Facebook bắt đầu kiểm soát hình ảnh và video giả mạo, xuyên tạc của người dùng
Kể từ thời điểm này, Facebook sẽ giám sát và xác minh tất cả hình ảnh, video có nội dung giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt do người dùng đăng tải trên mạng xã hội.
Trong một động thái nhằm tuyên chiến với nạn thông tin và hình ảnh giả mạo tràn lan trên mạng xã hội, Facebook thông báo sẽ bắt đầu xác minh thông tin và tính xác thực của các bức ảnh hoặc video do người dùng chia sẻ.
Facebook cho biết, mạng xã hội này đã làm việc với 27 đối tác bên thứ ba tại 17 quốc gia trên thế giới từ lâu. Họ đóng vai trò tham gia cùng Facebook xác minh thông tin trong các bài viết đăng tải suốt 2 năm qua. Tuy nhiên giờ đây, các đối tác này sẽ có thêm nhiệm vụ mới khi phải xác minh tính chính xác của nội dung trong hình ảnh hoặc video của người dùng.
Mạng xã hội tỷ dân cho biết, tuyến phòng thủ đầu tiên của Facebook là trí tuệ nhân tạo. Máy học được sử dụng để xác định các nội dung có khả năng sai lệch bằng cách xác định các dấu hiệu, ví dụ như phản hồi, báo cáo của người dùng. Thậm chí, máy học còn trích xuất nội dung trong các bài đăng và so sánh với bài báo để phát hiện thông tin cắt ghép, giả mạo.
Ảnh bị gắn cờ do máy học phát hiện sẽ tiếp tục được gửi tới các đối tác bên thứ ba để xác minh lại thông tin.
Facebook khẳng định, đối tác của công ty có nhiệm vụ chính là đánh giá hình ảnh, video. Họ cũng được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ khi xác minh hình ảnh, ví dụ như phân tích siêu dữ liệu của bức ảnh, truy ngược nguồn gốc, vị trí chụp hoặc quay video,… Từ các kỹ năng và nghiệp vụ có được, họ sẽ đánh giá xem liệu bức ảnh hoặc video đó có phải là giả mạo hay không.
Nhưng chưa dừng ở đó, kết luận của người xác minh tiếp tục được gửi về AI để trau dồi sự chính xác và khả năng học tập của chúng.
Mạng xã hội Facebook đang phải vật lộn với cuộc chiến chống nạn tin giả tràn lan. Khi vấn nạn giả mạo thông tin ngày một biến tướng dưới hình thức hình ảnh cắt ghép hay ảnh chế nội dung thì việc đối phó với chúng càng trở nên khó khăn hơn.
Đại diện Facebook nhấn mạnh: "Mọi người chia sẻ hàng triệu bức ảnh và video trên Facebook mỗi ngày. Chúng tôi biết rằng, hình thức chia sẻ này đặc biệt hấp dẫn vì đó là hình ảnh trực quan. Nhưng nó cũng dễ dàng tạo cơ hội cho nhiều thành phần gây rối, làm điều xấu".
Cuối cùng theo AFP, Facebook sẽ gắn nhãn lên hình ảnh hoặc video bị phát hiện có nội dung xuyên tạc, giả mạo và gây nhầm lẫn để người dùng cảnh giác.
Tiến Thanh
Nguồn VnReview