Giám đốc hạnh phúc: Xu hướng mới trong việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp
Đến nay thì giám đốc hạnh phúc đã trở thành một vị trí phổ biến ở nhiều công ty. Trên trang web của LinkedIn hiện đang có hơn 1.000 vị trí giám đốc hạnh phúc được đăng tuyển.
Như một xu hướng mới nổi lên trong những năm gần đây, nhiều công ty trên thế giới chủ trương xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ, hạnh phúc cho nhân viên bằng những hoạt động, sáng kiến tạo ra những niềm vui nho nhỏ. Và các công ty này thường tạo ra chức danh Giám đốc hạnh phúc (Chief Happiness Officer – CHO) đảm nhận nhiệm vụ nói trên.
Tuy nhiên, từ một số nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng những điều này thật sự không làm cho nhân viên cảm thấy vui vẻ và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Cơ hội phát triển nghề nghiệp và niềm tin từ các nhà quản lý, mà cụ thể nhất là việc cho phép nhân viên làm việc từ xa, mới thật sự là những yếu tố mang lại cho họ hạnh phúc trong công việc.
Khi Google đề bạt kỹ sư phần mềm Chade-Meng Tan vào vai trò “Jolly Good Fellow” (tạm dịch: Người đồng nghiệp vui tính) thì sự nghiệp của anh cũng như văn hóa doanh nghiệp của công ty có trụ sở ở Thung lũng Silicon này đã có bước thay đổi lớn.
Meng là một nhân viên vui tính. Anh được đánh giá cao ở khả năng động viên người khác. Và như thế, từ công việc chính là phát triển các công cụ tìm kiếm cho thiết bị di động anh đã chuyển sang nhiệm vụ làm cho niềm vui được lan tỏa ra toàn tổ chức.
Google không phải là công ty đầu tiên tuyển dụng một nhà quản lý cấp cao thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là xây dựng môi trường văn hóa vui vẻ cho tổ chức. Năm 1999, khi Google vẫn còn là một doanh nghiệp mới thành lập, Kiabi, nhãn hiệu thời trang hàng đầu của Pháp, đã tuyển Christine Jutard vào vị trí CHO.
Ba năm sau khi Meng được bổ nhiệm, công ty kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh hàng đầu McDonald’s cũng đã đề bạt Ronald McDonald từ vị trí quản lý nhãn hiệu vào vị trí CHO. Đến nay thì giám đốc hạnh phúc đã trở thành một vị trí phổ biến ở nhiều công ty. Trên trang web của LinkedIn hiện đang có hơn 1.000 vị trí giám đốc hạnh phúc được đăng tuyển.
Xu hướng nói trên xuất phát từ lý thuyết cho rằng những nhân viên hạnh phúc là những nhân viên làm việc với năng suất cao, và những nhân viên có năng suất cao có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp. Một lợi ích khác là những nhân viên hạnh phúc thường không có ý định nhảy việc. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng.
Với suy nghĩ như thế, nhiều công ty đã đầu tư không ít cho việc xây dựng một môi trường làm việc “hạnh phúc” cho nhân viên. Trường hợp của Expedia là một ví dụ. Công ty này đang chi ra cho mỗi nhân viên 14.000 USD/năm để làm cho họ cảm thấy vui vẻ. Một số công ty khác cho phép nhân viên được nghỉ phép không giới hạn, cung cấp thực phẩm miễn phí, thậm chí trang bị đồ chơi trong văn phòng để nhân viên cảm thấy làm việc vui hơn.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu phân tích kỹ những yếu tố thật sự làm cho nhân viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc ở công sở thì có thể thấy những công ty nói trên đã đi sai hướng. Nghiên cứu cho thấy, đối với nhân viên, điều hạnh phúc nhất là được làm việc trong một môi trường văn hóa lành mạnh, tức một tổ chức biết trân trọng nhân viên, quản lý nhân viên bằng những lời động viên, khen ngợi và những phần thưởng thay vì đi tìm những lỗi lầm của họ, đồng thời tổ chức đó cũng tạo điều kiện cho nhân viên được làm việc theo thời gian linh hoạt và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Để nhân viên vui vẻ ở công sở cần có ba điều: Họ phải phù hợp với công việc, họ không phải làm việc quá tải và họ có được cảm giác thành công với công việc của mình.”
Khi người quản lý vô tình làm suy yếu đội ngũ Một nghiên cứu về các doanh nghiệp mới được thành lập (startup) được thực hiện năm 2017 đã phát hiện ra rằng 57% các doanh nghiệp này có ít nhất một thành viên làm việc từ xa, có thể là làm việc tại nhà hoặc bất cứ nơi nào mà họ cảm thấy muốn làm việc. Việc cho phép nhân viên làm việc từ xa thể hiện sự tin tưởng của công ty đối với họ và giúp họ có sự độc lập trong cách giải quyết công việc của mình.
Và đây mới chính là điều làm cho nhân viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc chứ không phải việc ép họ đến một văn phòng nào đó rồi “dỗ dành” họ bằng những ly cà phê hay những món ăn vặt miễn phí.
Như John Ruskin, một nhà cải cách người Anh, đã từng nói vào năm 1851: “Để nhân viên vui vẻ ở công sở cần có ba điều: Họ phải phù hợp với công việc, họ không phải làm việc quá tải và họ có được cảm giác thành công với công việc của mình”.
Nghiên cứu cũng cho thấy tính cách của nhân viên quyết định đến việc họ có làm việc vui vẻ hay không. Theo một khảo sát với 3.200 nhân viên làm việc tại nhiều tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau do Robertson Cooper Ltd., một tổ chức tư vấn về môi trường làm việc lành mạnh, những nhân viên vui vẻ thường là những nhân viên có ba nhóm tính cách sau: có điểm cao về cảm xúc tích cực và sự nhiệt tình; ít có khuynh hướng bị những dấu hiệu của trầm cảm như buồn chán, vô vọng, cô đơn; luôn chủ động xác định các nhiệm vụ của mình và tự thực hiện chúng.
Cụ thể, những nhân viên hội đủ ba nhóm tính cách này có 79% số ngày làm việc tốt đẹp, có nghĩa là họ đạt được sự thỏa mãn trong công việc cao hơn, có sức khỏe tốt hơn và làm việc với năng suất cao hơn. Trong khi đó, những nhân viên có số điểm tổng về ba nhóm tính cách nói trên thấp hơn chỉ có 57% số ngày làm việc tốt đẹp.
Đông Dương / Fast Company
Nguồn Doanh Nhân+