Tại sao người Việt Nam không thích ăn đồ McDonald's và Burger King?
McDonald's có đến cả nghìn cửa hàng ở các vị trí mặt tiền đẹp tại Trung Quốc và Nhật nhưng sau hơn 4 năm tại Việt Nam lại chỉ mở được 17 cửa hàng.
Ngành kinh doanh thức ăn nhanh phát triển trên khắp thế giới. Các chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh như McDonald's hay Burger King là những tên tuổi nổi bật nhất trong ngành kinh doanh có quy mô 651 tỷ USD này. Tại Việt Nam, thành công của hai thương hiệu trên tuy nhiên còn hạn chế.
Tính trên khắp thế giới, McDonald's và Burger King có lần lượt 36 nghìn cửa hàng và 16 nghìn cửa hàng trên hơn 100 quốc gia. McDonald's thậm chí còn có cửa hàng tại Vatican. Thế nhưng tại Việt Nam, McDonald's và Burger King chỉ có 17 và 13 cửa hàng. Tại sao hai hãng này lại không thu hút được nhiều sự quan tâm của người Việt? CNBC đã thực hiện một phóng sự để lý giải điều này.
Theo CNBC, khi McDonald's khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, lập tức McDonald's nhận được rất nhiều sự chú ý của truyền thông và công chúng. Hàng trăm người dân địa phương đã xếp hàng trong nhiều giờ để mua được bánh Bic Mac. Thế nhưng rồi đến hiện tại – năm 2018, McDonald's chỉ có 17 cửa hàng.
Còn Burger King, sau khi vào Việt Nam chính thức từ năm 2011, sau 7 năm trôi qua, Burger King chỉ có 13 cửa hàng.
Việc sản phẩm đồ ăn nhanh của hai hãng này không được quan tâm không khỏi khiến nhiều người băn khoăn bởi trước đó Burger King đã thành công vang dội tại nhiều quốc gia còn McDonald's đã được rất nhiều người tiêu dùng các nước châu Á khác ví như Trung Quốc hay Nhật rất yêu thích.
McDonald's có đến cả nghìn cửa hàng ở các vị trí mặt tiền đẹp tại Trung Quốc và Nhật. Burger King trong khi đó đã tăng được số cửa hàng tại Nhật từ 12 lên 28 vào năm 2017.
Thế nhưng Việt Nam lại là câu chuyện khác. Khi bắt đầu vào Việt Nam vào năm 2014, McDonald's từng có kế hoạch sẽ mở khoảng 100 cửa hàng trong 10 năm tại Việt Nam, và giờ đây khi hơn 4 năm đã trôi qua, số cửa hàng mới dừng ở con số 17.
Câu chuyện tương tự với Burger King, hãng từng đầu tư đến 40 triệu USD vào Việt Nam năm 2012 với mục tiêu mở đến 60 cửa hàng trước thời điểm năm 2016, theo tin từ Vietnam Business Review. Năm 2018, Burger King mới chỉ có 13 cửa hàng.
Phóng viên CNBC đã liên hệ với cả McDonald's và Burger King để tìm hiểu quan điểm của họ về việc tại sao họ lại chậm mở rộng tại Việt Nam, tuy nhiên không nhận được phản hồi.
Theo lý giải của một số chuyên gia trong ngành, Việt Nam có sản phẩm bánh mì, vốn không khác nhiều lắm và không kém ngon hơn so với sản phẩm đồ ăn nhanh, trong khi đó giá lại quá thấp nếu so với giá của đồ ăn nhanh các hãng hiện tại.
Từ năm 2016 đến năm 2018, số lượng người Việt đến các cửa hàng đồ ăn nhanh giảm 31% trong khi đó số lượng khách đến với các cửa hàng đồ ăn truyền thống đường phố tăng đến 70%.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), người Việt Nam dành một phần khá lớn trong thu nhập của họ để mua thực phẩm. Tính chung, khoảng 70% số tiền họ chi tiêu cho thực phẩm dành cho các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, các quầy kinh doanh nhỏ. Chỉ 1% tiền của người Việt Nam được dành cho các chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh.
Ngành dịch vụ thực phẩm Việt Nam có khoảng 540 nghìn cửa hàng, trong đó có khoảng 430 nghìn là các gian hàng đường phố. Việt Nam đang có khoảng hơn 80 nghìn nhà hàng và 22 nghìn điểm kinh doanh dịch vụ bar và cafe.
Theo một chuyên gia trong ngành, nếu ai đó có hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam, người đó sẽ biết rằng hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống dù có lịch sử phát triển đã nhiều thập kỷ nhưng mới chỉ thực sự sôi động trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Năm 1997, KFC vào Việt Nam, thế nhưng thị trường Việt Nam lúc đó vốn cũng đã có quá nhiều lựa chọn với các nhà hàng kinh doanh đồ ăn địa phương. KFC đã mất đến 7 năm chỉ để mở được 10 cửa hàng tại Việt Nam. KFC đã phải thay đổi thực đơn nhiều để phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Hiện tại KFC có 130 cửa hàng tại 21 thành phố của Việt Nam.
Thế nhưng nhìn chung, giá cả đồ ăn thức uống tại cả KFC, McDonald's hay Burger King vẫn quá cao so với thu nhập của người Việt Nam.
Tuy nhiên, yếu tố giá cả không phải cản trở duy nhất với thành công của McDonald's hay Burger King tại Việt Nam. Trong văn hóa ẩm thực của người Mỹ, họ thường thích những suất ăn cá nhân, không chia sẻ. Đối với văn hóa ẩm thực của người Việt, người Việt thường thích chia sẻ đồ ăn trong khi bánh Mac của McDonald's không phải thứ để chia sẻ.
Ông Thue Thomasen, nhà sáng lập của Decision Lab, nhận xét, có lẽ đối với người Việt, đồ ăn nhanh không phải thứ hấp dẫn họ.
Và tương lai của ngành kinh doanh đồ ăn nhanh tại Việt Nam nhiều khả năng không sớm sáng sủa hơn.
Lượng người Việt Nam đến dùng bữa tại các cửa hàng đồ ăn nhanh ngày một giảm. Từ năm 2016 đến năm 2018, số lượng người Việt đến các cửa hàng đồ ăn nhanh giảm 31% trong khi đó số lượng khách đến với các cửa hàng đồ ăn truyền thống đường phố tăng đến 70%.
Cũng theo ông Thue Thomasen, khi ông xem xét đến các chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh, ông sẽ chia thành 2 nhóm: nhóm bánh burger, nhóm gà và nhóm đồ ăn Ý. Với đồ ăn Ý, lựa chọn này phù hợp hơn với nhiều nước châu Á bởi thực khách dễ dàng chia sẻ đồ ăn.
Cũng theo CNBC, McDonald's và Burger King hiện chỉ chiếm được khoảng 2,8% thị phần ngành kinh doanh đồ ăn nhanh tại Việt Nam, trong khi đó KFC có 11,4% còn Pizza Hut chiếm được 21,3%.
McDonald's và Burger King tuy nhiên chưa hề từ bỏ, họ đang thay đổi thực đơn để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt. Thế nhưng các chuyên gia khẳng định tương lai của 2 hãng không mấy sáng sủa khi mà người Việt đang bớt thích đồ ăn nhanh và họ có quá nhiều lựa chọn hợp khẩu vị, rẻ tiền hơn.
Trung Mến
Nguồn BizLive