Thái Lan là nhà bếp thế giới, Việt Nam là gì?
Việt Nam hiện có lợi thế rất lớn và đủ sức để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Tăng trưởng 10,9%
Giá trị tiêu thụ thực phẩm hằng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến đã tăng trung bình 9,68%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 6,66%/năm. Hãng BMI Research cũng dự báo ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt mức tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 10,9%.
Các chuyên gia về ngành chế biến thực phẩm ngoài nước đánh giá, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có nhiều loại đặc sản giá trị cao về dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, khâu chế biến thực phẩm để sản phẩm có giá trị thương mại cao, có thương hiệu vẫn còn yếu, vì vậy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước là rất lớn và cần thiết.
Ông John G.Keogh, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng cho rằng, Thái Lan cũng là một quốc gia nông nghiệp hiện nay họ đã xây dựng và theo đuổi khẩu hiệu “Thái Lan là nhà bếp của thế giới ” và khá thành công. Việt Nam hiện có lợi thế rất lớn và đủ sức để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, vấn đề là các doanh nghiệp nghĩ ra những kế hoạch dài hạn để hợp tác với các doanh nghiệp các nước xây dựng và phát triển lĩnh vực này.
Lựa chọn ưu tiên phát triển
Bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất đáng kể. Hiện nay, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD, thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới với chất lượng nguyên liệu thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu của nhiều quốc gia.
Diễn đàn Xúc tiến thương mại và Hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam lần 2 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 19.9 tại TP. HCM. Tại đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương cho biết, Diễn đàn Xúc tiến thương mại và Hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam lần 2 là một trong chuỗi hoạt động của Cục Xúc tiến Thương mại nhằm thu hút đầu tư phát triển ngành theo định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các quy chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và làm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.
Do đó, Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước. Việt Nam đã là thành viên của WTO từ năm 2007 và tính đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do và đang tiếp tục đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho cả các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam nói riêng.
Thái Bình
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư