Thu hồi hơn 400 biển quảng cáo để đấu thầu: Cân nhắc thiệt hại ngàn tỷ

Việc thành phố Hà Nội lên kế hoạch thu hồi hơn 400 vị trí đặt biển quảng cáo để đấu thầu khiến hàng chục DN lo lắng.

Bởi các vị trí này đều đã được cấp phép từ lâu, DN đã thuê, mua đất để xây dựng biển quảng cáo. Nay thu hồi thì tài sản đã đầu tư cả ngàn tỷ sẽ được định đoạt thế nào, thiệt hại này của DN rất lớn được tính toán ra sao?

Ông Nguyễn Đức Bình, Công ty CP đầu tư xây dựng - quảng cáo Hà Việt cho rằng: Việc thu hồi hơn 400 biển quảng cáo hợp pháp để đấu thầu khiến các DN có nguy cơ thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Đầu tư 1 biển khoảng 1,2-1,5 tỷ, đó là mới tính riêng phần xây dựng, chưa tínhthuê đất, mua đất...

“Đó là thiệt hại về vật chất cụ thể. Còn thiệt hại khác nữa. Chẳng hạn 435 biển này gần như đang có nội dung quảng cáo. Các DN phải đền hợp đồng cho khách hàng, và số tiền đền bù theo hợp đồng rất lớn. Khách hàng thường ký quảng cáo 1 năm-3 năm, trung bình 400 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Đức Bình lo ngại.

Ông Bình cũng cho rằng việc thu hồi 435 biển quảng cáo như kế hoạch của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cần xem xét kỹ vấn đề cơ sở pháp lý và các hệ lụy.

Thu hồi hơn 400 biển quảng cáo để đấu thầu: Cân nhắc thiệt hại ngàn tỷ

“Có biển quảng cáo DN đã mua đứt, hoặc thuê đất trả tiền 5 năm rồi, giờ thành phố thu hồi thì cơ sở đâu để làm khi đó là tài sản của DN. Có vị trí biển quảng cáo đã được thế chấp để vay tiền ngân hàng thì thành phố thu hồi làm sao được. Đó là điều DN lo lắng”, đại diện DN quảng cáo băn khoăn.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng: Việc thu hồi 435 biển quảng cáo ảnh hưởng đến nhiều công ty quảng cáo. Đó là tài sản của DN, quá lo lắng nên DN đã kêu cứu khắp nơi với mong muốn Hà Nội điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi của họ.

“Nếu thu hồi lại các biển quảng cáo này thì thiệt hại cho DN lên đến hàng nghìn tỷ đồng”, ông Sơn nói.

Nói về việc đấu thầu biển quảng cáo, ông Nguyễn Đức Bình cũng đồng tình rằng, việc đấu thầu các biển quảng cáo chỉ nên được tiến hành ở những vị trí mới chưa dựng biển, đất sạch, không phải của tư nhân hay DN. Còn các vị trí biển quảng cáo đã nằm quy hoạch cũ, được pháp luật thừa nhận thì cần được kế thừa, tôn trọng, không thể thu hồi để đấu thầu.

Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng: 435 biển quảng cáo này đã nằm trong Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 13/1/2012 và Quyết định số 1180/QĐ-UBND ngày 30/03/2007 của UBND thành phố Hà Nội. Các DN đã xây dựng các biển quảng cáo này phù hợp với quy định của pháp luật. Vị trí đặt biển, DN thuê dài hạn của người dân hoặc mua thẳng của người dân thì Hà Nội thu hồi thế nào?.Trong dự thảo Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 1997 ngày 24/4/2018 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 không nói đến quyền và lợi ích của DN được xử lý thế nào.

Thu hồi hơn 400 biển quảng cáo để đấu thầu: Cân nhắc thiệt hại ngàn tỷ

Theo luật sư Đạt, thành phố Hà Nội cần công bố công khai Quyết định 1997 ngày 24/4/2018 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Bởi vì 4 tháng nay quyết định này vẫn chưa được công khai để DN biết. Việc công khai sẽ giúp DN nắm bắt được các vị trí biển quảng cáo trong quy hoạch này có kế thừa những vị trí trong Quyết định 348 năm 2012 hay không.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Đạt, nếu thu hồi 435 biển quảng cáo đã được DN đầu tư xây dựng đúng quy định pháp luật, đúng quy hoạch tại Quyết định 348 năm 2012 là không phù hợp. Quan điểm của tôi việc đấu thầu chỉ nên tiến hành ở các vị trí mới trong Quy hoạch 1997 được thành phố Hà Nội ban hành tháng 4/2018. Các vị trí cũ trong quy hoạch 348 năm 2012 cần duy trì để tránh thiệt hại cho DN”, luật sư Nguyễn Ngọc Đạt lưu ý.

Đại diện Hiệp hội quảng cáo Việt Nam đề nghị thành phố Hà Nội sớm công bố quy hoạch quảng cáo tại Quyết định 1997. Đồng thời sớm tổ chức gặp mặt với các DN có liên quan để đối thoại.

Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội quảng cáo, chúng ta nên khuyến khích các DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển, vì thế trong công tác đấu thầu các biển quảng cáo ở những vị trí mới cần có sự ưu tiên cho các DN Việt Nam.

Hoài Nam
Nguồn Vietnamnet