng đồng vốn đầu tư không bị chết”- ông Lộc nhận định.
Còn theo một đánh giá gần đây của VCCI, khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong nước hiện nay còn rất yếu. Các doanh nghiệp ít chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường và phân phối sản phẩm của mình ở trong nước cũng như quốc tế.
Trên thực tế, việc chú trọng vào nghiên cứu, tiếp cận thị trường đã đem đến nhiều thành công cho không ít doanh nghiệp. Ví dụ như thương hiệu cà phê Trung Nguyên để có một sản phẩm hoàn hảo ra mắt thị trường, doanh nghiệp này phải bỏ ra hàng tháng trời nghiên cứu xu hướng thị trường, sở thích và nhu cầu của khách hàng. Một minh chứng khác cho tầm quan trọng của nghiên cứu thị trường đó là sự thành công của công ty Dược Hậu Giang , mỗi năm đơn vị này có từ 30 - 40 sản phẩm mới tung ra thị trường nhưng có khoảng 10 sản phẩm phát triển tốt, có doanh thu cao, tạo công ăn việc làm, còn lại những sản phẩm khác doanh nghiệp phải tiếp tục theo đuổi và phát triển. Theo lãnh đạo đơn vị này, chưa có sản phẩm nào có đầu tư nghiên cứu thị trường mà gặp phải thất bại.
Bài học về vấn đề này rõ nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khi phân khúc căn hộ cao cấp thời gian qua lâm vào tình trạng ế ẩm do nhu cầu người dân không có. Điều này đã phản ánh rõ sự yếu kém trong khâu nghiên cứu, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này không đạt hiệu quả.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), nguyên nhân khiến hàng ngàn căn hộ cao cấp trở thành nhà hoang như hiện nay cũng một phần vì các doanh nghiệp bất động sản đầu tư mà không nghiên cứu kỹ thị trường. Bởi theo số liệu chỉ có 10% cư dân đô thị có nhu cầu và đủ khả năng tài chính cho phân khúc thị trường căn hộ loại này. Trong khi đó, các doanh nghiệp cứ đầu tư vào phân khúc này mà bỏ qua những dạng nhà ở cho người thu nhập thấp.
Đây cũng là trường hợp của ngành thép khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không nắm bắt được sự suy sụp của ngành xây dựng trong thời điểm bất động sản đóng băng. Để rồi liên tục nhập khẩu; mở rộng quy mô sản xuất và gặp trở ngại lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hệ quả là hàng nghìn tấn thép tồn kho còn doannh nghiệp thì lâm vào tình trạng phá sản.
Chuyên gia kinh tế Phan Thế Ruệ, các doanh nghiệp trong nước cần phải đẩy mạnh khả năng tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mạị, tổ chức kiện toàn bộ máy sản xuất đáp ứng với nhu cầu thực tế của khách hàng chứ không nên đầu tư dàn trải như hiện nay. Từ kết quả của hoạt động nghiên cứu tiếp cận thị trường, doanh nghiệp mới có kế hoạch cụ thể để phát triển hướng đi của doanh nghiệp.
“Coi trọng nghiên cứu tiếp cận thị trường cũng đồng nghĩa với việc coi trọng sinh mệnh của doanh nghiệp mình” - ông Ruệ nhấn mạnh.