FMCG Monitor 07/2018: Kem là ngành hàng tiêu biểu mùa hè này tại Nông thôn Việt Nam
FMCG Monitor: 12 tuần kết thúc vào 15/7/2018
Điểm tin chính trong Báo cáo tháng 7 năm 2018:
Các chỉ số chính
Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong 7 tháng đầu năm 2018, GDP đạt mức tăng trưởng 7,08% (6 tháng đầu năm so với cùng kỳ) cùng nhiều chỉ số kinh tế tích cực. Việt Nam tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài kết hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể ởcác mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng và phương tiện đi lại.
Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG
FMCG tăng trưởng chậm lại ở Thành thị 4 thành phố chính trong cả Quý 1 và Quý 2 năm nay nhưng bắt đầu có tín hiệu khả quan. Ở Nông thôn, thị trường tiếp tục duy trì ổn định.
Tại Thành thị 4 TP, tăng trưởng FMCG chậm lại do mức độ tiêu thụ Sữa và các sản phẩm từ Sữa, Thực phẩm đóng gói giảm, chủ yếu diễn ra ở ngành hàng sữa nước và các gia vị nấu ăn (bột nêm, nước mắm, nước tương), trong khi các ngành hàng đang phát triển như thức uống lúa mạch, sữa chua uống, tương cà, tương ớt vẫn đạt mức tăng trưởng khỏe mạnh. Ở Nông thôn, ngành hàng Sữa, Thức uống và sản phẩm Chăm sóc cá nhân đều tăng tốt về giá trị lẫn khối lượng tiêu thụ trong khi Thực phẩm đóng gói và sản phẩm Chăm sóc gia đình chững lại.
Ngành hàng tiêu biểu
Trong khi thị trường FMCG tăng 5.2% ở Nông thôn, thì ngành hàng Kem ghi nhận mức tăng trưởng gấp đôi và đạt mức tiếp cận người tiêu dùng cao nhất trong 3 qua. Tính chất mùa vụ của ngành hàng được thấy rõ nhất ở miền Trung và đặc biệt ở miền Bắc - nơi có tỷ lệ hộ mua cao gấp đôi so với năm các vùng khác. Ngược lại, Kem được mua quanh năm tại nông thôn miền Nam và bắt đầu tiếp cận nhiều hộ gia đình hơn trong năm 2018. Điều này cho thấy thói quen và sở thích của người tiêu dùng ở mỗi vùng, miền mỗi khác. Và để nắm bắt được những cơ hội tăng trưởng mùa vụ ngắn hạn cần có một chiến lược cụ thể và thấu hiểu người tiêu dùng ở từng vùng, miền khác nhau.
Kênh mua sắm
Bán lẻ hiện đại tiếp tục phát triển ở Thành thị 4 TP chính, với siêu thị và đại siêu thị tăng trưởng cao hơn so với quý trước. Siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi giữ vững đà tăng trưởng hai chữ số với các mặt hàng tăng trưởng chủ yếu ở kênh này là thực phẩm chế biến, mì ăn liền, các loại sốt và bánh quy. Ở Nông thôn, tạp hóa nhỏ vẫn là kênh mua sắm chính để tiếp cận người tiêu dùng Nông thôn,đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa.
Tiêu điểm của tháng - Cơ hội tăng trưởng trong tương lai: Thế hệ cao niên mới
Dân số Việt Nam tuy trẻ nhưng đang bắt đầu già đi và đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe hơn trước. Nhóm người cao niên mới dự kiến sẽ bùng nổ về số lượng trong những thập kỷ tới. Với thu nhập cao hơn, ý thức hơn về sức khỏe và có nhiều thời gian hơn khi về hưu để chăm sóc bản thân, nhóm người cao niên hứa hẹn sẽ đem lại ROI cao cho các nhà sản xuất và bán lẻ khi nhắm đến. Sữa bột dành cho người lớn vẫn tăng trưởng tốt dù thị trường sữa nói chung đang giảm sút trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn cơ hội phát triển thêm nữa bằng cách đáp ứng các nhu cầu sức khỏe khác nhau của người tiêu dùng Việt.
David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel