Internet vạn vật sẽ thay đổi ngành bán lẻ

Trong vài năm gần đây, Internet vạn vật (IoT) đã dần dịch chuyển từ một khái niệm mang tính học thuyết tương lai để trở thành một thực tế mà hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới cách chúng ta sống, làm việc và mua sắm.

IoT đã trở thành một cầu nối giữa thế giới thực và thế giới số, tạo ra một cơ hội lớn cho hoạt động kinh doanh nếu khai thác hiệu quả, vì các thiết bị thông minh được kết nối sẽ cung cấp những thông tin có chất lượng, và từ đó, cho phép chúng ta ra quyết định tốt hơn. Nói cách khác, lợi ích của IoT là giúp loại bỏ các yếu tố mang tính “đoán mò” ra khỏi phương trình kinh doanh. Có thể nói, sự kết hợp giữa sức mạnh xử lý của máy tính tiên tiến, các thiết bị cảm biến và phân tích dữ liệu đã cho chúng ta một công cụ tuyệt vời.

Một vài lợi ích chính của IoT

IoT cho phép đồng bộ hóa thông tin, theo đó các bên liên quan ở nhiều địa điểm khác nhau có thể truy xuất vào cùng một dữ liệu vào cùng một thời điểm.

Thêm vào đó, nhờ vào các tiến bộ công nghệ về xử lý dữ liệu và phân tích dự đoán, không những chúng ta có thể biết những gì đang diễn ra vào thời điểm hiện tại, mà còn có thể tiên đoán được những gì có thể xảy ra trong tương lai. Ý nghĩa của điều này đối với các nhà bán lẻ, nhà phân phối hay nhà sản xuất chính là khả năng truy xuất thông tin tức thời, cập nhật các xu hướng tương lai giúp kiểm soát chuỗi cung ứng một cách hiệu quả hơn.

Internet vạn vật sẽ thay đổi ngành bán lẻ

Các doanh nghiệp sẽ có thể dễ dàng lập kế hoạch trước nhờ vào các dữ liệu dự đoán được cung cấp. Ví dụ, dựa vào những hệ thống cảm biến mà nhà bán lẻ có thể giám sát tự động mức tồn kho trong cửa hàng và gửi các cảnh báo cho hàng trưởng khi một mặt hàng rơi vào tình trạng thiếu hàng. Điều này giúp tiết kiệm một cách đáng kể cả thời gian và chi phí cho nhà bán lẻ.

Tạo kết quả kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng

Nói đến IoT thì không chỉ nói về các thiết bị cảm biến, kết nối và dữ liệu, mà còn phải nói đến cơ hội gia tăng kết quả kinh doanh, như khả năng tăng trưởng thông qua nhận diện và triển khai các nguồn doanh thu hoặc các mô hình kinh doanh mới. Tất cả điều này có thể hiện thực hóa nhờ vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, mà trong lĩnh vực bán lẻ, các giải pháp IoT có thể cung cấp hàng loạt các cơ hội.

Ví dụ, IoT có thể cung cấp các phân tích chuyên sâu giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng của khách hàng. Các thiết bị cảm biến trong cửa hàng sẽ giúp thu thập dữ liệu về vị trí và lộ trình mua sắm của người mua hàng, cho phép nhà bán lẻ có được các phân tích tức thời về hành vi khách hàng như về tần suất và thời gian viếng thăm tại cửa hàng, lộ trình mua sắm trong cửa hàng, thời gian khách hàng dành cho mỗi khu vực cụ thể trong cửa hàng, hay thời gian xếp hàng và chờ thanh toán. Tổng hợp các nguồn dữ liệu và phân tích này cho phép nhà bán lẻ đưa ra các quyết định thực tiễn và kịp thời về tổ chức ngành hàng, sắp xếp quầy kệ, hay lượng hàng tồn trong kho và trên kệ, cũng như các chính sách về giá và chương trình giảm giá hiệu quả hơn.

Lợi ích của IoT là giúp loại bỏ các yếu tố mang tính “đoán mò” ra khỏi phương trình kinh doanh.

Các thiết bị thông minh còn giúp việc tương tác với khách hàng được dễ dàng hơn. Về khía cạnh này, các nhà bán lẻ trực tuyến (online) thực tế đang đi đầu về áp dụng các giải pháp đổi mới vào việc giúp trải nghiệm mua sắm của khách hàng được nhanh và đơn giản hơn. Đoạn video mà Amazon, người khổng lồ về bán hàng online toàn cầu, tung ra gần đây giới thiệu Amazon Go là một minh chứng rất cụ thể việc áp dụng các công nghệ thông minh vào quá trình mua sắm, từ việc nhận diện khách hàng bằng QR code khi vào cửa, hệ thống camera thông minh để theo dõi lộ trình mua sắm của khách hàng, cho đến hệ thống quầy kệ thông minh nhận diện hành động chọn hàng của khách hàng, cập nhật giỏ hàng ảo và thanh toán tiền tự động... Tất cả thiết bị này khi được kết nối tổng thể cùng với việc áp dụng phân tích dữ liệu và trí thông minh nhân tạo đã tạo ra một quá trình mua sắm liền mạch không ngắt quãng và đầy thú vị, từ lúc bước chân vào cửa hàng đến khi ra khỏi cửa hàng. Điều quan trọng nhất mà các nhà bán lẻ cần làm là xác định được cách thức để các thiết bị thông minh có thể đóng góp giá trị vào mỗi khâu trong lộ trình mua sắm của khách hàng bằng cách thường xuyên tự đặt câu hỏi: “Làm sao để người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giảm áp lực mua sắm?”.

IoT sẽ tạo ra những đột phá và sẽ hoàn toàn phá vỡ các quy trình bán lẻ truyền thống trong những năm tới. Có cơ sở để tin rằng, những thay đổi này sẽ đến rất nhanh, trong đó thị trường bán lẻ Việt Nam, mặc dù đi sau nhiều nước, cũng sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ của sự dịch chuyển đó. Vì vậy, các nhà bán lẻ cần ý thức về tính cấp bách và chủ động chuyển đổi bằng việc tập trung vào phát triển các năng lực giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và nhanh chóng sử dụng công nghệ IoT vào vận hành.

Tác giả Nguyễn Minh Đức là Phó tổng giám đốc bộ phận tư vấn quản trị doanh nghiệp của EY Vietnam.

Nguyễn Minh Đức
Nguồn The Saigon Times